Thể thao

Bóng đá Việt Nam: Làm sao để không hụt hẫng?

30/01/2019, 07:37

Hôm 26/1, đội tuyển Việt Nam đã về nước trong sự chào đón của người hâm mộ, sau một kỳ Asian Cup 2019 thành công.

img
Đội tuyển Việt Nam về nước sau Asian Cup 2019 trong sự chào đón của cổ động viên

Ban đầu, HLV Park Hang-seo chỉ đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng nhưng đoàn quân dưới quyền ông lại vào tới tận tứ kết, chỉ thua sát nút ông lớn Nhật Bản 0-1. Xin nhấn mạnh rằng, Nhật Bản là đội bóng duy nhất ở châu Á vượt qua vòng bảng World Cup 2018. Đáng nói hơn, tuy thua, Việt Nam đã gây cho đối thủ rất nhiều khó khăn. Bản thân trung vệ đội trưởng Maya Yoshida của Nhật Bản đã thừa nhận điều này.

Từ bao giờ đội tuyển Việt Nam đủ sức đá ngang ngửa với một trong những đội bóng mạnh nhất châu lục? Kể từ bao giờ đội tuyển Việt Nam khiến các đội bóng Tây Á cao to phải vã mồ hôi, thở dốc? Trước đây, nhắc tới đấu trường châu Á, giới chuyên môn, người hâm mộ Việt Nam đều tặc lưỡi rằng, thôi thì đá cho vui chứ kiểu gì chả thua bung bét. Quá khứ đúng là vậy, khi chiếc áo châu Á quá rộng so với cơ thể gầy còm của bóng đá Việt Nam.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi, kể từ khi HLV Park Hang-seo nhận lời sang Việt Nam làm việc. Dưới sự dẫn dắt tài tình của nhà cầm quân người Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam lớn nhanh như thổi và đương nhiên, chiếc áo châu Á không còn quá rộng mà trở nên vừa vặn. Nhiều người tin rằng, nếu chỉ đụng độ Trung Quốc ở tứ kết, Việt Nam có khả năng cao vào bán kết Asian Cup 2019. Niềm tin này đương nhiên không phải mù quáng bởi “những chiến binh sao vàng” chơi đầy sức sống, mạch lạc trước Nhật Bản.

Không phải bàn cãi nhiều, HLV Park Hang-seo và lứa cầu thủ hiện tại đang để lại sự tin yêu, lạc quan nơi người hâm mộ. Nhưng làm sao để những ngày tháng tươi đẹp tiếp tục nối dài là câu hỏi không dễ tìm câu trả lời. Ai có thể đảm bảo người kế nhiệm HLV Park Hang-seo sẽ phát huy được những tinh hoa nhà cầm quân này đã và đang gây dựng? Nhìn lực lượng kế cận, người hâm mộ không khỏi lo lắng về sự hụt hẫng bởi có quá ít những cái tên nổi bật.

Bình luận viên Vũ Quang Huy nói một câu rất hay, nuôi lợn xuất chuồng không phải lứa nào cũng như lứa nào, đều cân nhau. Đào tạo cầu thủ trẻ cũng vậy, có lứa này lứa khác. Về cơ bản, phải giữ được ổn định trong cách làm, cách tổ chức. Quan điểm này đúng nhưng chưa đủ. Để một nền bóng đá phát triển rực rỡ, công tác đào tạo trẻ phải rộng khắp. Không thể chỉ mãi trông chờ CLB Hà Nội, HAGL, SLNA… cung cấp những cầu thủ giỏi. Phạm vi lựa chọn phải được mở rộng cả về lượng và chất.

Đội tuyển Tây Ban Nha từng lấy cầu thủ Barcelona làm nòng cốt. Nhưng khi cầu thủ Barcelona đi xuống, cầu thủ Real Madrid, Sevilla, Atletico Madrid sẵn sàng trám vào, giúp “Bò tót” duy trì được lực lượng mạnh. Với bóng đá Việt Nam, sau những gì đã thể hiện, giờ là lúc nghĩ về mục tiêu xa hơn, dự World Cup chẳng hạn. Nhưng để làm được điều này, chân đế - công tác đào tạo trẻ cần mở rộng, để tạo ra được nhiều thế hệ cầu thủ chất lượng, bồi đắp về chất và lượng cho các đội tuyển quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.