Để chủ động nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ giao, HĐND tỉnh Cà Mau quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trên 324,7 tỷ đồng của một danh mục nội dung chi (thanh toán cho các dự án) thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, giảm kế hoạch vốn 189,9 tỷ đồng của một danh mục nội dung chi (dự phòng) thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn xổ số kiến thiết giai đoạn 2021-2025 cho dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng (dự án quản lý theo chế độ mật) 39,9 tỷ đồng và Dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Phan Ngọc Hiển 150 tỷ đồng…
Đó là một trong các nội dung thông qua tại Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) vừa diễn ra ngày 16/4. Theo đó, HĐND tỉnh Cà Mau đã quyết nghị thông qua bổ sung danh mục, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và bổ sung danh mục, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (nguồn vốn ngân sách tỉnh); bố trí Kế hoạch vốn nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023.
Theo ông Đỗ Quang Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau, đến thời điểm này, theo quy hoạch trình Bộ Giao thông vận tải, Cảng Hàng không Cà Mau được mở rộng khoảng 230 hec-ta, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là hơn 1.000 hộ.
"Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận đo đạc, kiểm đếm toàn bộ hiện trạng về nhà cửa, cây cối, hiện trạng đất đai.
Khi có chủ trương phê duyệt là triển khai ngay để đảm bảo theo tiến độ", ông Hưng cho hay.
Cùng với đó, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo UBND thành phố Cà Mau tăng cường vận động, tuyên truyền các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và thống nhất chủ trương thu hồi đất sớm hơn thời gian quy định.
Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030, Cảng Hàng không Cà Mau sẽ có các hạng mục như đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45m về phía Bắc và cách đường cất hạ cánh hiện hữu 180m; xây dựng mới đường lăn kết nối sân đỗ hiện hữu và đường cất hạ cánh mới ở phía Bắc.
Đồng thời, mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng bốn vị trí đỗ tàu bay tầm trung, thân hẹp (A320/321...).
Cùng với đó, tiến hành nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu có thể khai thác tới một triệu hành khách/năm và giữ nguyên vị trí khu hàng không dân dụng theo quy hoạch được duyệt.
Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, đường cất/hạ cánh dài 1.500m, rộng 30m, đáp ứng khai thác loại tàu bay như ATR72, E190 và tương đương trở xuống.
Sân bay có công suất thiết kế là 200.000 hành khách/năm, phục vụ 150 hành khách/giờ cao điểm.
Hiện tại, Cảng Hàng không Cà Mau có một đường cất hạ cánh với kích thước 1.500 x 30m đáp ứng khai thác tàu bay E190 (khai thác giảm tải), tàu bay ATR72.
Cảng cũng đang khai thác duy nhất tuyến bay TP.HCM - Cà Mau, nên không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và tăng trưởng của ngành hàng không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận