Thị trường

Bùng nổ năng lượng tái tạo, EVN vay tiền Pháp làm lưới điện phân phối

28/03/2022, 16:44

EVN vay tiền Pháp làm “Dự án lưới điện phân phối miền Nam” giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh tại khu vực này.

Lễ ký kết thoả ước tín dụng cho khoản vay 80 triệu euro diễn ra sáng nay 28/3 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), để làm “Dự án lưới điện phân phối miền Nam”.

Dự án này bao gồm 33 tiểu dự án, nằm trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, An Giang, Bình Thuận, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại lễ ký, ông Herve Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết, Dự án sẽ giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi sang carbon thấp, hướng đến mục tiêu thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về phát thải ròng carbon bằng không vào năm 2050.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng cấp lưới điện và cơ sở hạ tầng theo hướng thông minh hơn, linh hoạt và hiện đại hơn", Herve Conan nói.

img

Trước sự phát triển “nóng” của điện mặt trời vào cuối năm 2020, EVN đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ lưới điện không “gánh” nổi hệ thống

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho hay, sau khi hoàn tất, dự án sẽ giúp nâng cao hiệu quả cung cấp điện cho khu vực miền Nam; Giảm thiểu tình trạng thiếu điện và quá tải tại nhiều khu vực; Nâng cao chất lượng, an toàn và giảm tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải.

Đặc biệt, sẽ góp phần giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển rất mạnh tại các tỉnh Nam Bộ, đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng và carbon thấp ở Việt Nam.

Trước sự phát triển “nóng” của điện mặt trời vào cuối năm 2020, EVN đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ lưới điện không “gánh” nổi hệ thống.

Theo văn bản góp ý vào Quy hoạch Điện VIII, EVN thể hiện sự lo lắng về lưới điện truyền tải khi Quy hoạch chú trọng đến tính "mở" nên chưa xác định được quy mô đầu tư.

Tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện mặt trời chỉ đặt ra là khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Còn tổng công suất nguồn điện gió chỉ đặt ra khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Nhưng, tính hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 69.342 MW. Nguồn điện mặt trời đạt gần 17.000 MW, trong đó, nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hơn 3.500 MW) và gần 8.000 MW ĐMTMN

Tổng công suất nguồn điện gió được đưa vào vận hành đến nay khoảng 4.000 MW. Dù vượt nhiều lần kế hoạch công suất điện gió ở quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhưng lại thấp hơn nhiều so với số lượng dự án điện gió được bổ sung quy hoạch này (11.800 MW).

Sự phát triển và bổ sung quy hoạch nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, ĐMTMN ồ ạt những năm qua đã gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải điện. Hệ lụy là nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm công suất phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm giảm động lực phát triển của loại hình năng lượng này.

Còn phía DN cũng thiệt hại nặng nề khi cơ chế giá ưu đãi (FIT) theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cho các dự án điện mặt trời hết hạn từ ngày 1/7/2019 đến nay đã bước sang năm thứ 3 vẫn chưa có cơ chế giá mới khiến nhiều nhà đầu tư lao đao khi phải ngồi “ngóng giá”, trong khi suất đầu tư lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng cho một MW công suất và phần lớn là vốn vay ngân hàng, tới 80%.

Trong khi, tại tờ trình Quy hoạch điện VIII mới nhất, Bộ Công thương dự kiến giãn tiến độ sau 2030 đối với điện mặt trời tập trung khoảng 6.500 MW. Điều này khiến cho số phận dự án điện mặt trời mới thêm khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.