Chuyện dọc đường

Bóng đen cờ bạc, rượu chè, đa cấp

10/02/2019, 13:14

Cờ bạc, bia rượu và đa cấp đang tàn phá làng quê Việt...

img
Chìm đắm trong cờ bạc, bia rượu và đa cấp là vấn nạn ở nhiều làng quê hiện nay

Về quê ăn Tết nghe chuyện mới thấy, có 3 thứ tàn phá các vùng quê kinh khủng khiếp là: Cờ bạc, bia rượu và đa cấp.

Lô đề nhiều đến mức việc bán nhà, vợ chồng ly tán của các con “nghiện” đã thành truyện cười kể cho nhau nghe hàng ngày. Họ kể như nó không liên quan tới mình vì họ vẫn đâm đầu vào như thiêu thân, bất chấp những tấm gương đầy rẫy xung quanh.

Và đa cấp thì thôi khỏi phải nói, làng quê nào cũng có ngót nghét chục bọn đa cấp lừa đảo đến chém gió. Nhưng hết lần này tới lần khác, họ vẫn bị lừa, tự chui vào bẫy như thường. Phải chăng họ bị lừa nên họ coi việc đi lừa người khác là bình thường. Vì mình mắc bẫy nên mình bẫy người khác là bình thường.

Đôi khi tôi tự hỏi, vì sao họ dễ dàng bị lừa nhiều lần như thế? Có phải vì nhận thức họ quá kém hay lừa đảo quá tinh vi không? Không phải. Chỉ 1 lý do thôi: Tham Lam.

Và nữa, đời thực mờ nhạt, yếu đuối khiến họ chìm trong rượu chè bê tha.

Ở phố, đôi khi việc uống rượu là giao tế, là mục tiêu công việc, còn ở quê, uống chỉ để uống. Uống để thể hiện, uống để thiết lập một trật tự trên bàn nhậu, là để thấy mình vẫn oai phong lẫm liệt, trong khi tối nay vừa “sẩy” mất con đề hoặc sắp đến hạn nộp thêm tiền đa cấp. Uống rượu rồi ra đường trở thành những con ma men gây họa cho mình và người khác.

Sách giáo khoa rồi các nhà văn hoá hay ca ngợi đức tính tốt của người Việt, cần cù, chịu khó, thông minh.

Nhưng nhìn kỹ, tôi thấy nhiều hơn những thói hư tật xấu ăn sâu, bám rễ.

Thành thật đi, tư tưởng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” có phải thực chất là tôn thờ chủ nghĩa hình thức, giả tạo hay không?

Thành thật đi, tư tưởng không làm mà vẫn có ăn, làm ít hưởng nhiều xuất phát từ đâu? Đơn giản như cái câu "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau" chẳng phải là 1 hướng dẫn về sự khôn lỏi đấy sao? Sự khôn khỏi, lòng tham lam và tính cách bê tha ấy là những "di sản" nên sớm đào cho nó một cái hố thật sâu mà chôn xuống.

Chỉ như vậy, cuộc sống mới thay đổi được!

Bởi vậy, nhiều người trẻ đi học Đại học, học nghề xong không muốn quay về quê nữa. Không phải vì họ thấy nó buồn tẻ mà vì họ muốn thoát khỏi một lối sống - lối sống khiến họ không có cơ hội phát triển.

Vì nếu ở lại, tương lai rất có thể họ sẽ trở thành chính những con người mà họ đang nhìn thấy mỗi ngày.

Thật kinh ngạc, sau bao nhiêu năm, con người đã lên được mặt trăng từ mấy chục năm, chứng minh chú Cuội chỉ là câu chuyện đùa mà những nét tính cách, các tệ nạn, thói hư tật xấu trên vẫn vậy.

Tự hỏi, không lẽ làng quê cũng như chú Cuội cung trăng, mãi tin vào một câu chuyện không có thật bất chấp mọi thứ đang thay đổi và sáng tỏ hay sao?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.