Ông Ân miêu tả lại khí thế hừng hực của nhân dân Hạ Lội trong phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc” |
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về ngôi làng Hạ Lội xưa (hay làng K130 ngày nay) vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Trong cái đêm mà bom Mỹ cắt đứt huyết mạch giao thông QL1, chỉ trong chốc lát, 88 hộ dân đã đồng lòng, tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà lấy gỗ lát đường, làm bến tàu cho xe vận tải qua sông an toàn.
Làng chiêm trũng và kỳ tích mở đường
Qua thị trấn Nghèn (Can Lộc) về phía Nam chừng 3 km, rẽ vào con đường nơi có chiếc cổng chào trên đó ghi: “Làng văn hóa - Chiến tích K130”, đi thêm chừng 300 m, chúng tôi đến làng Hạ Lội, ngôi làng nằm sát QL1 nhưng bao quanh toàn sông ngòi, đồng ruộng.
Ông Phan Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc kể: “Đây là khu vực trũng nhất tỉnh, mùa hè, nước vẫn ngập trắng đồng, đường vào làng lúc nào cũng lầy lội nên người ta mới đặt tên làng là Hạ Lội”.
Ít ai ngờ được rằng trong những năm tháng chiến tranh, ngôi làng nghèo chiêm trũng ấy lại có thể làm nên những điều không tưởng. “Năm 1967, không quân Mỹ tập trung đánh phá QL1A đoạn qua địa phận Hà Tĩnh. Những tọa độ được máy bay Mỹ tập trung đánh ác liệt nhất là, phà Thượng Gia, cầu Cổ Ngựa, cầu Già, cầu Nghèn... hòng cắt đứt mạch máu giao thông đường bộ duy nhất chi viện cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong hai tháng 7 và 8/1968, nhận thấy vị trí trọng yếu tuyến QL1A đoạn qua xã Tiến Lộc là “đất trũng, đường độc đạo, dễ công, khó thủ” nên không quân Mỹ đã không tiếc bom đạn đánh phá trọng điểm này.
“Chỉ tính trong ba năm diễn ra chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc (trong đó có làng Hạ Lội) gần 19 nghìn quả bom, 1.522 quả rốc-két… thế nhưng dân làng vẫn một lòng quyết tâm bám làng, giữ cho mạch máu giao thông luôn thông suốt”, ông Dân chia sẻ.
Cũng vào thời điểm ác liệt này, khi QL15A bị bom Mỹ rải thảm liên tục, cầu Nghèn, cầu Già trên QL1A bị đánh sập. Đoạn quốc lộ chạy qua xã Tiến Lộc cũng bị bom băm nát. Hai con đường huyết mạch tạm thời bị cắt đứt khiến hàng trăm xe ô tô vận tải hàng phục vụ chiến trường miền Nam đến đây bị tắc lại. Trước tình thế cấp bách, Bộ Chính trị đã đưa ra quyết định táo bạo, bằng mọi giá phải mở xong đường Xế tránh QL1A qua làng Hạ Lội vào đêm 13/8/1968, cho xe đưa hàng vào tiền tuyến.
Xe chưa qua, nhà không tiếc
Ông Trần Đình Trọng (85 tuổi), nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Tiến Lộc (nhiệm kỳ 1963 - 1974), người nhận lệnh và Chỉ huy thi công con đường dài hơn 1km chạy xuyên qua tim làng Hạ Lội, nối QL1A với bến phà Miếu Mướp, cho đoàn xe qua vào tối ngày 13/8/1968, bồi hồi kể lại: “Khoảng 9h sáng ngày 13/8, tôi được triệu tập lên huyện nhận nhiệm vụ tối mật. Tất bật tới nơi, tôi được Ban Giao thông tỉnh thông báo, địch đánh phá ác liệt, nhiều tuyến đường của ta bị chia cắt, hàng chi viện cho miền Nam bị tắc tại Hà Tĩnh, Bộ Chính trị quyết định mở con đường Xế xuyên qua làng Hạ Lội, phải khẩn trương di dời nhà cửa làm đường cho xe qua. Nhận lệnh xong, tôi tức tốc về xã triệu tập tất cả cán bộ xã, Ban công tác mặt trận, Đoàn Thanh niên và dân làng Hạ Lội đến họp phổ biến chỉ đạo của trên”.
Lúc ông Trọng xuống làng, bà con đã tập hợp đông đủ ở sân hợp tác. Khi ông Trọng vừa trình bày xong nhiệm vụ cấp trên giao, bà con tức khắc hô to: “Đồng tình, đồng tình...”. Ông Trọng bảo, đến giờ ông vẫn nhớ như in ý kiến phát biểu của ông Lê Bá Kiên, hộ có nhà đầu tiên nằm trên con đường dự kiến mở: “Nước mất thì nhà tan, tôi tin vào lãnh đạo xã và cấp trên. Đất đó, vườn đó và cả gia đình tôi xin dỡ nhà, chặt cây lấy gỗ làm vật liệu lót đường cho xe qua”. Rồi cứ thế nhân dân trong làng hô to khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”.
Dưới sự chở che của nhân dân, từng đoàn xe đi qua đường Xế vận chuyển hàng hóa một cách an toàn, không còn tắc đường, sa lầy như trước. Và để che mắt địch, hàng ngày, cứ sáng ra, quân và dân Hạ Lội mưu trí “nhường nhà để hàng, nhường làng để xe”, dùng cành cây, rơm rạ ngụy trang đường Xế, tối đến lại cất giấu ngụy trang mở đường xe qua. Cứ thế, đường Xế qua Hạ Lội được giữ bí mật đến tận ngày ngừng bắn. |
“Ngay chiều hôm đó, đã có 88 hộ tình nguyện tháo dỡ, di dời 130 ngôi nhà và lấy toàn bộ gỗ, vật liệu cứng ra lót đường cho xe qua”, ông Trọng bồi hồi kể lại như sự kiện đó mới vừa mới diễn ra.
Thời điểm ấy, ông Phạm Tiến Ân mới 18 tuổi, vừa đủ tiêu chuẩn đi lính và cũng là người trực tiếp tham gia dỡ nhà, làm đường. Ở tuổi 65, ông Ân nhớ lại: “Lúc đó có ai suy tính gì đâu, họp xong mọi người về hô hào người trong gia đình tháo dỡ nhà mang ra làm đường. Cột gỗ thì làm cọc đóng cầu phà, cửa lim, phên vách lấp hố, lát đường trên ao… Thế nhưng, nhân công vật liệu tại xã không đủ, huyện phải huy động thêm trung đội dân quân xã lân cận mang hàng ngàn bó tấp độn (các phên tre và bó lá cây- NV) tới hỗ trợ dân làng Hạ Lội làm đường”.
“20 phút dỡ xong một nhà, 30 phút lấp một ao. Cứ thế chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ, tuyến đường dài 1,2km nối QL1 xuyên tim làng Hạ Lội đến Miếu Mướp cơ bản được hoàn thành, chỉ còn phần mở phà. Lúc này, vật liệu trong làng hết ráo, cả làng quyết định dỡ bốn gian nhà kho hợp tác và hai gian miếu thờ Thành hoàng làng làm cầu phà. Thậm chí, trong làng có cụ bà Đinh Thị Trí ngoài 70 tuổi sống đơn thân trong túp lều xiêu vẹo, nhưng khi nghe tin thiếu vật liệu làm cầu phà, cụ cũng xin hiến “gia tài” duy nhất là cỗ quan tài (để lo hậu sự sau này- NV) làm vật liệu lát đường cho xe chạy”, ông Ân kể.
21h hôm đó, chuyến xe vận tải đầu tiên qua phà sang bờ bên kia thành công, ngay trong đêm, 130 xe chở hàng đặc biệt theo tuyến Xế đã qua phà an toàn.
Ước mơ nhỏ của những người anh hùng
Đến hôm nay, sau 47 năm, con đường Xế xuyên qua tim làng Hạ Lội đã không còn, nhưng tinh thần của thế trận lòng dân ngày ấy vẫn được nhớ mãi. Trên nền đất của 130 ngôi nhà đã dỡ ra để lấy mặt bằng và vật liệu “lót đường” chống lầy cho xe qua, giờ đã tươi những màu ngói mới. Cùng với bao làng quê đất Việt, làng K130 xã Tiến Lộc đã đi vào lịch sử của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ như một mốc son chói lọi của bản anh hùng ca về lòng quyết tâm quả cảm, của sự hy sinh cao cả và cả sức mạnh vĩ đại của thế trận lòng dân.
Ngày hòa bình lập lại, làng Hạ Lội được tỉnh Hà Tĩnh đặt tên là K130 để ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của người dân trong làng. Năm 2006, làng K130 được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia, con đường dẫn vào làng cũng đã được đầu tư kiên cố hóa bằng bê tông xi măng.
Hiện nay, những nhân chứng lịch sử ở làng Hạ Lội còn lại rất ít, hầu hết đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm. Hiện vật lưu lại tại xã cũng chỉ còn một bức quyết tâm thư của Bí thư đoàn thanh niên lúc bấy giờ, một vài mẩu gỗ hiện vật. Mong ước lớn nhất của người dân làng Hạ Lội là được cấp trên quan tâm cấp kinh phí xây dựng lại ngôi miếu làng ba gian cạnh bờ sông Già - nơi người dân đã tháo dỡ làm cầu phà, để người dân có nơi thắp hương, thờ tự Tổ tiên, cùng đó là sớm bố trí vốn xây dựng tấm bia ghi lại sự kiện chiến tích K130 theo quy hoạch, để giáo dục cho thế hệ trẻ sau này về truyền thống hào hùng của cha ông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận