Xã hội

Bùng nổ quán cà phê phim biến tướng

12/03/2016, 16:10

Được nhiều bạn trẻ “rỉ tai” nhau, vừa có thể “tâm sự” thầm kín, vừa được xem phim có thể “đóng phim người lớn”...

15
Trong “chuồng phim” trang bị đầy đủ giường nệm “lý tưởng” giúp các cặp đôi tâm sự

Được nhiều bạn trẻ “rỉ tai” nhau, vừa có thể “tâm sự” thầm kín, vừa được xem phim lại có thể “đóng phim người lớn” mà không bị săm soi như khi vào nhà nghỉ, loại hình dịch vụ cà phê phim đang ngày một lan rộng khắp địa bàn Hà Nội.

“Biến tướng” của nhà nghỉ

Tôi biết đến cà phê phim trong một lần đi cùng bạn đến một sự kiện tỏ tình. Trong căn phòng nhỏ được trang trí hoa, nến lung linh và tuyệt đối riêng tư, quả là nơi lý tưởng để tổ chức các sự kiện của riêng hai người. Chuyện sẽ không có gì nếu không có hình ảnh cặp học sinh quần áo xộc xệch, khuôn mặt đỏ gay ngại ngùng bước ra từ căn phòng bên cạnh đập vào mắt tôi ngày hôm đó…

Ghé qua quán cà phê phim 3D Bách khoa (đường Lê Thanh Nghị) trưa 7/3, chủ quán cho biết phòng sự kiện trang trí hiện đã hết, chỉ còn 1 - 2 phòng nho nhỏ đủ cho hai người xem phim. Giá xem phim không là 65 nghìn đồng/giờ/2 người. Ngoài ra, các gói dịch vụ trang trí tại đây dao động 200 - 550 nghìn đồng.

Liếc qua danh sách phim tại đây, bên cạnh một số bộ phim hành động, phim hài, phim kinh dị còn có phim tâm lý - tình cảm được quảng bá bằng nhiều hình ảnh “bỏng mắt”. Nam nhân viên cho biết, khách hàng thường đặt phòng trước và bao giờ quán cũng nhắc khách đến đúng giờ. “Nếu có xê dịch chỉ khoảng 15 phút chứ không giữ được phòng lâu, đặc biệt những ngày cuối tuần và ngày lễ, vì ở đây rất đông khách”, cậu nhân viên dặn.

Tại quán nước gần cà phê phim The O Coffee trên đường Đặng Văn Ngữ, PV Báo Giao thông nghe được nhiều câu chuyện thú vị. Theo lời chia sẻ của chị H. chủ quán nước, học sinh, sinh viên vào cà phê phim là chuyện bình thường.

“Vào đó đóng kín cửa rồi thì có trời mới biết chuyện gì đang xảy ra. Nhân viên quán thường qua đây uống nước kể, có nhiều cặp đi vào xem phim, hai tiếng sau ra thế nào mà tóc tai rối mù. Hỏi phim có hay không thì khen hay lắm, lần sau ghé tiếp. Không hiểu xem phim kiểu gì mà điều khiển tivi vẫn để nguyên dưới quầy phục vụ?!”, chị H. kể.

Theo nhân viên một quán cà phê phim khu vực này, có nhiều cặp đôi tìm đến quán này để tỏ tình hay kỉ niệm ngày yêu nhau, kể cả để làm lành sau những trận cãi vã…

Nhân viên quán cà phê Cofilm trên đường Lê Đức Thọ cho rằng, với nhiều cặp sinh viên “ngại yêu” trong nhà nghỉ thì cà phê phim là lựa chọn số 1. Đặc biệt, vào các dịp lễ như Valentine, 8/3... khi các nhà nghỉ “cháy” phòng thì “chuồng phim” là điểm “đánh nhanh” mà nhiều người tìm đến. Giá mỗi giờ xem phim dao động 60 - 90 nghìn đồng/giờ/2 người tùy từng chỗ, rẻ hơn chút ít so với giá nhà nghỉ.

Muốn xem hay “đóng” phim gì cũng được

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hầu hết các quán cà phê phim đều tải sẵn phim về máy. Ngoài ra, nếu khách hàng muốn xem phim theo yêu cầu thì có thể đặt trước một ngày. “Thế nếu mình tự copy phim ra USB và mang đến có được không? Quán có cần xem trước nội dung trong USB không?”, đem thắc mắc đến hỏi hầu hết nhân viên phục vụ tại các quán cà phê phim, tôi đều nhận được câu trả lời là “không”.

Tại quán cà phê phim Cofil Entertainment, khi được hỏi quán có “phim nóng”, nhân viên khẳng định có và trấn an đủ phòng riêng để người xem không thấy ngại ngùng. Ngoài ra, khách cũng có thể tự mang phim đến xem và “khi đã ở trong phòng riêng rồi thì anh chị muốn xem hay… “đóng” phim gì cũng được hết”.

Đi cùng với anh bạn thân, trong vai người yêu, chúng tôi tìm đến quán cà phê phim T-box trên phố Nguyễn Lương Bằng. Quán là ngôi nhà bốn tầng gồm 6 phòng xem phim với ba phòng lớn và ba phòng nhỏ. Theo nhân viên tại đây, giá của phòng lớn và phòng nhỏ như nhau. Trong phòng, ngoài bức tường sơn trắng một mảng hình chữ nhật dùng để chiếu phim thì có một bàn uống nước nhỏ và một chiếc đệm với hai gối đủ cho hai người “tâm sự”. Căn phòng được bao bọc bởi ánh sáng mờ ảo của chiếc đèn ngủ mà theo lời nhân viên là “để tiện cho anh chị xem phim”.

Đợi nhân viên phục vụ xuống, anh bạn chọn xem một bộ phim tâm lý tình cảm. Hình ảnh thân mật của đôi nam nữ trên người chỉ mặc đồ lót khiến người xem chúng tôi không khỏi ngại ngùng. Chúng tôi tắt tivi, ngồi uống nước. Trong lúc ấy, từ phòng bên vẫn nghe nhỏ to những âm thanh tế nhị. Sau gần một giờ chúng tôi trả phòng, cùng lúc cặp đôi từ “chuồng” bên cạnh bước ra. Cô gái mặc váy ngắn, áo trễ vai vẫn còn xộc xệch theo bạn trai xuống quầy tính tiền, phóng xe đi.

Hoàng - sinh viên năm thứ ba trọ tại đường Hồ Tùng Mậu đang đứng ngoài quán cà phê phim Cofil Entertainment (đường Lê Đức Thọ) đợi bạn gái, tâm sự: “Em cũng đến đây vài lần rồi. Bạn gái em ngại vào nhà nghỉ nên chúng em chọn cà phê phim cho dễ “tâm sự”. Đàng hoàng thuê phòng xem phim, không gian cũng yên tĩnh, kín đáo, vừa được xem phim lại được nghỉ ngơi thoải mái, giá cả cũng phải chăng”.

“Bản thân tôi cũng thắc mắc xem phim kiểu gì”

Trao đổi với PV Báo Giao thông về loại hình dịch vụ cà phê phim, ông Phạm Vũ Hòa, Chủ tịch UBND phường Mai Dịch - một trong những địa bàn có nhiều quán hoạt động, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về loại hình dịch vụ này”.

Sau khi PV trao đổi về cách thức hoạt động của những quán cà phê phim đó, ông Hòa ngay lập tức giao bà Đặng Thị Hải, cán bộ văn hóa thông tin, làm việc với PV để thông tin rõ hơn về vấn đề này.

Bà Hải cho biết, loại hình dịch vụ này cũng mới nở ra tại địa bàn phường, trong đó quán 93 Cà phê phim 3D (tại 93 Hồ Tùng Mậu) hoạt động sớm nhất vào giữa năm 2015. Cuối năm 2015, phường đã kiểm tra, lập biên bản do cơ sở này thiếu giấy tờ hợp đồng lao động. “Một số địa điểm khác chắc mới mở nên tôi cũng chưa nắm rõ, sau hôm nay phường sẽ qua xác minh, kiểm tra cụ thể”, bà Hải nói.

Trao đổi với PV về những mặt tồn tại của các quán cà phê phim như hoạt động quá giờ quy định, công chiếu các bộ phim tâm lý tình cảm hạn chế khán giả dưới 18 tuổi, dễ biến tướng nhà nghỉ mini..., bà Hải cho hay: “Bản thân tôi khi đi kiểm tra cũng rất thắc mắc tại sao chiếu phim mà lại trong phòng đóng kín, có cả giường nệm thì không hiểu xem phim kiểu gì?! Không hiểu từ đâu mà du nhập về loại hình dịch vụ này. Thế nhưng vì nhà nước không cấm nên cũng không làm gì được”.

Bà Hải cho biết, cũng nắm được tình trạng hoạt động quá giờ nhưng chỉ là số ít, các cơ sở đối phó bằng cách đóng kín cửa lại, bao giờ khách về mới mở. Đối với các loại hình dịch vụ nói chung, cà phê phim nói riêng, UBND phường vẫn kiểm tra hằng năm 1 - 2 lần về các điều kiện như giấy phép kinh doanh, hợp đồng lao động, quy định về biển hiệu, ánh sáng…, song không có quyền kiểm tra đột xuất xem khách làm gì trong các phòng chiếu phim. “Hoạt động này liên quan đến an ninh trật tự, do đó thuộc về bên công an phường”, bà Hải nói.

Tuy nhiên, đại diện UBND phường Mai Dịch cho biết sẽ tiếp thu những nội dung PV Báo Giao thông trao đổi và sẽ phối hợp với công an phường để kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn đối với các quán kinh doanh loại hình dịch vụ này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.