Khi trao đổi với báo giới liên quan tới máy bay chở khách nội địa đầu tiên do Trung Quốc sản xuất - C919, được hỏi về khả năng loại máy bay này có thể phá thế độc quyền trên thị trường thế giới hay không, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun nhận định: “Nếu như có 3 nhà cung cấp máy bay trên thị trường toàn cầu đang phát triển cả về quy mô và phạm vi thì không phải chuyện gì đáng lo ngại. Tôi cho rằng sẽ là ngớ ngẩn nếu lo lắng thái quá”.
Cuối tuần trước, máy bay C919 đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên với hành trình từ Thượng Hải tới Bắc Kinh. Đây được coi là cột mốc quan trọng đối với hãng sản xuất - Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (COMAC).
Ông Calhoun cho rằng C919 là “máy bay tốt” nhưng công ty COMAC sẽ cần nhiều thời gian để đạt năng suất sản xuất đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun. Ảnh: Reuters
Do đó, thay vì lo ngại về khả năng C919 gia nhập đường đua, theo ông Calhoun, Boeing nên tập trung vào cạnh tranh hiện tại và tìm cách chiến thắng trong cuộc đua công nghệ với hãng bay đối thủ Airbus của châu Âu.
Ông Calhoun cũng cho biết, Trung Quốc vẫn “là bạn, là khách hàng” của Boeing nhưng hoạt động kinh doanh của hãng sản xuất máy bay Mỹ tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng địa chính trị.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã cho phép dòng máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trở lại tại quốc gia này sau khi áp lệnh cấm vì 2 vụ tai nạn vào các năm 2018, 2019 khiến 346 người thiệt mạng. Tuy nhiên, quá trình bàn giao máy bay 737 MAX đang đình trệ do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Quay trở lại cạnh tranh giữa Boeing và Airbus, khi được truyền thông đề nghị nêu quan điểm về thông tin Airbus có thể sắp ra mắt phiên bản mới của dòng A220 - động thái có thể thách thức mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing là 737 MAX 8, ông Calhoun cho biết không quá lo ngại về việc này.
Ông Calhoun khẳng định Boeing không quá chú tâm vào việc giành lại 50% thị phần thị trường máy bay thân hẹp để giành được thế cân bằng với đối thủ Airbus.
Thay vào đó, Boeing cần giải quyết những vấn đề về chuỗi cung ứng và sản xuất vốn đang ảnh hưởng tới khả năng bàn giao máy bay của hãng vì đây mới là những vấn đề chính dẫn tới việc Boeing để mất thị phần trên thị trường trong 4 năm qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận