Trong chiến lược mới nhất, bóng đá nam Việt Nam đặt mục tiêu vào top 8 châu Á giai đoạn 2030 - 2045, giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong top 6 châu Á, giành quyền tham dự các kỳ World Cup. Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu này không đơn giản và cần những giải pháp quyết liệt.
Mục tiêu có khả thi?
Phó thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1189 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp.
Trong đó, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic. Đáng chú ý, chiến lược cũng nêu rõ, mục tiêu trong giai đoạn này, bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Với bóng đá nữ, hiện tại đội tuyển Việt Nam vẫn đang đứng thứ 6 châu Á sau Nhật Bản, Triều Tiên, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc. Các cô gái áo đỏ cũng đã 1 lần dự World Cup vào năm 2023. Chính bởi vậy, mục tiêu đề ra có vẻ không quá sức. Tuy nhiên, vị trí của tuyển nữ Việt Nam không được đảm bảo bởi các đối thủ như Thái Lan, Philippines, Đài Loan hay Uzbekistan đang vươn lên mạnh mẽ.
Trong khi đó, bóng đá nam mới chỉ tiến sâu nhất tới vòng loại thứ 3 World Cup nhưng thất bại toàn tập, dù ở thời kỳ có thể coi là đỉnh cao nhất. So với giai đoạn 2018 - 2022, đội tuyển Việt Nam giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình. Thể hiện rõ nhất là việc thầy trò HLV Kim Sang-sik đang đứng thứ 21 châu Á (so với thứ 12 châu Á vào thời điểm HLV Park Hang-seo còn tại vị).
Từ những phân tích trên, rõ ràng để bóng đá Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu như bản chiến lược đề ra là điều không hề đơn giản, nhất khi hiện tại cả bóng đá nam lẫn nữ đều đang cho thấy dấu hiệu thoái trào.
Cần vào cuộc quyết liệt
Chuyên gia Nguyễn Hồng Thanh, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nhận định, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi bởi bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, cả hệ thống phải tập trung cao độ, đồng bộ, quyết liệt chứ không thể chỉ trông chờ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Bóng đá phản ánh sự phát triển của xã hội. Khi nào xã hội không còn sức ì, môi trường tích cực thì bóng đá cũng sẽ có thêm động lực đi lên và ngược lại.
Bình luận viên Vũ Quang Huy
Ông Thanh cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu, cần ba nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc phát triển bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ. Ngoài ra, cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Chính phủ với các hoạt động bóng đá.
Thứ hai, cần cơ chế đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tiềm lực mạnh đầu tư cho bóng đá một cách lâu dài. Thứ ba, VFF phải làm tốt vai trò định hướng, tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, ngoài chuyên nghiệp chất lượng cao, từ đó làm tiền đề để xây dựng các đội tuyển đủ sức cạnh tranh, tiệm cận trình độ châu lục.
Giải bài toán nguồn lực
Đồng tình với những quan điểm trên, bình luận viên Vũ Quang Huy đánh giá thêm, để thể thao và đặc biệt là bóng đá phát triển, thể chất con người Việt Nam như chỉ số chiều cao, thể lực cần cải thiện.
Bên cạnh đó, ông Huy cho rằng, phải đẩy mạnh hơn nữa bóng đá trẻ và bóng đá phong trào, tạo chân đế vững chắc: "Chúng ta cứ nói mục tiêu này nọ nhưng sân bóng cho trẻ em chơi còn rất hạn chế, hoặc muốn chơi thì phải mất tiền.
Phải làm sao tất cả những đứa trẻ yêu bóng đá đều được chơi và phát triển khả năng từ sớm. Trong khi đó, bóng đá trẻ đào tạo cần phải có chuẩn mực chứ không thể làm theo kinh nghiệm, có thế nào làm thế ấy".
Cũng theo vị bình luận viên kỳ cựu, nguồn lực cho bóng đá cần phải đa dạng chứ không nên phụ thuộc vào một hai ông bầu.
"Với điều kiện kinh tế của chúng ta hiện tại, để tìm kiếm doanh nghiệp đồng hành cùng bóng đá bền bỉ suốt nhiều năm là không nhiều. Việt Nam nên học mô hình của Nhật Bản, một đội bóng có nhiều nhà tài trợ, tránh tình trạng đội đang ổn định, ông bầu bỏ bóng đá là hỏng cả tập thể, ảnh hưởng chung tới nền bóng đá", ông Huy nói
Ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch VFF nhấn mạnh, muốn bóng đá Việt Nam phát triển thì cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn lực; Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dinh dưỡng, chăm sóc y học và Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và điều hành, quản lý.
Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất tập trung vào công tác tập huấn, thi đấu cho cầu thủ; nâng cao chất lượng HLV, trọng tài ngang tầm quốc tế.
Nhóm giải pháp thứ hai tập trung vào cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dinh dưỡng và y học thể thao. Nhóm giải pháp thứ ba tập trung vào nâng cao chất lượng các giải bóng đá vô địch quốc gia cả về chuyên môn lẫn năng lực quản lý điều hành, công tác xã hội hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận