Ngày 6/9, Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đề xuất giải pháp mang tính đột phá
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, đánh giá kỹ từng lĩnh vực phụ trách.
"Làm rõ nguyên nhân vì sao các chỉ tiêu đạt thấp, chậm trễ trong thực hiện, dự báo thuận lợi, khó khăn, nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại từ nay đến hết nhiệm kỳ", ông Hải yêu cầu.
Ông Hải cũng đề nghị các cấp, các ngành và địa phương cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp mang tính đột phá, nhất là huy động các nguồn lực để thực hiện đạt cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế; trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản...
"Chú ý giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy nội lực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của Nghị quyết Đại hội đề ra đạt kết quả cao nhất", ông Hải lưu ý.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có trọng điểm
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ, ông Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, đối với 17 chỉ tiêu chủ yếu, ước đến cuối năm 2023 có 6 chỉ tiêu đạt và vượt cả nhiệm kỳ.
Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 có 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, còn 2 chỉ tiêu cần quan tâm tập trung dồn hết sức thực hiện (tổng sản phẩm trong tỉnh và cơ cấu kinh tế).
Một trong những điểm sáng qua hơn nửa nhiệm kỳ hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,6 tỷ USD, bằng 60% chỉ tiêu; tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 1,5 triệu tấn; kinh tế biển phát triển khá nhanh.
"Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng có trọng điểm, ưu tiên các công trình là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhân dân", ông Ngại thông tin.
Cũng theo ông Phạm Thành Ngại, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững; hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do thị trường thế giới biến động; sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo quy mô nhỏ lẻ.
Mặt khác, khu vực dịch vụ thương mại, vận tải, du lịch, cảng biển có tiềm năng nhưng chưa thu hút được đầu tư để khai thác hết lợi thế; môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện..
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là tập trung xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Đồng thời, phối hợp với bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau để triển khai thực hiện; phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận