Thế giới

Boongke tránh hạt nhân dành cho lãnh đạo Trung Quốc có gì lạ?

12/01/2018, 14:22

Đề phòng trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra, các nhà khoa học Trung Quốc đã xây dựng một boongke chống hạt nhân...

10

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mặc quân phục tới thăm Trung tâm Chỉ huy liên hợp

Đề phòng trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra, các nhà khoa học Trung Quốc đã xây dựng một boongke chống hạt nhân dành riêng cho quan chức, lãnh đạo cấp cao trong một hệ thống hang động đặc biệt ẩn sâu 2km dưới mặt đất với những lớp bê tông và đá tự nhiên dày cứng đặc biệt bao phủ bên trên.

Như thành phố nhỏ nằm dưới lòng đất

Báo Bưu điện Hoa Nam ngày 10/1 dẫn nội dung một cuộc nghiên cứu do Chính phủ Trung Quốc tài trợ cho biết, boongke hạt nhân nằm dưới một công viên quốc gia cách trụ sở của các cơ quan Chính phủ T.Ư khoảng 20km về phía Tây Bắc, giữa trung tâm Thủ đô Bắc Kinh.

Đây là chỗ trú bí ẩn nằm giữa một hệ thống hang động có không gian tương đương một thành phố nhỏ và có nguồn nước uống ổn định cho hàng triệu người.

Boongke chống thảm họa hạt nhân này thuộc sở hữu và được vận hành bởi Trung tâm Chỉ huy liên hợp của Quân ủy T.Ư Trung Quốc. Boongke này đã được hé lộ trong năm 2016 khi truyền thông quốc gia đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm nơi đây, trong bộ quân phục rằn ri dã chiến.

Hiện, chưa rõ trung tâm chống hạt nhân trên được xây dựng khi nào nhưng theo truyền thông địa phương, việc xây dựng đã bắt đầu từ hàng thế kỷ trước và được nâng cấp trong vài năm trở lại đây.

Trung tâm chỉ huy, nơi có căn cứ trú ẩn hạt nhân được coi là “đầu não” của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, vì đây là nơi tất cả các quyết định quân sự quan trọng được đưa ra.

Các hoạt động thường ngày bao gồm: Phân tích tình báo quân sự, các hoạt động giám sát trên khắp 5 “khu vực thường trực chiến đấu” và thông báo mệnh lệnh cho các hoạt động quân sự trong và ngoài nước của quân đội Trung Quốc.

Cửa chính dẫn vào khu hầm ngầm chống hạt nhân được cho là nằm ở Rừng quốc gia Tây Sơn. Vì thế, trong tình huống bị đe dọa nghiêm trọng như tấn công hạt nhân, các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc sẽ không phải di chuyển xa mà vẫn có thể tiếp tục công việc dưới boongke.

Có thông tin, nhiều hầm trú ẩn đã được xây dựng trên khắp Trung Quốc từ những năm 50 của thế kỷ XX nhưng vị trí chính xác của những hầm này đều được giữ bí mật tuyệt đối. Những boongke như vậy thường được xây dựng trong lòng núi đá cứng, có thể chịu những vụ nổ công suất lớn.

Chúng được thiết kế để hoạt động độc lập trong thời gian dài mà không cần nhận cung ứng từ bên ngoài, thậm chí còn có hệ thống thông gió tinh vi đủ sức lọc hết các chất ô nhiễm phóng xạ do bom nguyên tử gây ra.

Một số nơi trú ẩn có thể rộng lớn và phức tạp như một thành phố nhỏ được trang bị hệ thống liên lạc tinh vi, đường hầm đủ rộng cho nhiều máy bay, xe tăng và có thể chứa hơn 1.000 người.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất có boongke chống hạt nhân dành cho các lãnh đạo cấp cao. Chính phủ nhiều nước lớn từng xây dựng những nơi trú ẩn tương tự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Một số cơ sở đã bị bỏ không hoặc mở cửa cho khách du lịch, một số khác vẫn được sử dụng với mục đích quốc phòng. Các boongke quy mô lớn nổi tiếng như: Khu phức hợp trong núi Raven Rock và Trung tâm Chỉ huy phòng không vũ trụ Bắc Mỹ có một phần nằm dưới núi Cheyenne tại Colorado.

11

Trung tâm Chỉ huy phòng không  vũ trụ Bắc Mỹ có một phần nằm dưới núi Cheyenne tại Colorado

Nhiều lợi thế riêng biệt

So với Raven Rock và Cheyenne, khu tránh trú hạt nhân Tây Sơn của Bắc Kinh có nhiều lợi thế riêng biệt, theo một số nhà địa lý từng nghiên cứu về khu vực này. Ông Qin Dajun, nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Địa lý và Địa chất thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc nhận định, họ từng phát hiện nhiều hang động tự nhiên nằm sâu dưới lòng đất khoảng 2km ở Tây Sơn, ngang hàng với hang động sâu nhất thế giới Krubera (độ sâu 2,2km) tại Georgia.

“Trong khi hầu hết hang động cacxtơ bao gồm cả hang động Krubera đều lộ thiên hoặc nằm gần mặt đất, hang động tại Tây Sơn lại nằm sâu dưới nhiều tầng, lớp đá dày và cứng”, ông Qin nói.

Hơn nữa, các hang động cacxtơ đều được tạo thành từ đá vôi đã bị xói mòn vì nước qua hàng triệu năm, thì tại Tây Sơn, các hang động ở đây nằm dưới một lớp đá bao gồm đá granite - một loại vật liệu cứng nhất với độ dày trung bình 1.000m cũng như được gia cố bằng bê tông nhân tạo ở phía ngoài.

“Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là những hang động nằm sâu dưới lòng đất nhất trên thế giới”, nhà nghiên cứu Qin Dajun cho hay. Mặc dù chưa rõ hang động bí mật này nằm sâu mức nào dưới Tây Sơn nhưng các chuyên gia về hạt nhân nhận định, thông thường một boongke cần phải có lớp đá dày hơn 100m mới đủ sức chịu được một vụ tấn công hạt nhân.

Ông Qin, người từng dẫn đầu các nhà khoa học thực hiện dự án nghiên cứu về dòng nước ngầm tại Tây Sơn, cho biết, sau các cuộc nghiên cứu về khả năng cung cấp nước cho boongke này trong trường hợp cần dùng, các nhà khoa học phát hiện dự trữ nước trong khu vực này có thể đáp ứng nhu cầu của hơn 1 triệu người. Chưa kể, dự trữ nước vẫn ổn định thậm chí tăng trong tương lai.

Mặt khác, ông Liu Yong, nhà khoa học về hạt nhân tại Đại học Nam Trung Quốc cho biết, trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân, các chất phóng xạ chết người ở trong nước và đất lâu hơn trong không khí.

Các phần tử phóng xạ có thể nhiễm vào trong sông hoặc hồ ngầm đồng nghĩa trước khi sử dụng nước, người ta sẽ phải xử lý trước. Thế nhưng, “Trung Quốc đã phát triển thành công công nghệ và thiết bị tiên tiến vì mục đích này ( hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn nước sạch cho con người sử dụng)”, ông Liu cho hay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.