Hầm chui dân sinh số 3 kết nối với đường gom đại lộ Thăng Long bị ngập sâu sau trận mưa ngày 21/7 - Ảnh: Khánh Linh |
Kết nối hệ thống thoát nước đường gom với hệ thống khung
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính khiến đường gom đại lộ Thăng Long trở thành điểm ngập nặng nhất Thủ đô là do hệ thống thoát nước trên tuyến đường này chưa được kết nối với hệ thống khung. Hệ hống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ với đường.
Cụ thể, theo TS. Nghiêm, ở một số hầm chui có cống, nhưng không có nhiều tác dụng thoát nước. “Vị trí miệng cống không nằm ở nơi thấp nhất của nền đường. Có thể khẳng định, rãnh thoát nước có lưu lượng thấp hơn so với thực tế. Điều này không phải lỗi ở công nghệ mà là lỗi kỹ thuật tính toán. Đường bê tông để ngập nước, sau đó các phương tiện vẫn lưu thông sẽ làm cho đường nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến nền đất của đường cao tốc bên trên. Vì thế, việc khắc phục nhanh chóng tình trạng ngập nước cần phải được làm ngay để bảo đảm an toàn cho đại lộ này”, TS. Nghiêm nói.
"Không đánh giá nghiêm túc để tiếp tục thực hiện việc san lấp hai bên tuyến đại lộ Thăng Long để xây dựng các khu đô thị, về sau quy hoạch càng rối, sửa chữa sẽ rất khó. TP Hà Nội cần tham khảo ý kiến của Bộ GTVT và Bộ Xây dựng là hai bộ quản lý chuyên ngành về vấn đề này." TS. Nguyễn Ngọc Long |
TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cũng chia sẻ, khi hình thành các khu công nghiệp và đô thị phải bảo đảm hệ thống thoát nước. Việc bắc nền để ngăn chặn hệ thống thoát nước lại sẽ gây ứ và ngập.
“Đại lộ Thăng Long khi thiết kế đã xét theo quy hoạch tương lai 2 bên sẽ hình thành các khu công nghiệp và đô thị (tức là sẽ được san lấp hết). Hiện tại đã san lấp gì đâu, thế mà vẫn ngập. Do đó, phải xem lại việc san nền ở phía sau”, TS. Long phân tích.
Cũng theo TS. Long, về mặt nguyên tắc đã xét đến việc san nền để hình thành các khu công nghiệp và đô thị khi hình thành trên tuyến đường đó. Cho nên khẩu độ thoát nước, cống chui dân sinh... đều có cả rồi. Phải rà soát ngay sự kết hợp trong việc thực hiện quy hoạch san nền làm các khu công nghiệp và đô thị ở phía trước và phía sau tuyến đường xem đã phù hợp với bố trí thoát nước chưa. Nếu chưa phù hợp, đương nhiên phải có đường dẫn để nước thoát.
TS. Long dẫn chứng, trước đây đại lộ Thăng Long hai bên là đồng ruộng nên thoát nước ngang qua các cửa thoát nước cống hay cầu. Còn thoát nước ở trên đường chảy luôn xuống ruộng (thoát nước tự nhiên). Giờ khi đắp nền nên hình thành các khu đô thị, trong nội bộ các khu vực san đắp nền phải có hệ thống thoát nước riêng.
“Dọc theo tuyến đường không còn ruộng để nước thoát nước tự nhiên nữa, 100% người làm đô thị phải thiết kế rãnh thoát nước dọc tùy theo lượng nước để tích tụ về hệ thống dọc đó. Làm như vậy, nước có chỗ chảy vào và chảy ra những cửa thoát nước thì không bị ngăn lại, nước thoát đi không bao giờ có hiện tượng ngập úng. Nếu không giải quyết tốt vấn đề đó, ngập úng là đương nhiên”, TS. Long khẳng định.
Có nên nâng cao độ đường gom?
Liên quan đến vấn đề cốt và cao độ của đường gom và các khu đô thị trên tuyến đường không phù hợp, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng phải kiểm tra cao độ tổng thể. Vừa qua, Hà Nội chưa giám sát kỹ chủ đầu tư trong việc thực hiện cốt nền.
“Phải rà soát lại tổng thể, không phải thấy đường gom thấp là nâng lên, bởi khi đó nước sẽ dồn sang 2 bên ngay”, TS. Nghiêm nói và cho rằng, vấn đề cần đặt ra là phải để nước thoát ra hệ thống khung với đường ngầm ở dưới đại lộ Thăng Long.
Cũng theo TS. Nghiêm, nếu chủ đầu tư tuyến đường và các khu đô thị dọc tuyến làm sai phương án được phê duyệt, chủ đầu tư phải điều chỉnh. Nếu dự án nào cũng sai so với cốt cao độ chung, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý TP Hà Nội. “Hà Nội đi kiểm tra và đối chiếu với thực tiễn dự án được phê duyệt sẽ tìm ra nguyên nhân và cách xử lý phù hợp”, TS. Nghiêm nói.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Long cho rằng, Hà Nội cần kiểm tra nghiêm túc để đánh giá lại nguyên nhân ngập úng trên đại lộ Thăng Long. Công tác kiểm tra rất quan trọng để đánh giá đúng nguyên nhân có phải do sự phối kết hợp giữa quy hoạch san lấp nền với thiết kế ban đầu của tuyến đường chưa hợp ký hay không. Nếu điều này đúng, các khu vực chưa san nền trong tương lai sẽ phải rút ra bài học và không lặp lại điều này để đỡ tốn kém.
Còn TS. Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng: Đường gom đại lộ Thăng Long cần phải được khảo sát lại xem vùng thoát lũ (đặc biệt từ đoạn đê tả sông Đáy đi lên đến Láng - Hòa Lạc) xem cao độ hiện tại vào mùa mưa có đáp ứng được không.
Vấn đề đặt ra là vị trí hiện đang ngập úng phải bố trí hệ thống thoát nước mặt vào vị trí phù hợp. Hiện, quanh khu vực đại lộ Thăng Long, hệ thống sông, hồ không có nên thoát nước từ cống không biết sẽ dẫn về đâu. Hơn nữa, cao độ ở đây thấp nhất, nước không biết dẫn đi đâu nữa, hạ thấp sẽ rất khó. Các khu đô thị không tuân theo quy hoạch thì phải rà soát lại, nhất là hệ thống thoát nước và hành lang chỉ giới về xây dựng để dành quỹ đất làm thoát nước. Đây là giải pháp lâu dài.
Còn trước mắt những điểm ngập úng phải bố trí lực lượng ứng trực, bơm hút nước mỗi khi mưa ngập. “Hà Nội nên tổng kiểm soát trên tuyến đường để xem sai từ khâu nào và có cách xử lý hiệu quả nhất. Không thể nhìn chỗ đường này thấp sẽ nâng lên. Như vậy, ngập sẽ lan sang chỗ khác...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận