Ông Vũ Quốc Tuấn, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng kiến nghị tại hội thảo |
Nhiều ý kiến bức xức về kiểm tra chuyên ngành tại Hội thảo thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày 13/6 do Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức.
Bất cập quy trình kiểm dịch
Ông Vũ Quốc Tuấn, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (Eurocham) tỏ ra rất bức xúc khi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn Nghị định 199/2013/NĐ-CP của Chính phủ lại tự ý mở rộng đối tượng điều chỉnh. Ông Tuấn cho biết, nghị định quy định kiểm dịch y tế đối với sản phẩm động vật như thịt, trứng, sữa nhưng thông tư của Bộ NN&PTNT lại tự ý thêm cả sản phẩm chế biến từ động vật. Từ đó kéo theo hệ lụy khiến các doanh nghiệp thực phẩm phải chịu hậu quả. “Nhiều khi một gói cà phê có mấy giọt sữa đã qua xử lý nhiệt, đã đun sôi… nhưng vẫn bị bóc ra xem có bệnh dịch không. Cái này tôi thấy cũng quá đáng vì các hãng hàng không tới Việt Nam cũng cho hành khách uống cà phê sữa thì khi tới Việt Nam có cần kiểm dịch họ lần nữa không?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Một bất cập khác của quy trình kiểm dịch được ông Tuấn dẫn giải: “Cơ quan chức năng không lấy 1 mẫu mà lấy 5 mẫu, kiểm tra một mẫu và khi tính tiền thì đơn giá một mẫu là 971.000 đồng nhân 5 thành hơn 4,8 triệu đồng cho một lô hàng. Tôi không hiểu sao phải lấy 5 mẫu, kiểm tra một mẫu và kết quả cuối cứ nhân 5 để tính tiền. Số tiền và thời gian, công sức của doanh nghiệp là cực kỳ lớn”, ông Tuấn nói.
Vì thế, ông Tuấn kiến nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 25 để không lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng tới doanh nghiệp, các mặt hàng khác nhau thì kiểm tra khác nhau và phải áp dụng phương pháp kiểm tra rủi ro. “Còn nếu cào bằng, lấy 5 lô kiểm một lô là không ổn”, ông Tuấn nói.
Điểm mờ chính sách, rủi ro cho doanh nghiệp
Cũng nói về bất cập trong kiểm tra hàng hóa chuyên ngành, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USIAD GIG) kể: Trong quá trình khảo sát, một doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục nhập khẩu tại địa bàn TPHCM cho biết, khi họ làm thủ tục nhập khẩu lô hàng sản phẩm động vật thì phí kiểm dịch động vật lên tới 6-7 triệu đồng/lô, kiểm dịch thực vật 100 nghìn đồng/lô. Còn kiểm tra chất lượng 1 tủ Cooler (tủ làm mát) thì chi thêm ngoài 500 nghìn - 1 triệu đồng. Đáng chú ý khi lấy mẫu sữa dạng bột, lực lượng chức năng lấy hẳn 5kg. Ông Bình cho rằng, điều này khiến doanh nghiệp hết sức tốn kém, chưa tính trị giá mẫu trường hợp không được trả lại.
Nói về kiểm tra hiệu suất năng lượng ông Bình dẫn chứng chi phí đo hiệu suất 4 model tủ lạnh hết 149 triệu đồng. Trong đó, riêng chi phí thử nghiệm đã hàng chục triệu đồng. Chi phí kiểm tra đắt nhưng phần thử nghiệm lại chỉ có giá trị đối với doanh nghiệp đó và không thể áp dụng cho cùng sản phẩm của doanh nghiệp khác. “Hiện, Bộ Công thương đã cho phép nếu như doanh nghiệp khác muốn áp dụng kết quả thử nghiệm của cùng sản phẩm đó mà doanh nghiệp trước đã làm thì chỉ cần xin ủy quyền. Điều này mở nhưng lại không thực tế”, ông Bình nói.
Với nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay, TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, đã gửi văn bản tới Bộ Khoa học và Công nghệ về một số quy định kiểm tra chuyên ngành bộ này quy định nhưng không nhận được trả lời. “Bây giờ các hiệp hội đua nhau lấy chữ ký tập thể kiến nghị bởi nếu ký đơn lẻ thì họ không giải quyết”, ông Trung chia sẻ.
Trước những phản ứng trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM nhận định: “Các quy định đã sửa phải sửa cho sáng, còn điểm mờ chưa đúng phải đấu tranh, báo cáo Chính phủ. Chúng ta phải làm sao giảm tối đa điểm mờ trong quy định của các bộ, ngành để doanh nghiệp tiên liệu. Đó không phải chỉ là rủi ro của thị trường mà còn rủi ro pháp lý có thể khiến doanh nghiệp sạt nghiệp. Án phạt mà chúng ta đã thấy những trường hợp trước đây là cái mà doanh nghiệp sợ nhất”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận