Giá dầu còn tăng mạnh
Đó là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại Hội nghị “Đánh giá thị trường xăng dầu đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ đến hết năm 2022” do Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổ chức sáng nay 14/4.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, trong quý I/2022, giá hợp đồng dầu thô Brent trên Sở giao dịch liên lục địa (ICE) đã có thời điểm tăng lên sát mức 140 USD/thùng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, do lo ngại về nguồn cung sau các bất ổn về địa chính trị.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Đến nay, dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn giao dịch ở quanh vùng giá 100 USD/thùng, là vùng giá cao nhất trong gần một thập kỷ.
Những ngày đầu tháng 4, thị trường dầu đã chứng kiến những phiên giao dịch lên xuống thất thường với biên độ rộng của giá dầu, do đó, ông Phạm Quang Anh khẳng định, đây là dấu hiệu cho thấy thị trường ngày càng trở nên khó dự báo hơn.
Thực tế, thị trường đang chịu những áp lực giảm giá từ việc Mỹ nỗ lực hạ nhiệt giá dầu, giảm lạm phát, bằng cách giải phóng kho dầu dự trữ.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn đang là biến số. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “zero Covid”. Nếu có biến chủng mới, lây lan, sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng dầu.
Mặt khác, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất trước tình trạng lạm phát, gây sức ép lên giá dầu...
Ngược lại, nhiều dấu hiệu cũng đang hỗ trợ giá tăng. Đó là việc đàm phán Nga - Ukraine đang bế tắc. EU và Mỹ vẫn xem xét khả năng cấm nhập khẩu dầu từ Nga; Sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 7/2022.
Đáng chú ý, sản lượng của OPEC tăng rất chậm. 10 nước tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng chỉ tăng 79,000 thùng/ngày trong tháng 3/2022, so với hạn ngạch tăng 253,000 thùng/ngày.
“Giá tăng, OPEC lợi nhuận tăng cao nhờ xuất khẩu dầu thô thì không có lý gì họ tìm mọi cách kìm giá”, ông Phạm Quang Anh bày tỏ và cho rằng, đó cũng là điểm mấu chốt khiến giá còn biến động theo đà tăng trong thời gian tới.
Bảo hiểm giá: Cần nhưng thiếu khuôn khổ pháp lý
Trước thực tế đó, theo ông Quang Anh, cần có các công cụ để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khi giá diễn biến bất lợi cho doanh nghiệp (DN) trong nước, nhưng không giới hạn lợi nhuận.
Cụ thể, các DN có thể sử dụng công cụ bảo hiểm giá như: Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá.
“Hợp đồng quyền chọn là công cụ rất mạnh khi sử dụng để bảo hiểm giá. Có các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán. Người mua là các DN kinh doanh xăng dầu sẽ phải bỏ ra một chi phí cố định để thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng xăng dầu nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn.
Ví dụ, DN A thực hiện quyền mua 10.000 thùng dầu thô giá 100 USD/thùng vào ngày 14/4 tại DN C, giao trong tháng 8. Nhưng khi giá giảm còn 80 USD/thùng, DN này không thực hiện quyền mua của người bán C nữa, mà chuyển qua mua ở một đối tác khác với giá 80 USD/thùng. Lúc này DN A chỉ chịu rủi ro là chi phí quyền chọn”, theo ông Quang Anh.
Trên thế giới, hiện nay, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, DN xăng dầu quốc tế. Ông Mike Wittner, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Dầu toàn cầu của Sở ICE cho biết, có khoảng 60% lượng vị thế mở trên thị trường đến từ nhóm kinh doanh hàng vật chất, nghĩa là các công ty khai thác, chế biến, thương mại xăng dầu trên toàn thế giới.
“Đối với các sản phẩm tinh chế, giá xăng Singapore là giá tham chiếu đối với thị trường châu Á, và có diễn biến tương đồng với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh trên Sở ICE, nên hoàn toàn có thể bảo hiểm giá thông qua Sở giao dịch hàng hóa tập trung như Sở ICE và MXV”, ông Mike Wittner nhận định.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Dù công cụ bảo hiểm giá sẽ giúp DN kinh doanh xăng dầu thoát khỏi tình trạng “càng bán càng lỗ” khi giá vốn mua vào luôn cao hơn giá bán lẻ hiện hành ở thời điểm giá biến động mạnh, do kỳ điều hành trong nước trễ 10 ngày so với giá thế giới, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Bùi Ngọc Bảo lưu ý: Ở Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về vấn đề này, dù đã được nhắc đến trong Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhưng không quy định rõ phải làm như thế nào.
“Hiện ở nước ta chưa hình thành một quy định thống nhất. Đối với DN, những chi phí thế này đang hạch toán vào đầu tư tài chính. Trong khi, bảo hiểm giá lại chính là một phần trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Do đó, chưa tách bạch đâu là kinh doanh xăng dầu, đâu là đầu tư tài chính. Dẫn đến việc, nếu DN lạm dụng quá trở thành động cơ đánh bạc. Đây là một nghiệp vụ cao cấp!", ông Bảo nói và nhấn mạnh, để DN ứng dụng được thì Bộ Tài chính, cơ quan thuế phải tách bạch được đâu là phòng vệ giá, đâu là hoạt động đầu tư của DN. Việc này cần thiết phải có quy định và đưa vào Luật để thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận