Sau 5 ngày phát hiện ra ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại BV Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức), đến sáng 4/9, đã có 39 người mắc Covid-19 liên quan tới ổ dịch này, trong đó có 31 ca tại Hà Nội và 8 ca ở các tỉnh, thành phố khác.
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân quanh ổ dịch BV Việt Đức
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng cộng, Bộ Y tế, dịch Covid-19 tại Hà Nội nguy cơ vẫn còn rất cao, đặc biệt là tại các bệnh viện.
Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn các bệnh viện về cách phân luồng, phòng chống nhiễm khuẩn, nhưng từ trước đến nay vẫn có nhiều bệnh viện bùng phát dịch như: BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV K, BV Phổi Hà Nội, BV Thanh N hàn… nên việc xảy ra ở BV Việt Đức cũng nằm trong dự đoán.
"BV Việt Đức là bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối nên thu dung bệnh nhân các tỉnh về rất đông. Bên cạnh đó, các khoa phòng bệnh thường xuyên luân chuyển. Nhân viên, bệnh nhân, người nhà di chuyển từ khoa này sang khoa khác, đi nhà ăn, thậm chí đi một số tỉnh nên nguy cơ tiếp xúc, giao lưu rất lớn. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm F0 để không lây lan ra khoa, phòng khác ...”, PGS Phu nói.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc ngăn chặn tuyệt đối không có F0 vào bệnh viện là khó, bởi trước nay, việc bệnh nhân đi khám, điều trị đều có người nhà đi kèm để chăm sóc. Với lượng người ra vào bệnh viện lớn, việc tầm soát khó khăn hơn.
Chưa kể có các dịch vụ bên ngoài đưa vào viện như người đưa cơm, hoặc người nhà ra ngoài mua cơm…Vì vậy, trong tình hình hình hướng tới nới lỏng thì nguy cơ càng cao.
Do đó, các bệnh viện phải nâng mức cảnh giác lên cao hơn nữa, tăng cường kiểm soát chặt người ra vào, tiếp tục giám sát đối tượng có nguy cơ cao, nhất là các bệnh viện tuyến cuối. Đồng thời, xét nghiệm định kỳ nhân viên, người ra vào, bệnh nhân và người nhà; Và làm tốt việc phân luồng chống nhiễm khuẩn chéo.
Qua việc phát sinh ổ dịch tại BV Việt Đức, ông Phu cũng đưa khuyến cáo, nguy cơ bùng phát dịch của Hà Nội còn rất cao, nên thành phố tiếp tục xét nghiệm đối tượng nguy cơ như người bán hàng, vận chuyển hàng hóa, người giao tiếp nhiều...;
Xét nghiệm diện rộng có chỉ định (vùng có nguy cơ); xét nghiệm ngay các trường hợp ho, sốt trên địa bàn. Khi có dịch phải phong tỏa theo nguy cơ, phong tỏa chặt để không lây lan rộng. Cảnh giác thực hiện phương án an toàn trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, chợ, siêu thị…
Đặc biệt, người dân phải thay đổi lối sống, hành vi, luôn đề phòng F0, cài đặt, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết.
Cùng đó, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho người dân; Đồng thời, phải tính đến việc tiêm chủng khi người dân các tỉnh về Hà Nội, bởi có nhiều người ở địa phương khác chưa tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19.
Hiện nay, mỗi bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thực hiện tầm soát Covid-19 khác nhau. Tại một số BV như Phổi Trung ương, Quân đội 108... tất cả các trường hợp tới BV thăm khám đều được yêu cầu test nhanh Covid-19;
Một số bệnh viện như Nhi TƯ, Thanh Nhàn, SaintPaul... phân luồng, chỉ thực hiện xét nghiệm Covid-19 với các trường hợp tới bệnh viện có các dấu hiệu nghi ngờ Covid-19 như sốt, ho, đến từ vùng dịch;
Với BV Phổi Hà Nội... bệnh nhân đến thăm khám đặt lịch hẹn online và có xác nhận âm tính Covid-19;
Còn tại Viện Huyết học và truyền máu TƯ, người đến khám, chữa bệnh đều yêu cầu phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính. Từ ngày 1/10, đối với người đến khám từ Hà Nội không cho đi kèm người nhà, trừ trường hợp người bệnh không đi lại được hoặc già yếu (người nhà phải test nhanh âm tính) và kiên quyết không cho bệnh nhân điều trị nội trú và người nhà chăm sóc ra ngoài trong quá trình điều trị tại BV.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận