Xe chở đầy đất đá chạy trên QL1K (Ảnh chụp sáng 31/10) |
Những kết quả tích cực đó cho thấy chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn và nhận được sự đồng thuận cao, trong đó có nhiều nhà đầu tư các công trình dự án giao thông.
Thực tế, không ít nhà đầu tư BOT giao thông khi chứng kiến cảnh xe quá tải hoành hành trên các tuyến đường vừa đưa vào khai thác nên “của đau con xót”, tự bỏ hàng tỷ đồng tiền túi lắp đặt hệ thống cân xe. Trong đó có thể kể tới CIENCO 4 tự đề xuất lắp đặt cân tốc độ thấp tại Trạm thu phí Bến Thủy với mục đích chỉ để tường tận tình trạng xe quá tải lưu thông trên tuyến tránh TP Vinh, QL1 mở rộng đoạn Vinh - Hà Tĩnh do đơn vị làm chủ đầu tư.
Bộ GTVT cũng đang xúc tiến việc kiểm soát tải trọng xe đồng bộ trên tất cả các tuyến đường BOT bằng hệ thống trạm cân hiện đại, xây dựng ngay tại trạm thu phí. Tới đây, tại tất cả các trạm thu phí trên các tuyến đường BOT sẽ phải đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống cân tự động để kiểm soát tải trọng xe. Những việc làm này cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Bộ GTVT, các nhà đầu tư và cả xã hội trong cuộc chiến trường kỳ và dự báo còn nhiều gian nan với xe quá tải.
Nhưng thật đáng buồn, tại tuyến đường BOT QL1K Bình Dương, nhà đầu tư không những không vào cuộc, đồng hành cùng chính quyền địa phương và người dân kiểm soát xe quá tải mà còn tìm đủ mọi lý lẽ trì hoãn việc lắp đặt trạm cân. Với tư cách là nhà đầu tư, người bỏ tiền để xây dựng tuyến đường, lẽ ra hơn ai hết, đơn vị này phải rốt ráo nhất trong việc lắp đặt trạm cân bảo vệ tài sản của mình.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này lại có những hành động hoàn toàn ngược đời, trái với lẽ thường, hy sinh lợi ích của cả xã hội và người tham gia lưu thông khi chần chừ lắp đặt trạm cân trên tuyến đường của mình vì sợ xe quá tải không lưu thông, sẽ giảm nguồn thu phí như dư luận đồn đoán.
Bất kỳ một dự án giao thông nào, dù được đầu tư bằng nguồn vốn gì, ngân sách Nhà nước, ODA hay từ nguồn xã hội hóa cũng đều là công trình của dân. Người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhiều lần khẳng định, đầu tư bằng vốn ngân sách là do dân đóng thuế, còn doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư BOT thì dân phải trả bằng phí. Và dù đầu tư bằng nguồn vốn nào, người dân cũng đều phải được hưởng chất lượng và dịch vụ tốt nhất. Nhà đầu tư không thể lấy quyền bỏ tiền đầu tư mà muốn ứng xử thế nào với con đường cũng được, nhất là việc tìm đủ mọi cách trì hoãn các cơ quan chức năng lập trạm cân kiểm soát xe quá tải, bảo vệ chất lượng con đường càng khó được chấp nhận, cần phải bị lên án và xử lý đích đáng.
Hà Thanh Oai
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận