“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim Nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất từng khuấy đảo LHP Việt Nam năm 2015 |
Phim tư nhân độc mã tranh tài
Đến hẹn lại lên, Liên hoan phim Việt Nam hứa hẹn diễn ra vào cuối tháng 11 năm nay. Chưa có kỳ liên hoan nào đặc biệt như vậy, bởi ấp ủ nhiều dấu hiệu đổi thay của không chỉ một, mà là nhiều bộ phận trong nền công nghiệp điện ảnh nước nhà. Phim làm lại từ kịch bản nước ngoài được mở cửa tranh giải cá nhân có thể xem như nét mới. Loại bỏ hệ thống giải thưởng cho phim truyện video dường như là dấu hiệu của sự thức thời từ phía hội đồng xét duyệt. Nhưng nên hiểu thế nào khi lần đầu tiên sau nhiều năm, phim Nhà nước hoàn toàn vắng bóng ở một kỳ trao giải Bông sen vàng. Nhất là ngay sau khi thảm cảnh tương tự này xảy ra ở Cánh diều vàng trước đó mấy tháng. Đây là sự đổi thay nhất thời, hay minh chứng cho thấy phim Nhà nước đã nằm ngoài quỹ đạo dòng chảy của điện ảnh nước nhà?
Ngược dòng thời gian, cách đây 2 năm ở kỳ trao giải Bông sen vàng lần thứ 19, phim Nhà nước vẫn góp mặt bình thường. Mà thậm chí, nếu tính cả sản phẩm từ các đơn vị điện ảnh quân đội thì có tới 10 đại diện phim Nhà nước tham gia, chiếm 50% tổng số. Hơn thế, các phim đó tham gia không theo diện cho vui, mà để tranh giải và đã giật giải đàng hoàng (Nhà tiên tri đoạt giải của Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam; Cuộc đời của Yến, Những đứa con của làng đoạt giải Bông sen bạc). Đạo diễn Vũ Xuân Hưng - Trưởng ban giám khảo phim truyện video và phim điện ảnh nhận định hậu LHP 19 rằng: “Phim Nhà nước đầu tư đã có tính dân tộc, nhân văn ngay từ khâu kịch bản, đạt được nhiều tiêu chí chấm giải hơn phim tư nhân”. Theo đó, Liên hoan lần thứ 19 ấy được cho là thời điểm phim Nhà nước hồi sinh mạnh mẽ.
Thế nhưng, điều này chắc chắn không lặp lại trong kỳ Liên hoan năm nay bởi một thực tế không thể chối cãi: Trong năm 2016 không có bộ phim Nhà nước nào được sản xuất. Trên giấy tờ thì có. Bốn dự án phim lớn là Không ai bị lãng quên, Người yêu ơi, Địa đạo, Xã tắc đã được lên kế hoạch sản xuất, nhưng cho tới hết năm 2016 vẫn chưa thể ra mắt công chúng.
Ngược với tình trạng trên, phim tư nhân trăm hoa đua nở, gần 50 tác phẩm ra mắt đánh Đông dẹp Bắc từ rạp này sang rạp khác. Chưa có một danh sách cụ thể về các tác phẩm tranh tài tại Bông sen vàng 2017 được công bố, nhưng không cần chờ tới lúc đó cũng biết: Phim tư nhân sẽ độc mã tranh tài.
Phim Nhà nước đắp chiếu vì không có kinh phí
Được biết, bộ phim Không ai bị lãng quên vốn đã được hoạch định rất chỉn chu. Kịch bản sâu dày, lần đầu tiên mở rộng đề tài sang chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô, ấp ủ nhiều đại cảnh hoành tráng ở nước ngoài. Nhưng sau đó, phim chết vì nguồn ngân sách Trung ương hứa hẹn cấp cho đến hết 2017 vẫn bặt vô âm tín. Cả 3 bộ phim còn lại cũng đều đắp chiếu vì lý do đó. Đã có thông tin về một lộ trình cắt giảm triệt để kinh phí đầu tư cho phim truyện: năm 2015 Bộ Tài chính chỉ đồng ý chi tiền sản xuất phim tài liệu và phim hoạt hình; năm 2016 không chi tiền sản xuất cả 2 loại phim trên, năm 2017 tương tự.
Theo đó, phim Nhà nước vắng bóng không phải là ngẫu nhiên, một quãng nghỉ đột ngột không lường trước. Trái lại, nó phản ánh đúng quá trình vận động nhọc nhằn tủi hổ nhiều năm làm phim ra không có ai xem, không có lãi. Hai bộ phim quốc doanh gần nhất: Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng mỗi phim năm 2015 đều không thu lời, phải trình chiếu miễn phí. Chiếu theo đó, việc Bộ Tài chính dừng cấp kinh phí cho sản xuất phim quốc doanh là điều hoàn toàn hợp lý. Việc không có tiền làm phim, xét đến đây chỉ là một nhịp bước nối tiếp của thảm trạng làm phim đắp chiếu mà thôi.
Trong giai đoạn kinh tế thị trường trương nở như hiện nay, việc phim Nhà nước truyền thống chết là điều tất yếu. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, ngậm ngùi cho rằng: “Nhà nước cho rằng thị trường phim Việt hiện nay dồi dào rồi, có tới 40, 50 phim/năm rồi cần gì phải bỏ ngân sách đầu tư nữa. Ngân sách càng đỡ chi, Nhà nước càng mừng vì đỡ tốn kém. Cũng bởi quan niệm rằng đầu tư cho điện ảnh là đầu tư mất chứ không lãi”. Kể ra, cách vận hành “tiêu tiền thuế nhưng không đẻ ra một đồng lời” tồn tại được tới cả chục năm nay cũng đã rất đáng kinh ngạc rồi.
Lãng phí tài năng
Không có mấy dịp như năm 2017, mọi góc độ từ thị trường đến các liên hoan phim lớn nhỏ phô bày được thảm trạng của phim Nhà nước. Từ Cánh diều vàng, và giờ là Bông sen vàng cho thấy loại sản phẩm này đang dần đi tới giới hạn. Khi được hỏi về việc thiếu vắng phim Nhà nước tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam tỏ ra không quá ngạc nhiên. “Nếu có phim Nhà nước tham gia thì sẽ vui hơn, trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng, sự thiếu hụt đó phản ánh tình hình thực tế và thực trạng của điện ảnh nội địa những năm gần đây”.
Nói thế, không có nghĩa muốn là vứt bỏ phim Nhà nước một cách dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ một cách đầy ưu tư: “Cá nhân tôi vô cùng tiếc đội ngũ lành nghề của Hãng phim truyện Việt Nam. Mấy năm nay họ không có vốn sản xuất phim nên nhiều nghệ sĩ đã tạm xa nghề mà đi kiếm việc khác mưu sinh. Thật lãng phí tài năng!”. Đó mới chỉ là một Hãng phim truyện Việt Nam mà thôi. Đồng cảnh ngộ còn có tới 4 đơn vị khác, trong đó có Hãng phim Giải Phóng cũng từng là đầu tầu cho điện ảnh nước nhà, giờ đang tồn tại một cách thoi thóp với khối lượng không nhỏ cơ sở vật chất, nhân lực. Theo đó, phim Nhà nước không thể cứ lặng lẽ biến mất, bởi đằng sau nó là cả một hệ thống những giá trị tinh thần, vật chất khổng lồ.
Sau cú hích lớn của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tưởng chừng đã mở ra hướng đi này cho các nhà làm phim. Được Cục Điện ảnh đặt hàng, Nhà nước rót vốn 8 tỷ đồng, phim thực sự cân đối về mọi giá trị thương mại và nghệ thuật, đánh Đông dẹp Bắc suốt năm 2015 với nhiều giải thưởng to nhỏ. Chỉ là từ đó đến giờ, vẫn chưa có thêm một sản phẩm nào tương tự nữa để mở rộng đường cho hình thức Nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất. Tương lai của phim Nhà nước, theo đó lại trở lại mịt mờ, vô định như cũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận