Chờ di dời đường dây điện
Dự án thành phần 2 của cao tốc trục ngang (Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) dài hơn 37km, qua ba huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai của thành phố Cần Thơ.
Dự án chia làm bốn gói thầu 11, 12, 13 và 14, tổng giá trị 6.448 tỷ đồng.
Sau 10 tháng chờ được cấp mỏ cát san lấp, đến thời điểm này mặt bằng của bốn gói thầu vẫn vướng đường dây điện cao, trung và hạ thế, gây không ít khó khăn cho việc thi công.
Ông Đặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc Quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc (thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ, chủ đầu tư dự án thành phần 2) cho biết: Đến thời điểm này chỉ có huyện Cờ Đỏ vừa tổ chức khảo sát, chuẩn bị di dời đường dây trung và hạ thế. Hai huyện Vĩnh Thạnh và Thới Lai vẫn chưa tiến hành khảo sát.
Trong khi đó, phương án di dời hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt, tiền đã được chủ đầu tư duyệt chi cho các địa phương từ nửa năm trước.
Trong đó, đường dây trung thế và hạ thế đã phê duyệt toàn bộ chi phí di dời trên toàn tuyến với giá trị gần 26 tỷ đồng.
Đường dây cao thế đang được đơn vị tư vấn thiết kế triển khai trình thẩm định, giá trị di dời dự kiến khoảng 51,35 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các huyện nơi dự án đi qua cho rằng, việc chậm trễ di dời đường dây điện là do phải điều chỉnh phần thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đối với chi phí bồi thường.
Cụ thể, việc điều chỉnh phần trăm thuế giá trị gia tăng là theo quy định được ưu đãi đối với dự án. Việc này cần lấy lại ý kiến để thông qua hội đồng và mất thời gian.
Trước tình trạng này, chủ đầu tư kiến nghị UBND các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai sớm ký kết hợp đồng với đơn vị khảo sát, lập hồ sơ thiết kế và dự toán di dời đường điện cao thế. Đồng thời đôn đốc sớm phê duyệt phương án di dời để bàn giao mặt bằng thi công.
Trong khi đó, việc thi công dưới đường dây điện đã và đang gây không ít khó khăn cho các nhà thầu.
Ông Trương Vũ Thắng, Chỉ huy trưởng công trình (thuộc Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - một trong hai nhà thầu liên danh gói thầu 13) cho biết, một số hạng mục cầu trong gói thầu đang đóng ép cọc phần trụ.
Tuy nhiên, tại nhiều đoạn, máy móc không thể vươn lên cao vì vướng dây điện trung và hạ thế. Công nhân phải tranh thủ thi công ở những khu vực thuận lợi hơn.
"Dù đến nay chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào do đường dây điện, nhưng sắp tới phải di dời thì chúng tôi mới thi công được", ông Thắng cho biết.
Bốn gói thầu đang thi công thế nào?
Tại gói thầu 11, giá trị hợp đồng hơn 1.960 tỷ đồng, khởi công đúng một năm trước nhưng đến nay mới bàn giao mặt bằng 7,645/9,6km.
Báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án thành phần 2 cho biết có 189/283 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, còn vướng các nhà dân hai bên quốc lộ 80 và nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Hiện gói thầu này đang được đào đất không thích hợp, phần nền đường tuyến chính dài gần 6km, đường gom hơn 1km, đường công vụ gần 2,3km, đào cải mương 0,4km, trải vải địa kỹ thuật 2,34km.
Song song đó, đơn vị thi công cũng đắp bờ bao thi công tuyến chính hơn 2km. Đắp cát nền đường công vụ gần 1km, đắp cát mặt bằng nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khoảng 7.000/16.000m3.
Đối với các phần cầu, nhà thầu đã triển khai thi công đào đất không thích hợp trong phạm vi mặt bằng lán trại, bãi đúc dầm tại cầu vượt nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tập kết thiết bị tại cầu kênh Tư Bun, chuẩn bị mặt bằng đóng cọc thử…
Tại gói thầu 12, giá trị hợp đồng hơn 1.987 tỷ đồng, các nhà thầu đang đào đất không thích hợp nền đường tuyến chính dài 8,35km, đường công vụ 3,25km, đường gom tận dụng làm đường công vụ 6,9km, đắp bờ bao ngăn nước 8,7km.
Về phần cầu, hiện đang thi công cọc khoan nhồi trụ cầu kênh Đứng, cọc đại trà mố, trụ cầu kênh KH1, sản xuất cọc thử cầu, san lấp mặt bằng thi công cầu…
Tại gói thầu 13, giá trị hợp đồng trên 1.231 tỷ đồng, các nhà thầu đang đào đất không thích hợp tuyến chính khoảng 5,4km, đường gom dài 5,47km, đường công vụ khoảng 7,14km.
Đắp bờ bao ngăn nước tuyến chính dài 5,36km, bờ bao đường gom dài 5,47km, đường công vụ dài 7,14km, trải vải địa kỹ thuật tuyến chính dài 1,44km.
Về phần cầu, cầu kênh Thị Đội đang đào khuôn đường công vụ, xử lý nền cát mặt bằng thi công, ép và đóng cọc thử phần trụ, thi công bệ đúc dầm, lắp đặt khuôn dầm.
Tại cầu kênh Ngàn Ba đang thi công đóng cọc thử và cọc đại trà mố M1.
Tại gói thầu 14, giá trị hợp đồng hơn 1.269 tỷ đồng đang được đào nền đường không thích hợp và đắp bờ bao tuyến chính dài 3km, đường gom dài 3,2km, đường công vụ dài 4km, trải vải địa kỹ thuật đường gom dài gần 1km.
Đối với phần cầu, nhà thầu đang huy động thiết bị, tập kết vật tư, vật liệu thi công cầu kênh Móng - Ngàn Ba, đang thực hiện đúc và đóng cọc thử, thi công bãi đúc cấu kiện.
Ông Đặng Hoàng Vĩnh Giám đốc Quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc, cho biết tại các gói thầu đang đẩy nhanh thi công sau khi có cát khoảng hai tháng qua. Đây là thời điểm các nhà thầu tăng tốc để bù tiến độ.
Vì lẽ đó, đại diện chủ đầu tư cũng mong rằng chính quyền, ngành chức năng ba huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai đẩy nhanh công tác di dời đường dây điện, sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài trên 188km, đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.
Dự án gồm bốn dự án thành phần, đồng loạt khởi công ngày 17/6/2023. Trong đó, dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ, dài hơn 57km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn Cần Thơ, chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng.
Và dự án thành thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận