Dùng xe hết niên hạn dạy lái xe
Đầu giờ chiều 24/4, PV Báo Giao thông có mặt và ghi nhận giờ học lái của lớp hạng D Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên (Địa chỉ: Số 3 Phạm Hùng, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Tại bãi xe đối diện cổng ra vào sân sát hạch, hai học viên mặc đồng phục của trung tâm lên chiếc xe ô tô BKS 47V-1168 (loại 24 chỗ) màu trắng, xanh rất cũ kỹ, ọp ẹp. Trên nền xanh có ghi dòng chữ “TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VINASME”.
Lên xe, một nam học viên ngồi vào ghế lái và nổ máy, phía sau khói nhả đen ngòm. Chiếc xe “lừ đừ” chạy ra sân tập lái kế bên khu nhà hành chính của trung tâm. Khoảng 14h, chiếc xe đỗ ở khu vực chờ xuất phát.
Giờ học bắt đầu sau khi nam giáo viên mặc đồng phục, đeo bảng tên xuất hiện dặn dò điều gì đó với học viên. Lúc này, chiếc xe đón thêm 2 học viên mới lên xe rồi từ từ lăn bánh. Chiếc xe bật tín hiệu xi-nhan xuất phát “chen chân” giữa các dòng xe tập lái 4 chỗ (B2), xe tải (hạng C) và bắt đầu các bài học leo dốc, qua nơi giao nhau có tín hiệu đèn,…
Hết bài tập, xe quay lại điểm xuất phát đổi học viên và bắt đầu theo hành trình tương tự.
Tiếp đó, sáng 25/4, tại một bãi tập khác gần khu vực căng tin, PV tiếp tục bắt gặp nhiều học viên mặc đồng phục của trung tâm này học lái trên chiếc xe ở bài học chữ “Z”. Một học viên đang theo học GPLX hạng D trên chiếc xe BKS 47V-1168 cho biết: “Em học được 1,5 tháng rồi. Em nâng GPLX lên hạng D. Từ bữa giờ học xe này thôi. Mình học xe cà tàng vậy, khi mình lên xe mới chạy chắc sướng lắm”.
“Để nâng lên GPLX hạng D, em phải học 3 tháng, nộp 7,5 triệu nếu có bằng cấp 2. Nếu không có bằng cấp 2 thì làm bằng cấp 2 mất mấy triệu nữa. Xe cũ vậy chạy không nổi cũng phải chạy, đóng tiền rồi mà không chạy thì mất tiền oan. Tất cả bọn em học thì chỉ có 1 xe này thôi, khi đi thi thì có xe sát hạch, khi chạy ra đường thì có xe khác nữa “xịn” hơn. Chứ ra đường mà xe dỏm này (xe BKS 47V-1168) nó ủi người. Tuy xe cũ nhưng từ chiếc xe này không biết bao nhiêu đời tài xế ở Đắk Lắk, Đắk Nông ra nghề”, một học viên nói.
Để rõ hơn thông tin của chiếc xe này, PV tiến hành tra cứu từ hệ thống của Cục Đăng kiểm VN. Theo đó, xe BKS 47V-1168 có chủ phương tiện là Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên (hiện đã đổi tên thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên-PV); Loại phương tiện: Ô tô khách; Nhãn hiệu: Hyundai; Năm sản xuất 1995; Phương tiện hết hạn đăng kiểm 4/12/2015. Như vậy, xe BKS 47V-1168 đã hết niên hạn sử dụng từ năm 2015.
Người trong cuộc nói gì?
Điều 4 Nghị định 95/2009 của Chính phủ quy định cụ thể về niên hạn sử dụng ô tô như sau: Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng; Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người; Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1/1/2002.
Liên quan đến vụ việc này, PV liên hệ với ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Vinasme Tây Nguyên. Ông Thịnh thừa nhận xe BKS 47V-1168 là xe của trung tâm. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, xe này nhân viên dùng để phục vụ các hoạt động khác của trường, không phải để đào tạo lái xe.
“Xe đó người ta dùng chạy linh tinh ở trong trường thôi. Xe dùng để tập lái là xe có đầy đủ các điều kiện để tập lái, không phải xe hết niên hạn. Xe đó người ta nghịch chơi, chứ không phải tập lái”, ông Thịnh nói.
Trước phủ nhận của ông Thịnh, PV cung cấp đoạn clip về chiếc xe BKS 47V-1168 và những học viên đang tập lái. Lúc này ông Thịnh lại nói quanh: “Người ta lấy cái xe đó cho học viên chạy tạm, không phải thường xuyên. Xe đó là xe dự phòng, không phải tập lái. Có thể là hôm đó những xe chính bị hỏng nên trong tình huống bất khả kháng họ (giáo viên - PV) lấy xe đó ra cho học viên chạy tạm”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng Phương tiện và người lái Sở GTVT Đắk Lắk sau khi được PV cung cấp hình ảnh và thông tin phương tiện khẳng định: “Xe này đã hết niên hạn. Nếu được dùng thì chỉ để “kê, kích” cho học viên tập số nóng số nguội, sử dụng như xe phụ, không đưa vào tập lái. Tuy nhiên, về nguyên tắc, không được phép sử dụng để tập lái”.
“Chiếc xe BKS 47V-1168 sản xuất từ năm 1995, hết niên hạn sử dụng không thể dùng đào tạo. Cho dù xe “tận dụng”, nhưng về nguyên tắc không được phép sử dụng tập lái. Chiếc xe này Sở GTVT đã ngừng cấp phép xe tập lái từ ngày 4/12/2015”, ông Kiệm nói.
Cũng theo ông Kiệm, chương trình đào tạo lái xe không được phép dùng xe hết niên hạn để đào tạo học viên. Việc đưa xe hết niên hạn vào đào tạo lái xe là trách nhiệm của trường, Sở GTVT không kiểm tra vì xe đó đã loại bỏ rồi. Khi cấp phép xe tập lái, Sở GTVT làm rất khắt khe, căn cứ vào niên hạn sử dụng và hạn kiểm định của xe.
“Sở GTVT sẽ làm việc và có văn bản chấn chỉnh trường Vinasme Tây Nguyên và tất cả các trường dạy lái xe trên địa bàn, không để tiếp tục xảy ra tình trạng này”, ông Kiệm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận