Buổi tối, nhà bà Nguyễn Thị Cúc thường ăn tối muộn. Tối nay cũng vậy. Cô con gái dọn cơm ra đã gần 7 giờ tối. Nhưng hôm nay, bà không cùng chung mâm với các con. Bát cơm của bà trên bàn khói nhang nghi ngút. Bà mất vì Covid-19 đã 8 tuần qua.
“Má không làm thì ai làm!”
Chiều muộn cuối tuần, vẫn còn vài chục người ở các tổ dân phố khu vực đường Phan Thúc Hoạch (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) kiên nhẫn xếp hàng chờ ký nhận 1 triệu đồng (từ gói hỗ trợ của TP.HCM). Buổi phát tiền vắng bà Bảy Hòa, tổ trưởng tổ dân phố 56.
Bà Nguyễn Thị Cúc (trái) mỗi sáng đều dành thời gian quét dọn, làm sạch các con phố trong tổ.
Bảy Hòa là tên gọi thân mật của bà Nguyễn Thị Cúc (người miền Nam hay gọi theo tên chồng). Phát tiền phát gạo, mua hàng hóa, đi chợ giùm, xếp lịch tiêm vaccine… và đủ thứ công việc không tên mùa dịch đều có mặt bà. Nay thì không. Cơn dịch quái ác đã quật ngã bà vào cuối tháng 7. Đây là thời điểm TP.HCM “rực lửa”, mỗi ngày trên dưới có chục ngàn ca nhiễm bệnh, giãn cách nghiêm ngặt toàn TP.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Đảng ủy phường Phú Thọ Hòa cho biết, phường lúc đó là điểm nóng. Toàn phường có khoảng 22.000 dân và có trên 2.000 ca F0. Cán bộ phường bị quăng quật trong “chảo lửa”, rất nhiều người đã nhiễm bệnh. Nặng thì đi bệnh viện dã chiến, nhẹ thì lên lầu của trụ sở phường tự cách ly. Suốt 3 tháng trời cứ vừa làm việc, vừa bảo ban, chăm sóc nhau như vậy.
Bà Bảy Hòa đã 66 tuổi, làm tổ trưởng dân phố tổ 56 đã gần 20 năm nay, là một trong số những người năng nổ, thạo việc nhất. Các con bà tỉ tê bảo “má làm ít thôi, coi chừng dịch bệnh”, bà gạt: “Bà con trong tổ của má, má không làm thì ai làm!”.
Dịch bắt đầu bùng lên từ tháng 5 và bùng phát mạnh vào tháng 6, TP.HCM liên tục ra các chỉ thị điều chỉnh mọi hoạt động kinh tế, xã hội và cả sinh hoạt của người dân. Hạn chế xe buýt, xe liên tỉnh, rồi tiến tới giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, rồi tăng cấp độ lên 16, rồi 16+, nhà cách nhà, khu phố cách khu phố… Đây là lúc đỉnh điểm công việc dồn trên vai những người gần dân nhất, từ cấp phường xuống tổ dân phố.
Lúc này toàn thành phố gần như đóng cửa. Người dân không được bước ra khỏi nhà. Việc cung ứng đồ ăn thức uống do phường, khu phố và các đội tình nguyện viên thực hiện.
Bà Bảy Hòa những ngày này cứ 5K, kín mít và đi từ nhà này sang nhà khác. Đợt dịch ban đầu vừa bùng lên nên tổ dân phố chưa có kinh nghiệm, chưa kịp lập nhóm zalo. Mọi việc cứ phải trao đổi trực tiếp. Nhà này ăn gì, mua gì: trực tiếp. Nhà kia thuộc diện lãnh tiền trợ cấp: trực tiếp. Nhà nọ đủ tiêu chuẩn đi tiêm vaccine: trực tiếp… Cứ vậy bà đi như con thoi.
Rồi đến khi lập chốt, người ta cũng thấy bà xuất hiện. Đêm hôm có người F0, xe hú còi inh ỏi, bà trở mình dậy nghe ngóng. Xe đưa người bệnh đi thì bà phải lo cho những người còn lại an toàn. Chẳng phút nào ngơi…
Trên giường bệnh vẫn lo cho người nghèo
Rồi cái ngày mà con cái bà lo lắng nhất đã đến...
Chị Đặng Thị Tuyết Hạnh, con gái út của bà Cúc trước bàn thờ mẹ
Sáng 18/7, bà hơi ho và đau họng. Hai cô con gái - một cô làm ở y tế phường đưa bà đi xét nghiệm. Dương tính. Cả nhà ai cũng lo. Lo nhất là lúc này bà chưa được tiêm mũi vaccine nào dù đã gần cuối tháng 7.
Lúc này ở TP.HCM, việc tiêm vaccine vẫn còn khá ì ạch. Bà Bảy Hòa là người trong Tổ phòng, chống Covid-19 nhưng chưa được tiêm vì những thứ rắc rối và cứng nhắc của quy trình.
Cô Tuyết Hạnh - con gái bà nhìn lên di ảnh của mẹ mình, day dứt: “Nhà có người làm y tế, có người làm công an, má mình lại trong Tổ chống Covid-19, vậy mà người ta nói sao nghe vậy, không quyết liệt tiêm. Đâu có ngờ…”. Lý do là người ta tiêm cho người 65 tuổi, bà tổ trưởng thì vừa lố 65 tuổi 3 tháng!
Ngày 19/7 bà được đưa đi nhập viện ở Hóc Môn, rồi đi Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Rồi nặng hơn, đưa về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Cuối cùng là Chợ Rẫy. Không cứu được nữa, phổi bà tổn thương. “Tôi cũng không nghĩ mẹ mình ra đi nhanh như vậy…”, chị Tuyết Hạnh lại nhìn khói nhang trên bàn thờ trong tiếng kinh kệ đều đều.
Những ngày đầu trên giường bệnh bà cũng không ngơi nghỉ. Hay tin gói hỗ trợ đợt 1 đang đến tay bà con, lại alo về nhắc bổ sung người này người kia.
Anh Hoàng Sang, Bí thư chi bộ khu phố kể: “Bữa bà nằm trên giường bệnh, còn alo ông tổ phó bảo còn thằng A chạy xe ôm, con B bán vé số khổ quá mà chưa có chế độ gì, đưa vào danh sách”. Ngày bà về trong bình tro cốt, bà con khu phố đau xót, bàng hoàng mà chẳng ai đến viếng được. Chỉ biết bái vọng từ xa.
TP.HCM những ngày này đang bước vào trạng thái bình thường mới. Ngoài đường 312 chốt kiểm soát dịch ở các phường, xã đã được gỡ bỏ. Chợ búa cũng đã họp lại. Xe cộ đông đúc hơn. Buôn bán đã trở lại tấp nập. Ở tổ dân phố 56 của bà Bảy Hòa ngày trước người ta cũng mở cửa buôn bán nhộn nhịp trở lại…
Nhưng vẫn thiếu bà. Các con ngõ thân quen vắng bóng dáng người phụ nữ có tuổi phúc hậu đi lại mỗi ngày, vắng tiếng chổi xào xạc khi bà quét lá rụng trên con đường mỗi ngày buổi sớm…
Hàng trăm con người năng nổ, nhiệt huyết như bà đã ngã xuống trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Trong cuộc sống bình thường mới tất bật hôm nay, có công sức của những người như bà Bảy Hòa Nguyễn Thị Cúc.
Ngày 4/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định truy tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 18 cá nhân có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. Đây là 18 trong số những người đã có đóng góp, bị nhiễm bệnh và mất trong cuộc chiến chống dịch bệnh vừa qua. Trong số này có bà Nguyễn Thị Cúc, Tổ trưởng tổ dân phố 56, khu phố 3, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.
Thủ tướng Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân là ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng Trạm Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế TP.HCM và bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sở Y tế TP.HCM đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận