Taxi tại New York được sơn đồng bộ màu vàng |
Lâu nay, cứ nói đến taxi vàng, người ta nghĩ ngay tới biểu tượng của TP New York (Mỹ); taxi đen của Thủ đô London (Anh), hay taxi sơn màu rực rỡ, đủ sắc của TP Bangkok (Thái Lan)... Nhưng ít ai biết, tại sao taxi ở các thành phố này lại có quy định màu sơn như vậy.
Phân màu taxi theo loại
Đến Bangkok, du khách nhận thấy điểm thú vị đầu tiên chính là “rừng” taxi nhiều màu sắc bắt mắt từ hồng, da cam, tím, xanh, vàng đến cả những chiếc taxi được sơn kết hợp nhiều màu. Tuy nhiên, không phải các hãng thích màu gì thì sơn màu đó.
Thực tế, mỗi màu tượng trưng cho một loại taxi khác nhau, trong đó, những chiếc taxi đơn sắc là taxi của công ty hoặc taxi do một cá nhân hợp tác với một công ty cho thuê. Một số màu đơn sắc được sử dụng bao gồm: Xanh lá, xanh da trời, đỏ, da cam, vàng, xanh biển, hồng, tím, nâu. Chiếc taxi sơn hai màu có ý nghĩa: Taxi vàng - xanh thuộc loại taxi tư nhân; taxi đỏ - xanh nước biển là loại taxi cho thuê; taxi vàng - da cam là taxi của công ty. Theo đánh giá chung của người dân tại Bangkok, taxi màu vàng - xanh được cho là loại tốt hơn vì do cá nhân sở hữu và trực tiếp lái.
Quy định màu taxi để quản lý
Nếu tới New York, du khách sẽ chỉ thấy các hãng taxi sơn chung một màu duy nhất là màu vàng. Thực chất, không phải ngay từ đầu taxi tại thành phố này đã có quy định phải sơn đồng màu. Theo nhà sử học nghiên cứu về giao thông Mỹ qua các thời kỳ tại Đại học Colgate - Graham Hodges, doanh nhân Harry Allen là người đầu tiên kinh doanh taxi tại New York.
Từ năm 1907, ông đã nhập khẩu các phương tiện xanh, đỏ có gắn công-tơ-mét từ Pháp về New York để khai thác dịch vụ taxi. Vài năm sau, thị trường taxi nổi lên cạnh tranh gay gắt. Lúc đó, các hãng taxi mới ra đời vẫn sơn màu xe theo ý thích, đủ các màu: Nâu, trắng đen, đỏ và vàng…
Một nghiên cứu được thực hiện tại Singapore, đăng trên Tạp chí Khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences chỉ ra rằng, việc sơn taxi màu vàng không chỉ có tác dụng làm nổi bật, dễ phân biệt mà còn có tác dụng làm giảm TNGT. Sau khi phân tích hơn 16.700 taxi đang hoạt động tại đây (trong đó, taxi vàng có 4.175 chiếc và taxi xanh có 12.525 chiếc) trong 3 năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy, tỉ lệ va chạm của taxi vàng thấp hơn taxi xanh khoảng 6 vụ/1.000 xe/tháng. |
Sau khi TP New York lần đầu tiên áp dụng hệ thống cấp giấy phép cho taxi với Luật Hass vào năm 1937, đã nổ ra tranh cãi giữa taxi có giấy phép và taxi không có giấy phép. Các taxi không có giấy phép hoạt động chui ở các khu vực béo bở như sân bay, khách sạn, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của các hãng taxi có giấy phép. Do đó, đến năm 1969, để bảo vệ quyền lợi của các hãng taxi hợp pháp, chính quyền TP thông qua quy định sơn màu vàng với các loại taxi này.
Thị trưởng lúc đó là John Lindsay nhận định: “Công chúng cần được cung cấp một phương tiện có thể dễ dàng phân biệt taxi có giấy phép và taxi chui. Luật quy định màu taxi được đưa ra với mục đích đó”. Hiện nay, taxi tại New York không chỉ có màu vàng mà còn có thêm màu xanh nhạt, nhưng loại xe này được quy định đón khách ở khu vực ngoại ô và phía Bắc Manhattan.
Một thành phố khác là đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) cũng chọn cách quy định màu sơn đồng bộ cho taxi để người dân dễ dàng phân biệt taxi bất hợp pháp (pak pais theo cách gọi của Hong Kong) và taxi hợp pháp.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, quy định này được Cơ quan phụ trách giao thông của Hong Kong đưa ra cùng thời điểm New York quy định màu sơn taxi vào năm 1969. Tuy nhiên, đến tháng 9/1974, cơ quan này mới quy định rõ ràng đó là sơn taxi “màu bạc phần trên và màu đỏ phần dưới”. Sau đó, giới chức đưa thêm quy định màu để phân biệt taxi theo vùng. Hong Kong quy định taxi tại Tân Giới sơn màu xanh lá cây vào năm 1976 và taxi tại đảo Lantau sơn màu xanh da trời vào năm 1983.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận