Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
Việc này có khả thi và cách nào để hiện thực hóa?
Bán không được, muốn dùng không xong
Tại Việt Nam, chưa có đủ hành lang pháp lý để phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (Trong ảnh: Hệ thống pin năng lượng mặt trời trên nóc một xưởng sản xuất). Ảnh: EVN
Thực tế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua đã diễn ra ồ ạt. Tuy nhiên, việc đầu tư điện mặt trời mái nhà được triển khai là do nhà đầu tư có thể bán điện lên lưới điện quốc gia.
Tính đến cuối năm 2020, có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296MWp.
Mặc dù vậy, cũng vào cuối năm 2020, Quyết định 13 về cơ chế ưu đãi giá cho phát triển điện mặt trời hết hiệu lực. Từ đó, số phận của các dự án điện mặt trời mái nhà cũng phải “treo cờ” chờ cơ chế.
Vừa qua, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đặt mục tiêu không giới hạn công suất cho nguồn điện này với mục đích tự sản, tự tiêu.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đặt ra là ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW.
Với mục đích tự sản tự tiêu, việc sản xuất điện mặt trời mái nhà sẽ rất khác so với trước đây, khi mà các công trình được lắp đặt chủ yếu để bán điện và thu tiền với nhiều ưu đãi.
Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là nếu nhà dân, công sở sản xuất điện mặt trời mái nhà với phương thức tự sản, tự tiêu, các cơ chế chính sách sẽ thế nào?
Bởi như trường hợp của ông Luyện Văn Hoạt, một hộ dân ở Bình Dương, gia đình ông mong muốn được tự tiêu dùng phần điện sản xuất ra, nếu thừa thì bán cho hàng xóm.
Ông Hoạt cho biết, ông đã đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cho trang trại gần 2 năm nay. Tuy nhiên, không những không bán được điện mà muốn dùng cũng không được vì điện lực địa phương nói “chưa có hướng dẫn lắp công tơ”.
Không bắt buộc, khuyến khích tự nguyện
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, ngoài lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu còn giúp giảm phát thải.
Doanh nghiệp cam kết sử dụng 100% sản lượng thì sẽ được lắp đặt, không giới hạn công suất.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo của EVN, đơn vị này đã kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển nguồn điện tự sản tự tiêu, không phát lên lưới điện. Đây cũng là một trong những nội dung phù hợp Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt.
Về câu hỏi cách nào hiện thực mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà như Quy hoạch Điện VIII đặt ra, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết, đây là việc tự nguyện, không bắt buộc. Tuy nhiên, có thể sẽ có “mệnh lệnh hành chính”.
Theo chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có lợi cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Hiện giá điện bình quân sau khi tăng thêm 3% là 1.920 đồng/kWh, trong khi giá bình quân khu vực sản xuất công nghiệp khoảng 1.800/kWh. Tỷ trọng khu vực dân cư 35%, sản xuất 55%.
“Như vậy khu vực dân cư đang gánh giá điện cho điện sản xuất. Nếu các doanh nghiệp tự lo được một phần năng lượng nhờ lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ giúp họ chủ động và tiết kiệm chi phí sử dụng điện. Người dân không phải gánh bù chéo cho giá điện sản xuất”, ông Tiến nói.
Theo chuyên gia này, lợi kép của doanh nghiệp là họ còn có được chứng chỉ xanh từ mô hình này - điều kiện tiên quyết cho xuất khẩu trong tương lai.
Do đó, theo ông Tiến, cơ quan quản lý nên sớm có định hướng và tạo một hành lang pháp lý để người sử dụng điện được quyền tiếp cận phát triển và sử dụng điện năng lượng tái tạo.
Đơn giản nếu muốn lắp điện tự dùng
Vừa qua, các nhà đầu tư điện mặt trời ở phía Nam đã đồng loạt kêu cứu, do nhiều công ty điện lực địa phương đã không thanh toán tiền điện cho họ do chưa đủ hồ sơ hậu kiểm.
Các nhà đầu tư cho biết, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) ngừng thanh toán từ ngày 1/4/2023 và sau ngày 30/6/2023 nếu “các tài liệu còn thiếu” không được bổ sung đúng thời hạn thì họ sẽ bị tạm ngưng các hợp đồng mua bán điện. Tình trạng này cũng đã diễn ra từ năm 2021 ở một số địa phương khác.
Theo các nhà đầu tư, trong năm qua, các vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ xây dựng và bảo vệ môi trường là thách thức rất lớn đối với họ.
Về hồ sơ phòng cháy chữa cháy, không có sự đồng nhất giữa các tỉnh về yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến việc giải quyết bị kéo dài. Còn về hồ sơ xây dựng, khung pháp lý chưa rõ ràng, mỗi tỉnh lại có cách tiếp cận khác biệt, dẫn đến hồ sơ bị đình trệ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, với những dự án đã nối lưới rồi thì bắt buộc phải có hồ sơ xây dựng, hồ sơ phòng cháy chữa cháy theo quy định. Còn trường hợp muốn lắp tự dùng, không phát điện lên lưới thì chỉ cần không lắp hệ thống phát ngược lên lưới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận