Đây là bức thư của một CEO giấu tên gửi cho mẹ mình, được chia sẻ trên MXH Trung Quốc. Nội dung của bức thư nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ và những ai đang có lối sống an phận, hãy thay đổi sau khi đọc xong.
“Mẹ ơi, con trai của mẹ sẽ mở một nhà máy mới vào ngày mai. Con có thể đi đến ngày hôm nay, có lẽ phần lớn là nhờ sự giáo dục đúng đắn của mẹ. Con đã sống có trách nhiệm với bản thân như lời mẹ dặn. Lúc này, con thực sự rất biết ơn mẹ và nhớ về những bài học mà mẹ đã dạy con ngày trước.
Con nhớ năm mình 3 tuổi, vì ham vui mà vấp phải hòn đá té lăn ra đất. Lúc đó, mẹ bảo con phải tự lau nước mắt, tự đứng dậy, lần sau nhớ phải cẩn thận hơn.
Khi 4 tuổi, vì con muốn xem tivi mà không muốn ăn trưa, mẹ nói rằng nếu không ăn bây giờ sẽ phải nhịn đến tối. Con đã mặc kệ, lì lợm xem hết bộ phim hoạt hình, sau đó quá đói bụng nên đã mò xuống bếp kiếm đồ ăn, lúc này đến nửa miếng bánh cũng chẳng có. Mẹ đã dạy con phải chịu trách nhiệm cho tính ương ngạnh của mình.
Khi 6 tuổi, mẹ đưa con đến cửa hàng đồ chơi để mua một món quà cho ngày Lễ thiếu nhi. Mẹ nói con chỉ được phép chọn 1 thứ, nhưng con muốn có cả siêu nhân lẫn máy bay. Mẹ không đồng ý nên con đã nằm lăn ra đất khóc ăn vạ, lúc đó mẹ quay lưng bước đi, không còn cách nào khác con đành đứng dậy lau nước mắt. Mẹ đã dạy con phải có trách nhiệm với những lời hứa của mình.
Khi 8 tuổi, con muốn thử giặt tất của mình, mẹ đã dạy con cách giặt, sau đó còn dạy cả cách rửa bát đĩa. Con nói muốn tự ăn món mình nấu, mẹ đã dạy con cách để tránh bị bỏng khi nấu ăn. Mẹ đã dạy con phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Khi 10 tuổi, nhìn bạn bè chen chúc trong các lớp học thêm này nọ. Mẹ nói với con rằng, không cần phải học giỏi nhất lớp, thời gian còn lại cứ vui chơi và đọc nhiều sách hơn. Sách tốt hơn bất cứ điều gì khác trên đời này. Mẹ dạy con phải có trách nhiệm với lợi ích của bản thân.
Khi 13 tuổi, vì đá bóng mà làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm. Mẹ đã đi ra chợ, mua kính về lắp lại cho nhà hàng xóm. Với tiền bạc, mẹ đã dạy con phải chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của mình.
Khi 15 tuổi, con nói mình muốn học piano, mẹ đã mua một chiếc kèn harmonica và nói chơi cái này trước khi nói về piano. Con đã chơi harmonica cho đến bây giờ và không có ý định học piano nữa. Mẹ đã dạy con phải có trách nhiệm với sự kiên trì của mình.
Năm 18 tuổi, con nói muốn học ngành này, sau đó mẹ đã phân tích rất chi tiết chuyên ngành kia, sau đó hỏi nhiều lần trước khi đưa ra quyết định chắc chắn nhất. Mẹ đã dạy con phải có trách nhiệm với tương lai của mình.
Năm 20 tuổi, con nói muốn đổi điện thoại di động, mẹ bảo cái cũ còn dùng được thì không đổi, còn nếu muốn đổi thì phải vừa học vừa làm tự mua. Sau đó, con đã mua một cái điện thoại mới bằng số tiền mình đi làm gia sư. Cảm giác hoàn thành đó mang lại nhiều niềm vui hơn là một chiếc điện thoại di động. Mẹ đã dạy con muốn có thứ gì đó, bản thân phải tự nỗ lực giành lấy.
Khi con tốt nghiệp đại học năm 24 tuổi và muốn khởi nghiệp kinh doanh, mẹ khuyên con không nên lo lắng, hãy bắt đầu từ lĩnh vực mình thích nhất, đi làm thuê để có kinh nghiệm trước. Khi con quyết định thành lập công ty 2 năm sau, mẹ nói rằng, nếu con có thể chịu đựng được những điều tồi tệ và khó khăn tột cùng, hãy dũng cảm làm điều mình muốn. Khi đó, mẹ đã đưa cho con 300 triệu và yêu cầu hoàn trả trong 4 năm. Mẹ đã dạy con phải có trách nhiệm với việc kinh doanh của mình.
Năm 27 tuổi, con đưa một cô gái xinh đẹp và thông minh đến gặp mẹ. Mẹ rất ít khi khen ngợi con, nhưng trước mặt cô ấy mẹ lại tỏ ra rất tự hào về con trai mình. Mẹ nói rằng, chỉ cần con hạnh phúc thì mẹ sẽ hạnh phúc. Mẹ đã dạy con phải có trách nhiệm về hạnh phúc của mình.
Năm 32 tuổi, khi con giao chìa khóa ngôi nhà mới mua, mẹ nhìn con với bờ vai run run. Con biết lúc này mẹ đang ngập tràn những giọt nước mắt hạnh phúc. Mẹ đã dạy con về tính chính trực và giữ cam kết.
Ở tuổi 35, khi công ty con đã mở rộng sản xuất và xây dựng một nhà máy mới, những người từng trách móc, chê trách trước đây cuối cùng không còn gì để nói. Mẹ à, con cũng đang dùng cách giáo dục của mẹ để dạy con của con. Con tin rằng, con bé sẽ giỏi hơn bố nó. Con cám ơn mẹ”.
Cha mẹ là người quan trọng nhất trong việc thay đổi vận mệnh của con cái. Con cái giống như hạt giống, trên đời này thực ra không có mùa nào gieo hạt là xấu cả, chỉ có người không biết cách trồng.
Không có đứa trẻ nào kém thông minh cả, chỉ có cha mẹ không biết cách dạy con mà thôi. Sự khác biệt trong phương pháp giáo dục con cái sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của một đứa trẻ. Trên con đường giáo dục con cái, cha mẹ không những phải có lòng kiên nhẫn mà còn phải tìm hiểu những phương pháp giáo dục khoa học.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận