Chiều 29/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Rất nhiều câu hỏi PV gửi tới các Sở ngành về nội dung như tiêm vaccine cho trẻ em, học sinh trở lại trường... đặc biệt là việc đối phó với biến chủng Covid-19 mới - Omicron.
Ông Phạm Đức Hải (đứng) Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM trả lời báo chí về biến chủng mới Omicron.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị người dân không hoang mang, không chủ quan, giảm tụ tập trong bối cảnh số ca nhiễm tăng, tử vong tăng và biến chủng Omicron xuất hiện ở một quốc gia.
Theo ông Phạm Đức Hải, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM những ngày gần đây vẫn ghi nhận số ca mắc mới còn cao, có ngày lên đến hơn 1.700 ca. Số ca tử vong có ngày lên đến 72 ca, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện.
Tuy nhiên, TP.HCM khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, Ban chỉ đạo liên ngành chỉ đạo theo nguyên tắc phủ vaccine và 5K. Phía Sở thường xuyên theo dõi việc chỉ đạo của Bộ Y tế về biến chủng này. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó như chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, tăng cường phủ vaccine...
"Trước biến chủng Omicron, người dân cần cố gắng thay đổi thói quen, sở thích, luôn đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn... giảm nguy cơ mắc bệnh", bà Mai nói.
Về việc ngành giáo dục chuẩn bị đón học sinh trở lại, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, thành phố đã gần hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho học sinh 12-17 tuổi.
Đến 29/11, các quận, huyện đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh và tiêm mũi 1 bổ sung cho một số trường hợp chưa tiêm.
Ông Trọng cho hay, trước khi học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục sẽ tập huấn các biện pháp phòng chống dịch cho cả thầy cô và học sinh, phụ huynh.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng đã chuẩn bị phương án cụ thể diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1. Mỗi trường phải phân công cán bộ phụ trách phòng chống dịch từ khi đón học sinh đầu giờ đến cuối giờ.
Về việc gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc trong 10 tháng qua, bà Mai phát biểu: “Họ nghỉ việc chủ yếu do hoàn cảnh gia đình và các điều kiện cá nhân”.
Theo bà Mai, TP.HCM đang trong vùng dịch cấp độ 2. Trong 22 địa phương cấp quận/huyện, có 9 đơn vị ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới) là quận 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ.
Có 14 địa phương ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) là quận 3, 4, 5, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè.
Có 3 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 4, Bình Thạnh và Tân Phú (cấp 1 lên cấp 2), một địa bàn giảm cấp độ dịch là huyện Cần Giờ (từ cấp độ 2 xuống cấp 1).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận