Bốn tiếp viên của Hãng hàng không Alaska Airlines đệ đơn kiện Boeing do cáo buộc ô nhiễm không khí trên máy bay gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. |
Thiệt mạng và mất trí nhớ
Tháng 6, Hãng hàng không British Airlines đứng trước nguy cơ phải hầu toà do cáo buộc nhiễm độc không khí trên máy bay, khi 17 cựu nhân viên phi hành đoàn đệ đơn tố cáo họ bị nhiễm độc bởi không khí ô nhiễm trong cabin. Những người này có các triệu chứng ốm, mệt mỏi do tiếp xúc thường xuyên với khói động cơ trộn lẫn với dầu máy cùng các hóa chất độc hại khác từ máy bay. Giới chức Công đoàn đại diện cho 20 nghìn nhân viên đang làm việc, kêu gọi các cuộc điều tra công khai nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm trong cabin.
Bắt đầu từ tháng 4/2014 - 5/2015 liên tiếp xảy ra 251 vụ khói hoặc ô nhiễm do khói trên máy bay của hãng British. 104/251 trường hợp xác định là đã mắc bệnh, và ít nhất 28 trường hợp phải đeo mặt nạ dưỡng khí trong chuyến bay. Trước đó, phi công Richard Westgate qua đời tháng 12/2012 ở độ tuổi 43. Nhân viên pháp y phát hiện thi thể ông có “triệu chứng nhiễm độc organophosphate từ không khí ô nhiễm trên cabin”. Tiếp sau đó là anh Matthew Bass 34 tuổi qua đời đột ngột tháng 1/2014 sau khi gặp phải một số vấn đề về sức khỏe không giải thích được. Qua khám nghiệm tử thi, bác sĩ phát hiện độc tố organophosphates ở mức độ cao trong hệ thần kinh của Matthew. Một phi công khác của British Airlines cho biết thêm năm 2014 “khi đang hạ cánh xuống sân bay Birmingham thì tôi và cơ trưởng cảm thấy khó thở, ngay lập tức chúng tôi phải sử dụng mặt nạ dưỡng khí”.
Cục Hàng không dân dụng Anh (CAA) cho biết, sự cố khói trên máy bay là rất hiếm và không có bất cứ bằng chứng nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Đại diện British Airlines tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không vận hành máy bay nếu có dấu hiệu gây nguy hại đến sức khỏe hay sự an toàn của hành khách hoặc phi hành đoàn. Đã có rất nhiều nghi vấn xung quanh vấn đề ô nhiễm không khí trong cabin máy bay vài năm qua nhưng không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh việc tiếp xúc với khói trong cabin gây ra bệnh tật lâu dài”.
Hãng hàng không Alaska Airlines cũng vướng vào cáo buộc tương tự. Hôm 23/6, bốn tiếp viên hàng không của hãng Alaska Airlines (Vanessa Woods, Faye Oskardottir, Darlene Ramirez và Karen Neben) đệ đơn kiện lên toà án bang Illinois (Mỹ) về tình trạng nhiễm độc trên chuyến bay Boeing 769 từ Boston tới San Diego ngày 12/7/2013. Đội ngũ tiếp viên cho biết họ có các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu và mất nhận thức.
Ngay lập tức, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp ở Chicago để họ nhập viện cấp cứu. Vanessa Woods, một trong những tiếp viên khiếu nại cho biết: “Hai năm sau khi vụ việc diễn ra, chứng đau nửa đầu luôn hành hạ khiến tôi khó có thể tập trung được”. Những triệu chứng trên tương tự với triệu chứng mà phi hành đoàn British Airlines gặp phải trước đó.
Nhà chức trách thờ ơ
Trong đơn kiện, bốn tiếp viên Alaska Airlines cáo buộc nhà sản xuất Boeing sử dụng không khí từ động cơ máy bay để điều áp cabin. Đồng thời sai sót trong quá trình thiết kế khiến “hệ thống kiểm soát môi trường trên máy bay không thể lọc sạch không khí trong cabin giúp phi hành đoàn tránh tiếp xúc với khí thải độc hại”. Những người đứng đơn kiện cho rằng: “Theo thiết kế của Boeing, hệ thống kiểm soát trên máy bay không thể lọc sạch không khí trong cabin và bảo vệ họ trước nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất độc hại”.
Ông Jeffrey Peterson - Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không của Alaska Airlines (AFA) cho biết, nhiều tiếp viên khác cũng từng tiếp xúc với không khí ô nhiễm trên cabin và cho biết sẽ nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân trong việc đòi lại công lý. Theo ông Peterson, AFA đã tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong nhiều thập kỷ qua nhưng ngành công nghiệp hàng không vẫn chưa thừa nhận về vấn đề này”.
Về phần nhà sản xuất, Boeing đã từ chối bình luận về vụ kiện trên đồng thời khẳng định khí nén và các chất ô nhiễm trong cabin vẫn ở mức độ an toàn cho phép. Chuck Horning, Chủ tịch bộ phận khoa học bảo trì hàng không tại đại học Embry-Riddle, Florida cho biết: Mùi hoá chất lẫn trong khí nén vẫn có thể xảy ra trong một số trường hợp nhưng rất hiếm gặp.
Luật sư Rainey Booth chỉ trích Boeing không tìm cách khắc phục sự cố ô nhiễm trong cabin đã tồn tại gần 60 năm nay và yêu cầu hãng bồi thường cho người bị hại. Ông cho rằng “lỗi thiết kế” của Boeing có thể gây “gây nguy hiểm cho hành khách trên máy bay”.
Bà Judith Anderson, chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cho đội ngũ tiếp viên nhấn mạnh: “Thật vô nghĩa khi sử dụng không khí từ động cơ để làm không khí thở khi biết luồng không khí này có thể bị ô nhiễm mà không có bất cứ hình thức ngăn chặn nào”. Một nghiên cứu của Anderson năm 2006-2007 chỉ ra rằng, tại Mỹ trung bình một ngày có khoảng một sự cố ô nhiễm không khí, còn tại Anh là tỷ lệ 1/100 chuyến. Và bà Anderson cho rằng “tỷ lệ này đủ để cho những người có trách nhiệm phải có hành động cụ thể”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận