Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi tọa đàm |
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ GTVT và một số địa phương đã thực hiện chương trình xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đổi mới, hiện đại hóa các bến xe, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Tuy nhiên, thời gian qua, với sự tham gia của một số doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh bến xe khách liên tỉnh, sự chuyển biến trong mô hình hoạt động, chất lượng phục vụ khách chưa rõ nét, thậm chí một số bến xe tư nhân bị cạnh tranh gay gắt bởi nạn bến cóc, xe dù.
Một số bến xe tư nhân khác lại gặp khó do cơ chế quản lý còn nhiều vướng mắc. Vừa qua, Báo Giao thông cũng đã có hàng loạt tuyến bài về vấn đề này với những ghi nhận từ thực tế và ý kiến tranh luận từ nhiều phía.
Để tạo diễn đàn trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp về các bất cập và hướng giải quyết thực trạng này, Báo Giao thông tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến trên báo điện tử với chủ đề “Cách nào hiện đại hóa bến xe? ” vào 8h30" ngày 1/4/2015.
Các bến xe công luôn đông đúc nhất là vào các dịp lễ, Tết (Bến xe miền Đông dịp Tết Nguyên Đán). Ảnh: Lã Anh |
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT; Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Ông Trần Ngọc Bảo - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT; Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải; Ông Đỗ Thái Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp; Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ; Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình; Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm; Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên; Ông Lê Viết Hoàng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng; Ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội; Ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh); Ông Trần Văn Phương - Phó tổng giám đốc Công ty CP Bến xe miền Tây; Ông Trương Ngọc Thu - Phó tổng giám đốc Công ty CP vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang.
Bà Nguyễn Hồng Nga - Phó Tổng biên tập Báo Giao thông dẫn chương trình buổi tọa đàm đã đặt câu hỏi đầu tiên cho Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.
Thực tế hiện nay còn nhiều bến xe chất lượng chưa tốt, hoặc có bến đẹp thì lại không có khách, người dân vẫn có thói quen ra đường vẫy xe mà không vào bến, xin Thứ trưởng cho biết, Bộ GTVT đặt mục tiêu gì cho việc chấn chỉnh hoạt động của các bến xe trong thời gian tới đây?
|
Phải khẳng định, bến xe là một công trình kết cấu hạ tầng đã được qui định trong Luật GTĐB. Trên địa bàn 63 tỉnh, thành đến nay đã hình thành hết các hệ thống bến xe khá đồng bộ. Hiện cả nước có 478 bến xe, trong đó trên 300 bến tiêu chuẩn từ loại 4 trở lên. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, không sử dụng nguồn lực Nhà nước, hiện đã có 213 bến xe được cổ phần hoặc đầu tư bằng vốn tư nhân. Những năm gần đây, Bộ GTVT đã đi đầu trong việc huy động nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có bến xe để phục vụ cho nhân dân đi lại thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Đối với mảng vận tải hành khách, trong đó có tuyến cố định, du lịch, xe buýt, taxi… bến xe có vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu được cho các loại hình vận tải này. Vì thế, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và để thu hút nguồn lực, bến xe cần phải được xây dựng hiện đại, văn minh. Đây là điều kiện không thể thiếu để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Vì thế, dịch vụ ở bến xe phải đạt được tiêu chuẩn chất lượng cao.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều bến xe chưa đạt được điều này. Những bến xe xã hội hóa được đầu tư tốt hơn nên chất lượng cũng tốt hơn so với các mô hình cũ là các Ban quản lý và các phòng quản lý. Trong đó, đặc biệt là nhiều bến xe ở vùng sâu vùng xa, chất lượng rất kém, chưa thể so sánh với những bến xe đã được xã hội hóa.
Vì thế, xã hội hóa bến xe trong thời gian tới cần được ưu tiên thực hiện. Năm 2014, Bộ GTVT đã tổ chức riêng một hội thảo về vấn đề này ở Đà Nẵng để phân tích tồn tại, tìm nguyên nhân, vướng mắc trong tổ chức quản lý, để từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý để xã hội hóa mạnh hơn.
Vừa qua, sơ kết gần 1 năm thực hiện chủ trương lớn này cho thấy, các nhà đầu tư đã có sự quan tâm lớn. Hiện một số bến xe có quy mô nhỏ nhưng có điều kiện đầu tư, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chẳng hạn như bến xe Trung tâm Lào Cai đã được Công ty Hà Sơn đầu tư tới 140 tỷ đồng để hiện địa hóa. Hay bến xe Đà Nẵng cũng vậy. Ở Hà Nội, bến xe Nước Ngầm nhìn vào cũng đã thấy khác với bến xe Mỹ Đình. Bến Nước Ngầm dù lưu lượng chưa lớn, nhưng khâu tổ chức tốt hơn rất nhiều. Bến xe Cần Thơ cũng được tổ chức tốt.
Bến xe Trung tâm Lào Cai có 22 phòng bán vé, gần 300 ghế cho khách chờ và các hạng mục chức năng riêng biệt |
Khi có một cơ chế chính sách đúng, chắc chắn sẽ thu hút được nhà đầu tư. Thực tế, họ cũng rất muốn đầu tư vào.
Tuy nhiên, hiện có một số tồn tại, vướng mắc khi triển khai thực hiện chủ trương này. Bến xe chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng để bảo đảm hiệu quả khai thác và hoàn vốn, nhà nước cần có sự hỗ trợ hoặc đầu tư cho những bến xe này. Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành một bộ cơ chế chính sách chung để các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư xã hội hóa bến xe. Hiện, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ, lấy ý kiến các Bộ, ngành trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ chế tối đa để thu hút nhà đầu tư.
Đối với hệ thống bến xe, để đưa vào quản lý khai thác hiệu quả, theo phân cấp đã giao cho các tỉnh, thành phố qui hoạch hệ thống bến xe của mình sao phù hợp với thực tế địa phương. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại vẫn thấy có những việc chưa phù hợp. Do đó, đề nghị các địa phương sớm nghiên cứu để điều chỉnh.
Đối với công tác quản lý nhà nước, quan trọng nhất là quy hoạch. Nếu qui hoạch tốt, sẽ thu hút được. Thời gian vừa qua vẫn có nhiều tồn tại trong quy hoạch. Quy hoạch của nhiều địa phương quy hoạch theo nhiệm kỳ, quy hoạch cứ 5 - 10 năm lại thay đổi một lần, khiến nhà đầu tư không yên tâm. Vì thế, lần này cần có sự ổn định quy hoạch ít nhất là 10 năm, có tầm nhìn 20 năm.
Về hệ thống các văn bản QPPL, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển, cần xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể áp dụng cho các bến xe. Các địa phương nên có những cơ chế riêng để kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư. Bởi ở đô thị loại 1 khác, vùng sâu vùng xa phải khác. Tất cả kết hợp với cơ chế chung của TW mới đảm bảo.
Vừa qua, qua kiểm tra các bến xe cho thấy, các bến xe được quản lý, đầu tư từ nguồn lực nhà nước chất lượng rất thấp. Tới đây cần nghiên cứu đưa công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, bởi xưa nay việc quản lý thủ công quá nhiều. Công tác quản lý, giám sát xe vào, xe ra, cần hạn chế tối đa tác động con người để tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu.
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo quyết liệt vấn đề này để xây dựng các bến xe đồng bộ, hiện đại. Thành phố nào văn minh hay nhếch nhác, thể hiện ngay ở bến xe. Bến xe là yếu tố không thể thiếu được trong việc kết nối các phương thức vận tải. Đã đến lúc trên cơ sở quy hoạch cần tính toán hợp lý luồng tuyến sao cho phù hợp, tránh để dư luận cho rằng có tiêu cực, không minh bạch.
Việc chấp thuận luồng tuyến, phân bổ như thế nào cho phù hợp. Hiện một số bến xe quá tải nhưng một số bến lại không có xe vào. Trong khi quản lý nhà nước điều tiết được sao không làm. Đây là bất cập lớn. Chúng ta cần tính toán sao cho hài hòa. Tôi tin rằng, việc quản lý các tuyến vận tải phù hợp và tổ chức bến xe hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường vận tải lành mạnh, tốt lên.
Nhiều tuyến xe ngày thường vắng khách nhưng tăng đột biến những dịp lễ, Tết. Ảnh: Hoàng Nam |
Xin được hỏi Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, bến xe đã gặp những khó khăn gì để nâng cao chất lượng dịch vụ theo yêu cầu của Bộ GTVT và của UBND TP. Hà Nội?
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình:
|
Để đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn, chúng tôi vừa được UBND TP. Hà Nội tạo điều kiện mở rộng cơ sở hạ tầng. Khi mở rộng cơ sở hạ tầng, chúng tôi thấy khó khăn nhất là làm sao vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo người dân đi lại thuận tiện.
Chúng tôi đã mở rộng, phân khu đón/trả khách, chờ tài riêng biệt, đảm bảo quy hoạch, sắp xếp lại các vị trí đỗ xe. Các tuyến có tần suất cao thì thường được sắp xếp gần quảng trường để dân đi lại thuận tiện. Trong khi nâng cấp hiện đại hóa bến xe, Bến xe Mỹ Đình cũng tiến hành lắp đặt hệ thống camera chụp chiếu ở luồng xe vào và xe ra, có hệ thống quản lý.
Vậy kinh phí đầu tư cho việc mở rộng bến xe là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Anh Toàn: Hai năm qua, tổng số vốn đầu tư cho việc mở rộng bến xe Mỹ Đình của TP. Hà Nội đầu tư cho là hơn 50 tỷ đồng, tổng số vốn của Công ty cổ phần bến xe là hơn 6 tỷ đồng.
Xin hỏi ông, hơn 2 năm qua, đã có khi nào Bến xe Mỹ Đình quá tải chưa?
Ông Nguyễn Anh Toàn: Trước đây thì có tình trạng ùn tắc, nhưng từ khi mở rộng thì tình trạng này không còn nữa. Quá tải chỉ xảy ra cục bộ vào ngày lễ Tết, còn bình thường bến xe vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Xin Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, trong 2 năm gần đây có khi nào bến xe Nước Ngầm rơi vào tình trạng quá tải chưa?
Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm:
Bến xe Nước Ngầm là một bến xe xã hội hóa. Trong 243 bến xe xã hội hóa thì chúng tôi thấy chúng tôi chỉ là một con số rất nhỏ.
Được thành lập từ năm 2005, nhưng từ đó cho đến nay chưa bao giờ có chuyện quá tải ở bến xe Nước Ngầm, chúng tôi chỉ luôn đạt từ 1/2-1/3 công suất so với thực tế.
Ông có thể cho biết đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đầu tư vào bến xe này?
Ông Nguyễn Văn Lập: Tổng cộng chi phí đầu tư là khoảng hơn 80 tỷ đồng.
Khu vực bến, phòng chờ của Bến xe Nước Ngầm được bố trí thoáng, thuận tiện và luôn được quét dọn sạch sẽ. Ảnh: Khánh Linh |
Vậy theo kế hoạch tính toán của Công ty thì đến bao giờ có thể thu hồi vốn và có lãi?
Ông Nguyễn Văn Lập: Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi xây dựng bến xe theo định
|
hướng của Hà Nội, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề luồng tuyến. Bản chất bến xe Nước Ngầm ra đời nhằm giảm tải cho bến xe phía Nam (bến xe Giáp Bát).
Năm 2003, TP. Hà Nội đã có quy hoạch về luồng tuyến, theo đó bến xe phía Nam đón khách từ QL1, như vậy, căn cứ vào đó, bến xe Nước Ngầm sẽ đón 2 luồng khách, 1 luồng khách bổ sung từ bến xe Giáp Bát, 1 luồng khách từ hướng QL1 và QL1 mới. Hiện nay, chúng tôi đang gặp khó khăn về vấn đề này.
Chúng tôi cho rằng, đối với 1 bến xe phải xác định số lượng xe ra vào bến, từ đó mới tính toán được hiệu quả đầu tư.
Quy hoạch về luồng tuyến Hà Nội đã có từ 2003, đến giờ mới chuyển sang cho Bộ GTVT theo Thông tư 63. Chúng tôi kỳ vọng vào quyết định 165 của Hà Nội và văn bản 4023 của Sở GTCC, quy định rất rõ tuyến vận tải khách vào bến xe của Hà Nội. Nhưng rất tiếc, kỳ vọng của chúng tôi chưa được thực hiện, nhất là khi Tổng cục Đường bộ thực hiện cắt tuyến từ xe Hà Tĩnh, Nghệ An đang chạy từ bến xe Nước Ngầm sang bến xe Mỹ Đình. Chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà Sở GTVT lại điều chuyển các xe đang chạy tuyến Hà Tĩnh - Nghệ An từ bến xe Nước Ngầm sang bến xe Mỹ Đình, trong khi đó chưa hề công bố tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An ở bến xe Mỹ Đình. Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.
Chúng tôi hy vọng vào sự minh bạch khi quy hoạch luồng tuyến, bởi đây là điều cốt yếu để các doanh nghiệp xã hội hoá vào bến xe cân nhắc, tính toán khi đầu tư. Như bến xe Nước Ngầm, khi đầu tư quy hoạch luồng tuyến khác, nhưng sau 4 tháng đầu tư, luồng tuyến thay đổi, khiến doanh nghiệp xã hội hóa đang rất khó khăn. Kinh nghiệm của 1 doanh nghiệp đầu tư xã hội hoá bến xe cho thấy, nếu không có quy hoạch luồng tuyến từ trước, sẽ cầm chắc thất bại.
Hiện khó khăn lớn nhất của bến xe Nước Ngầm là ít xe, mà sự khó khăn đó là do cơ quan quản lý điều tiết không phù hợp. Chúng tôi khó khăn từ gần 10 năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới khó khăn.
Sở GTVT giải thích là phải chờ quy hoạch của Bộ GTVT, nhưng tôi nghĩ không phải chờ, vì quy hoạch của thành phố có từ rất lâu rồi.
Một câu hỏi khác được dành cho lãnh đạo Sở GTVT. Thưa ông, Sở GTVT Hà Nội căn cứ vào đâu để phân bổ luồng tuyến cho các bến trong thời gian qua và Sở có giải pháp gì tháo gỡ cho tình trạng vắng xe vào bến hiện nay của bến xe Nước Ngầm, cho khó khăn của nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:
Chủ trương xã hội hóa bến xe ở Hà Nội đã được thực hiện từ 2004, 2005 khi thực hiện xã hội hóa hai bến xe
|
Lương Yên và Nước Ngầm. Việc làm này góp phần giải quyết được vấn đề tức thời khi ở những khu vực này nhu cầu đi lại của người dân đang tăng cao. Trong khi bến xe Giáp Bát có dấu hiệu phương tiện tăng gây ùn tắc. Vì thế, Sở GTVT đã đề xuất cho phép bến xe Nước Ngầm đi vào hoạt động giải pháp để giải quyết khó khăn.
Năm 2003 chưa hề có quy hoạch nào về luồng tuyến nào được HN thông qua, lỗi do không tham mưu cho thành phố. Tuy nhiên hàng năm đều có quy hoạch định hướng trước nhu cầu đi lại của người dân. Trên thực tế, quy hoạch luồng tuyến ở Hà Nội còn khó khăn vì quỹ đất cho bến xe còn ít nên quy hoạch bến bãi đang được thực hiện đều bị thay đổi vì nhiều lý do.
Với tư cách là người trực tiếp quản lý lĩnh vực vận tải của Sở GTVT Hà Nội, cá nhân ông có chia sẻ gì với khó khăn của nhà đầu tư bến xe xã hội hóa?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Thời điểm hai Bến xe Nước ngầm và Lương Yên xã hội hóa chất lượng khác hẳn các bến xe nhà nước. Động lực để các bến xe nhà nước phấn đấu, điển hình bến xe Mỹ Đình đã thay đổi, được đầu tư và chất lượng tốt.
Về vấn đề Bến xe Nước Ngầm, chúng tôi không chỉ quản lý bến xe mà còn phải giải quyết vấn đề trật tự. Thực tế, bến xe Nước Ngầm tốt như vậy nhưng tại sao người dân lại đón xe ngoài đường. Rõ ràng, bến xe chưa đáp được nhu cầu dẫn đến phát sinh bến cóc. Có nhiều xe không vào bến chỉ đăng ký trong bến và ra ngoài chạy dù.
Vì thế, vấn đề quy hoạch phải dựa trên nhu cầu đi của người dân chứ không phải theo hướng đông tây nam bắc, làm sao để đảm bảo chi phí đi lại thấp nhất cho người dân.
Về vấn đề này, phía bến xe Nước Ngầm có ý kiến gì không?
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm: Theo tôi được biết, văn bản tôi cho là quy hoạch tuyến của Hà Nội chính là quyết định 165, quy định rõ, bến xe Tây Bắc (Đông Anh) đón khách ở QL3 và QL2, bến xe Giáp Bát đón khách ở QL 1 mới và cũ, bến xe Hà Đông đón khách ở bến xe Hà Đông cũ và bến xe Thanh Xuân. Tôi quan niệm rằng như vậy là đã quy hoạch rất rõ tuyến vận tải khách.
Đồng chí Linh nói không kiểm soát chuyển xe từ bến xe Nước Ngầm về bến xe Mỹ Đình, nhưng chính đồng chí Linh lại ký văn bản điều chuyển xe đang chạy từ Nước Ngầm về Mỹ Đình, từ đó đến nay có rất nhiều xe từ Nước Ngầm về Mỹ Đình.
Hơn nữa, anh Linh nói ra văn bản vì bến xe Nước Ngầm quá tải, nhưng thực ra không hề có văn bản. Và thực tế, bến xe Nước Ngầm cũng chưa hề quá tải. Như vậy, chúng tôi yêu cầu cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn.
Không để Giám đốc Bến xe Nước Ngầm và Sở GTVT Hà Nội tranh luận quá sâu vào nội dung các văn bản điều tiết phân bổ luồng tuyến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu: Thời gian tới, Hà Nội cần có sự điều tiết các xe về các bến sao cho hợp lý. Đây là việc nằm trong thẩm quyền, hoàn toàn có thể làm được, tránh để dư luận nghi kỵ, cho rằng thế này thế kia. Khi quy hoạch được hoàn thành sẽ công khai, thậm chí đấu thầu luồng tuyến chứ không phải cấp phép, cho chạy thử như hiện nay. Có như thế, mới giải quyết được vấn đề. Cần làm sớm.
Hiện nay, chất lượng dịch vụ tại các bến xe đã được nâng lên đáng kể, tuy nhiên tình trạng bến cóc vẫn tồn tại tại nhiều địa phương. Xin Thứ trưởng cho biết, đâu là nguyên nhân và để khắc phục được tình trạng này cần giải pháp gì?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ:
Bộ GTVT đã chỉ đạo Sở GTVT khắc phục tồn tại lớn nhất hiện nay là quy hoạch luồng tuyến. Phải làm sao quy hoạch để có luồng tuyến phù hợp mới tháo gỡ khó khăn được cho các bến xe xã hội hóa. Nếu tháng 6/2015 hoàn thành công tác này và công bố rộng rãi được quy hoạch luồng tuyến sẽ là điều kiện, tiền đề rất tốt để các bến xe hoạt động hiệu quả.
Cùng đó, vấn đề kỷ cương trong công tác vận tải cũng cần siết lại. Nếu làm chặt, vấn nạn bến cóc, xe dù không thể tồn tại. Một bến xe với đầy đủ điều kiện, chất lượng tốt, mà các xe lại ra bến cóc chạy là điều không thể chấp nhận. Chúng ta phải tính toán phục vụ nhu cầu của người dân chứ không để người dân cứ đổ ra bến cóc bắt xe mãi được.
Lấy ví dụ tại Hà Nội trên đường vành đai 3, nếu không làm quyết liệt, tuyến đường này sẽ càng sinh ra nhiều bến cóc, xe dù. Tôi đề nghị anh Linh (Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội) chỉ đạo làm quyết liệt, để chấm dứt ngay tình trạng dừng đón trả khách trên đường Vành đai 3.
Ngoài Vành đai 3, ở Hà Nội cũng còn nhiều tuyến khác. Đây là do chúng ta quản lý không chặt. Khi một xe xuất bến từ một bến được quản lý chặt, chất lượng dịch vụ tốt, chắc chắn sẽ có một chuyến xe an toàn, chất lượng.
Chiếc xe giường nằm liên tỉnh thả khách ngay đầu đường trên cao (đường Vành đai 3, Hà Nội). Taxi và xe ôm lập tức tiếp cận mời chào khách gây ra cảnh tượng nhốn nháo. Mặc dù lực lượng CSGT tuần tra khá gắt gao tại khu vực này nhưng hễ vắng bóng là các lái xe lại chớp nhoáng "thành lập bến". Ảnh: Khánh Linh |
Ông Trần Minh Thành - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bến xe Nghệ An hỏi: Tại sao các bến xe tư nhân bỏ tiền ra đầu tư nhưng lại không được quyết việc đưa xe vào bến nên khó thu hồi vốn?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
|
Do đặc thù ở bến xe khác với các ngành nghề kinh doanh khác. Việc đầu tư xây dựng bến xe phải theo quy hoạch của Nhà nước vì quản lý hoạt động bến xe liên quan chặt chẽ tới việc đảm bảo ATGT.
Hiện có cơ chế Nhà nước kiểm soát một số khâu nhất định như quy hoạch, phân bổ và trao đổi thỏa thuận với các sở có liên quan, bến xe có liên quan để bố trí phương tiện vào bến cho hợp lý. Các khâu khác thuộc về dịch vụ như hoa hồng bán vé, đậu đỗ xe bến xe có toàn quyền quyết định.
Hiện nay, về cơ bản, chủ trương xã hội hóa đã được triển khai tốt, trên 50% bến xe đã được xã hội hóa, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quy chuẩn bến xe, nước, vệ sinh ánh sáng. Xu hướng chung xã hội hóa bến xe vẫn đang hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết ngay để hài hòa những đơn vị tham gia xã hội hóa và những đơn vị quản lý nhà nước.
Liên quan đến việc các nhà đầu tư bày tỏ lo lắng bỏ số tiền lớn đầu tư vào bến xe, nhưng đầu vào lại không được quyết định, luồng tuyến do các địa phương quyết định. Bà có ý kiến thế nào về điều này?
Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế:
|
Chủ trương xã hội hóa bến xe được Bộ GTVT quyết liệt triển khai, chúng tôi rất hoan nghênh các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù xã hội hóa vẫn cần sự quản lý, điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước dựa trên các quy hoạch luồng tuyến, bến xe.
Về giá dịch vụ tại bến xe, Luật Giao thông Đường bộ quy định UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức giá, khung giá.
Tuy nhiên, để ban hành được mức giá này, các tỉnh cũng dựa trên phương án giá do các bến xe xây dựng và trình lên.
Tiếp thu ý kiến của các đơn vị tại buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ trao đổi thêm với Bộ Tài chính theo hướng để UBND tỉnh quy định khung giá dịch vụ. Dựa trên khung giá, các bến xe có thể lựa chọn mức giá phù hợp.
(Hiện nay, theo quy định tại Luật Giao thông Đường bộ và tùy thuộc chính sách của từng địa phương, có địa phương ban hành mức giá cố định nhưng cũng có địa phương đã ban hành khung giá).
Bộ GTVT đang trình Chính phủ cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư vào bến xe, trong đó có những điểm mới như ổn định quy hoạch ít nhất 10 năm (tầm nhìn 20 năm), giảm thuế đất, giảm thuế VAT trong một thời gian nhất định... Tôi tin rằng nếu được Chính phủ phê duyệt sớm, cơ chế này sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xã hội hóa bến xe.
Các bến xe mong muốn được tự xây dựng giá, niêm yết công khai để các người dân, cơ quan ban ngành biết. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
Như đã nói ở trên, giá dịch vụ xe ra vào bến Nhà nước vẫn phải quản lý. Nhà nước đưa ra giá sàn theo từng loại bến xe (từ 1 đến 6). Loại bến càng cao, chất lượng tốt giá dịch vụ sẽ cao. Sở dĩ Nhà nước phải quản lý vấn đề giá là vì Nhà nước đang quản lý theo quy hoạch, không phải ai muốn đầu tư cũng đầu tư được.
Về vấn đề phân bổ tuyến, căn cứ theo quy hoạch khi cơ quan quản lý và nhà đầu tư thỏa thuận bố trí sắp xếp bến xe ở vị trí nào tức là họ đã có kế hoạch sắp xếp luồng tuyến vào bến cho phù hợp.
Liên quan đến việc bến xe Nước Ngầm được đầu tư rất hiện đại, nhưng lượng xe ít, trong khi đó nhiều bến khác tại Hà Nội lại quá tải, Thứ trưởng có ý kiến gì về điều này?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ:
Tôi rất chia sẻ với bến xe Nước Ngầm. Đây là vấn đề bất cập nhất của cơ quan quản lý tuyến. Nếu có quy hoạch luồng tuyến, trên cơ sở kết cấu hạ tầng trên cơ sở quy hoạch mạng lưới tuyến, mới thu hút được các nhà đầu tư. Điều quan trọng là quy hoạch mạng lưới bến xe, mạng lưới tuyến. Cùng với đó là cơ chế chính sách hợp lý thì việc xã hội hóa mới đạt được mục tiêu. Thiếu những quy hoạch trên là rào cản lớn.
Như bến xe Nước Ngầm, nếu có quy hoạch luồng tuyến, chắc chắn sẽ phải tính toán lại. Vì vậy cần phải công bố quy hoạch luồng tuyến càng sớm càng tốt.
Xin được hỏi ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, với thực trạng các bến xe hiện nay cùng với hoạt động vận tải rất sôi động, ông thấy các bến xe xã hội hóa có đáp ứng được nhu cầu vận tải hơn so với trước đây không? Nên tiến hành xã hội hóa thế nào cho phù hợp?
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
|
Khi tôi nhận được giấy mời và câu hỏi đặt ra thì tôi cũng suy nghĩ về vấn đề này. Ngày 28/3 vừa rồi, BCH Hiệp hội bến xe khách có họp ở Nghệ An và bàn về hoạt động của bến xe khách, nhưng có những ý kiến rất nóng bỏng xung quanh đề tài xã hội hóa bến xe. Trong hội nghị hôm đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chỉ có xã hội hóa bến xe, kêu gọi nhà đầu tư mới có thể hiện đại hóa bến xe, chứ Nhà nước làm gì có tiền. Nhà nước chỉ có thể quy hoạch mạng lưới bến xe, quy hoạch mạng lưới tuyến…
Bến xe nằm ở các tỉnh, nhưng hình như ở các tỉnh vẫn đang băn khoăn, giám đốc các bến xe cũng đang băn khoăn về việc bán cho đơn vị khác, nhỡ bán rồi, nay ở đây là cái bến xe, mai đã là siêu thị. Nhưng tôi nghĩ Nhà nước sẽ có cơ chế về việc này.
Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT trình Nhà nước và làm việc với các tỉnh về việc xã hội hóa bến xe để thúc đẩy việc hiện thực hoá chủ trương này. Cứ nói có 243 bến xe đã xã hội hoá, nhưng thực tế phần lớn vốn vẫn của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, các bến xe được xã hội hóa triệt để thì chất lượng cao hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn, còn các bến xe Nhà nước kém hơn rất nhiều.
Chỗ kêu gọi xã hội hoá, nhưng cần phải có cơ chế. Cơ quan nhà nước cần quan tâm, khuyến khích bến xe xã hội hoá để họ có điều kiện phát triển tốt. Bến xe Đà Nẵng, bến xe Gia Lai xã hội hoá rất tốt. Nếu bến xe xã hội hóa như thế mà cơ quan Nhà nước không tạo điều kiện thì sẽ rất khó khăn cho bến xe.
Bến xe hoành tráng nhất cả nước là bến xe Miền Đông, còn bến xe hiện đại nhất là bến xe Nam Buôn Mê Thuột. Cuối cùng vẫn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các bến xe và các doanh nghiệp vận tải. Đương nhiên chúng ta có bàn tay quản lý của Nhà nước thật nhưng cũng cần phải cân đối hài hòa.
Khu vực bán vé, phòng chờ của Bến xe Miền Đông |
Quy hoạch bến xe phải rất cụ thể, không thể là định hướng. Càng cụ thể, minh bạch càng tạo điều kiện thuận lợi cho bến xe xã hội hoá. Nếu không quản lý chặt chẽ thì rất dễ tạo cơ chế xin cho, chạy đi chạy lại, vì vậy cần công khai quy hoạch luồng tuyến.
Phải phấn đấu để các doanh nghiệp đăng ký vào tuyến, chứ không có chuyện xin xỏ ở đây. Quản lý không tốt, xe đi bến khác.
Ông Lê Viết Hoàng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng:
|
Về xã hội hóa (XHH) bến xe trong thời gian qua, Bộ GTVT đã có chủ trương đúng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng bến xe. Với Đà Nẵng, việc xã hội hóa được thực hiện theo phương thức duy trì cái cũ, tiếp tục cái mới chứ không phải xóa bỏ cái cũ.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng không XXH nửa vời, bởi như vậy sẽ không đem lại hiệu quả. Hiện nay có nhiều mô hình XHH quá. Theo tôi nhà nước chỉ đầu tư ban đầu, còn các DN phải chủ động. Thứ nữa, hiện nay hình thành nhiều mô hình XXH: Như doanh nghiệp sự nghiệp có thu, tài sản nhà nước đầu tư vào, DN dựa vào nhà nước, không có quyền quyết định. Những bến xe do nhà nước đầu tư ban đầu, bến xe miền Tây, miền Đông đầu tư hàng mấy chục năm rất khó chuyển biến thay đổi mạnh mẽ vì phải chờ tiền được cấp từ ngân sách. Khác với bến xe được XHH hoàn toàn, huy động vốn bên ngoài nên có quyền tự chủ, tự quyết.
Về quy hoạch bến xe, HĐND chấp nhận cho thuê đất 50 năm, cấp sổ đỏ, nhưng phải UBND phải duy trì để có thể đầu tư lâu dài. Hiện nay chúng tôi có những văn bản để đảm bảo cho đầu tư ổn định sản xuất kinh doanh.
Về quy hoạch hệ thống bến xe hiện nay còn mỗi tỉnh một kiểu. Hệ thống bến xe chưa đáp ứng được dung lượng. Đầu tư quy hoạch, theo tôi, ngoài Bộ GTVT cần có ý kiến của Chính phủ để làm thế nào bước ra khỏi bến xe là trung tâm thành phố, các khu mua sắm, dịch vụ. Việc đưa bến xe ra ngoài quá xa, khiến đi lại tốn kém, mới xảy ra xe dù bến cóc. Các bến xe chưa đảm bảo được tiện lợi đi lại cho người dân, chưa đảm bảo để có những quy hoạch hợp lý nhất.
Bến xe có thể xây 2,3 tầng để cho thuê, công suất giờ cao điểm có thể đầy xe. Tuy nhiên sử dụng diện tích bến xe không thể 24/24h mà có những giờ cao điểm nên cần sử dụng hợp lý.
Bên cạnh đó, vấn đề đầu vào của bến xe, giá mỗi tỉnh mỗi khác là lý do khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Rồi quản lý luồng tuyến, giờ xe xuất bến... tất tật Sở GTVT đều nắm, xe ra hay vào bến đều do Sở GTVT quyết định. Bến xe không thể chủ động.
Bến xe Miền Tây đã làm thế nào để nâng cao chất lượng dịch vụ. Một số hành khách phản ánh về việc đi vệ sinh ở bến xe phải trả tiền phí nhưng vẫn mất vệ sinh dơ bẩn, ý kiến của lãnh đạo bến xe thế nào?
Ông Trần Văn Phương - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Bến xe miền Tây:
|
Năm 2006, bến xe miền Tây là bến xe đầu tiên của Thành phố tiến hành cổ phần hóa. Từ đó lợi nhuận, thu nhập của người lao động tăng lên, năm sau cao hơn năm trước.
Bến đã đầu tư 45 tỷ đồng để hiện đại hóa khu vực để xe hành khách, khu vực mua vé, nhà chờ… với chủ trương không ngừng nâng cao dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hành khách.
Hiện nay bến xe miền Tây đang tiếp tục đầu tư các công trình đảm bảo theo tiêu chí đề ra. Cụ thể như diện tích cây xanh, thảm cỏ phải chiếm trên 50%. Tuy vậy khó khăn là diện tích của bến hiện rất nhỏ, chỉ có 5 ha, khó đạt tiêu chí, nhưng cũng cố gắng từng phần để nâng cao chất lượng bến xe.
Sắp tới chúng tôi cũng sẽ đầu tư thêm hệ thống nhà vệ sinh công cộng để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Tiến tới thí điểm không thu tiền vệ sinh của hành khách mà vẫn đảm bảo chất lượng, tiện ích.
Bến xe Miền Tây bảo đảm sự kết nối, liên thông của hệ thống giao thông công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh |
Chúng tôi có hệ thống camera quan sát, nếu tài xế nào đi vệ sinh bên ngoài mà không vào nhà vệ sinh thì sẽ bị phạt nặng. Vừa rồi áp dụng nên hiệu quả khá cao. Ở khu vực bến không còn mùi hôi.
Các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh |
Phương Trang có ý kiến gì để nâng cao chất lượng bến xe?
Ông Đặng Trọng Hiền - Giám đốc chất lượng của Công ty Phương Trang:
|
Theo tôi, việc xã hội hóa là cách tốt nhất mà chúng ta phải thực hiện để thiết để nâng cao chất lượng bến xe.
Phương Trang có một bến xe ở Đà Lạt được đầu tư gần 100 tỷ đồng. Với mục tiêu làm thế nào để phục vụ hành khách tốt nhất, bến xe Đà Lạt được đầu tư hệ thống nhà chờ hiện đại, có máy lạnh, nhà vệ sinh sạch sẽ, chỗ đậu xe rộng rãi, có mái xe…
Đặc biệt, chúng tôi thực hiện nghiêm phương châm “3 không”: không bán hàng rong, không có ăn xin, không có trộm cắp, mất trật tự…
Đây là những tiêu chí mà chúng tôi đặt ra và đang làm để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn.
Liên quan tới những kiến nghị của doanh nghiệp tại buổi tọa đàm, Vụ Vận tải có giải pháp cụ thể gì để góp phần thể hiện đại hóa bến xe?
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải:
|
Sau buổi tọa đàm, các ý kiến đều thống nhất để hiện đại hóa bến xe cần phải XHH. Tại buổi tọa đàm, một số doanh nghiệp đưa ra ý kiến, bày tỏ bức xúc trong công tác phân bổ đường tuyến. Hiện nay có hai quy hoạch, đó là quy hoạch bến xe do địa phương thực hiện và quy hoạch mạng lưới luồng tuyến do Bộ GTVT thực hiện.
Trong thời gian tới, Vụ Vận tải sẽ tham mưu để tổ chức một hội thảo riêng về vấn đề luồng tuyến của các tỉnh, đặc biệt là Hà Nội để tất cả các tỉnh thành phố đáp ứng hài hòa lợi ích của DN và nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên:
Tôi đồng tình với những định hướng của Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng như ý kiến của các đại biểu trong tọa đàm. Tuy nhiên cách đặt vấn đề của báo trong buổi tọa đàm hôm nay có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều ngành để đạt mục tiêu hiện đại hóa bến xe. Bộ GTVT đã có văn bản định hướng, điều chỉnh nhưng qua diễn đàn chúng tôi có thêm một số ý kiến để cơ quan Bộ nghiên cứu, bổ sung những cơ chế chính sách phù hợp. Theo tôi, có 3 vấn đề chính: quy hoạch, tiêu chuẩn hóa bến xe, cơ chế chính sách.
|
Về quy hoạch: Chủ trương của Bộ GTVT là XHH bến xe, tuy nhiên, có nhiều ý kiến xung quanh đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến hoạt động XHH bến xe. Dường như ứng xử của Nhà nước trong một chừng mực nào đó chưa thoả đáng. Cứ đầu tư một chút thì vài năm sau lại có sự thay đổi. Điện Biên đang nằm trong bối cảnh không có quy hoạch nên bến xe rất bé. Thậm chí bến xe còn phải vay mượn các chỉ tiêu để đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì “vay mượn” nên quy hoạch của công trình bến xe chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra: vị trí, diện tích mặt bằng… nên hiệu quả thực tế chưa cao. Bởi vậy, xung quanh có những điểm đỗ, hợp thức hoá bằng cách cho thuê để các xe đỗ tạm, đến giờ chạy thì vào bến. Theo tôi bến xe phải ở vị trí trung tâm, phục vụ cho nhu cầu đi lại của nhân dân. Tại sao lại đuổi các bến xe ra ngoài.
Có những tình huống bất khả kháng phải bố trí bến xe ra ngoài thì phải có những chính sách để hỗ trợ như xe cộ đi lại. Vấn đề trọng tâm của DN vận tải phải đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Giải pháp nối tiếp như taxi, xe buýt. Điện Biên là tỉnh miền núi không đáp ứng vì cách đường đô thị khoảng 5km. XHH là công trình, đầu mối hết sức cần thiết để kết nối các hoạt động, đáp ứng nhu cầu người dân. Xảy ra mâu thuẫn trong việc đầu tư bến xe. Nếu không có quy hoạch, chính sách để hỗ trợ vận chuyển khách từ trung tâm đến bến xe thì rất khó khăn. Mật độ mạng lưới bến xe vì không có quy hoạch nên vừa đầu tư một bến xe vài hôm sau lại tiếp tục có những bến xe nữa, gây khó khăn cho DN. Các bến xe chúng tôi đang tìm mọi cách để cùng nhau vượt qua khó khăn chứ không xảy ra mâu thuẫn gì. Thêm vào đó, tuổi thọ, thời hạn bến xe rất ngắn, đề nghị pháp quy phải từ 10 năm trở lên.
Về cơ chế chính sách: Do tính đặc thù của hoạt động bến xe vừa kinh doanh sinh lời vừa thực hiện hoạt động vận tải Nhà nước. Vì vậy, cần được hỗ trợ đầu tư những công trình vệ sinh, phòng chờ, dịch vụ… Hiện tại, các bến xe hầu như mới chỉ được đầu tư cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó lại thu thuế theo kiểu “cắt cổ” thì không thể nào phát triển được. Bến xe không như các dịch vụ khác, chỉ có mặt bằng để phục vụ xe, có những giờ đông, giờ vắng, diện tích mặt bằng không sử dụng hết 24/24h, nên cần có những chính sách ưu tiên về thuế để hỗ trợ phù hợp.
Dù là bến trung tâm, nhưng Bến xe tỉnh Điện Biên cũng chỉ có diện tích rất khiêm tốn. Ảnh: K.Linh |
Về mô hình của các bến xe: Theo tôi cần sớm có chỉ đạo quyết liệt thống nhất mô hình. Có đơn vị do Phòng Giao thông quản lý, có đơn vị sự nghiệp có thu… cần có văn bản điều chỉnh hợp lý để đảm bảo sự phát triển cho từng mô hình. Nhiều DN chần chừ trong cổ phần hoá và thoái vốn, chưa phát huy hết nguồn lực xã hội.
Chất lượng đội ngũ nhân viên trong các bến xe: hiện tại có nhiều bến xe đã kiện toàn, đưa thành tựu CNTT, đào tạo, phân bố, tuy nhiên trình độ các bến xe nói chung còn thấp nên cần kiện toàn.
Ngoài ra, cũng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho hành khách, trong đó có các kênh xã hội, báo chí…
Như vậy mới có thể đảm bảo xã hội hóa bến xe.
Ông Trần Minh Thành – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Nghệ An: Bến xe tư nhân bị bó cả "đầu vào" lẫn "đầu ra" Chủ trương xã hội hóa bến xe là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tiễn, tôi thấy vẫn còn khá điều bất cập. Khi đã xã hội hóa bến xe, tức là các nhà đầu tư bỏ nguồn lực tài chính đầu tư vào, thì bên cạnh việc đầu tư xây dựng quản lý vận hành bến xe là công tác xã hội công cộng phục vụ nhân dân, thì người ta cũng phải tính toán đến hiệu quả của việc bỏ vốn đầu tư. Như vậy mới thu hút được nhà đầu tư. Vì vậy, nếu muốn thu hút đầu tư thì phải tạo cho họ thấy được hiệu quả của việc bỏ vốn. Phải tháo gỡ cho nhà đầu tư 2 vấn đề: một là đầu vào, hai là đầu ra. Đầu vào tức là: Hiện nay một xe muốn được khai thác tuyến, được vào bến phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Tức là bến xe không có quyền đưa xe về bến hoạt động, đồng nghĩa với việc không thể tự tạo cơ chế thu hút hay cạnh tranh mà vẫn phải lệ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước. Đầu ra là giá dịch vụ. Đúng ra các đơn vị kinh doanh dịch vụ được tự xây dựng giá, rồi niêm yết công khai, có báo cáo với Sở Tài Chính, Sở GTVT, Cục thuế… địa phương nơi đóng địa bàn là có thể đưa ra mức giá phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp. Thế nhưng, hiện nay các bến xe lại không được phép làm điều này, bởi vướng quy định trong Luật Giao thông Đường bộ, cụ thể: giá dịch vụ do UBND tỉnh quyết định. Như vậy tức là không cho nhà đầu tư chủ động quyền đưa ra giá dịch vụ phù hợp với cơ sở hạ tầng họ đã đầu tư, địa bàn đã đầu tư thì thực sự khó với nhà đầu tư. Cá nhân tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm khi đã công bố quy hoạch thì phải xác định công bố quy hoạch đó ổn định từ 10 -20 năm, thì nhà đầu tư mới yên tâm. Tránh trường hợp năm nay quy hoạch trên địa bàn chỉ có 10 bến xe, 2 năm sau lại điều chỉnh lên 12 – 14 bến, làm lệch những tính toán để thu hồi vốn của nhà đầu tư. Khiến thị phần bị chia nhỏ, dẫn đến nhà đầu tư bị thiệt thòi. Các bến xe đa phần đều nằm ở các vị trí thuận lợi, gần trung tâm nên đơn giá thuê đất rất cao, cộng với diện tích đất làm bến lớn nên tiền thuê đất hàng năm luôn là gánh nặng của nhà đầu tư. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có phương án miễn giảm tiền thuê đất đối với các phần diện tích phục vụ công cộng như: điểm đón trả khách tại bến, nhà chờ, khu vệ sinh… |
Ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội:
|
Công ty CP bến xe Hà Nội quản lý bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm. Với mục tiêu lấy hành khách làm trung tâm nên sau 1 năm chuyển sang cổ phần, chúng tôi đã tiến hành đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và kỹ thuật công nghệ.
Hiện nay, hiệu quả rõ ràng có thể thấy là hành khách được phục vụ thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự. Hình ảnh được thể hiện qua hoạt động ổn định tại các bến: Mỹ Đình, Giáp Bát, đặc biệt là bến Gia Lâm.
Như bến xe Mỹ Đình, sau khi được mở rộng, cải tạo, hoạt động vận tải đảm bảo ATGT, hạn chế ùn tắc. Về các giải pháp, chúng tôi đã học tập mô hình hoạt động của các bến xe trong nước như bến xe Đà Nẵng hay cả nước ngoài, không ngừng đầu tư cả về hạ tầng và kỹ thuật.
Bến xe Gia Lâm |
Chúng tôi khẳng định, sẵn sàng bằng chất lượng dịch vụ, tạo ra thế mạnh phục vụ hành khách, hỗ trợ vận tải tạo nên cạnh tranh lành mạnh.
Thứ trưởng đã lắng nghe nhiều ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, bến xe và các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy tới đây, Bộ GTVT sẽ có những giải pháp gì để hiện đại hóa và xã hội hóa mạnh mẽ các bến xe?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ:
Qua ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội về vấn đề xã hội hóa bến xe, tôi khẳng định một lần nữa là chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT là sẽ quyết liệt thực hiện điều này. Thực hiện tốt xã hội hóa, đồng nghĩa việc hiện đại hóa sẽ được làm tốt hơn rất nhiều. Thực tế chứng minh, thời gian qua các bến xe xã hội hóa đã áp dụng KHCN hiện đại vào phục vụ vận tải hành khách.
Vấn đề là thời gian tới triển khai như thế nào và công tác quản lý nhà nước được triển khai ra sao. Bộ GTVT sẽ tập trung quyết liệt để hoàn thiện thể chế, văn bản QPPL. Tôi khẳng định một lần nữa, bến xe là một công trình thuộc hạ tầng giao thông đường bộ. Tới đây, cần có một nghị định riêng về bến xe, tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế chính sách đồng bộ.
Việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là rất quan trọng, nhất là về quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch, chất lượng dịch vụ các bến xe mới được đầu tư và nâng lên, nếu không sẽ rất khó. Quy hoạch quan trọng nhất là mạng lưới bến thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, thành phố và tham mưu là các sở GTVT để tỉnh đưa vào. Quy hoạch cũng cần tính toán xây dựng theo cụm dân cư, khu kinh tế… Quy hoạch mạng lưới vận tải liên tỉnh hiện Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ VN thực hiện. Trong quý 2 phải làm xong. Còn quy hoạch mạng lưới vận tải nội tỉnh do địa phương thực hiện.
Về cơ chế chính sách, Bộ GTVT cũng đang xây dựng để xã hội hóa mạnh mẽ hơn. Có nhiều vấn đề cần tính toán để xây dựng phù hợp như: cơ chế về đất đai, thời gian thuê đất như thế nào? 50 năm hay 70 năm? Công trình thuê đất, thuế thu nhập DN ra sao? Các cơ chế để khuyến khích thu hút nhà đầu tư thế nào cũng cần tính toán hợp lý.
Cùng đó, các địa phương cũng phải chủ động xây dựng cơ chế riêng để hỗ trợ các DN. Nếu làm tốt những điều đó, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và cải thiện được chất lượng bến xe. Cùng đó có thể tránh được tình trạng như trước đây, không theo quy hoạch, đầu tư rồi nhưng cạnh tranh không lành mạnh, bến xe xã hội hóa khai thác không hiệu quả.
Vấn đề lớn nữa là sau khi đầu tư rồi, cần đưa KHCN vào quản lý, quản lý kinh doanh và phải phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân. Đấy là mục tiêu quan trọng nhất. Khi bến xe đưa vào rồi, phải chú trọng đặc biệt đến công tác quản lý an toàn trật tự. Tránh xảy ra tình trạng như vừa qua, xảy ra một số vấn đề mất an ninh trên tuyến.
Khi làm tốt quy hoạch rồi, việc quản lý tuyến cũng cần phải được quan tâm. Làm sao để tránh tình trạng “chỗ ăn không hết chỗ lần không ra”.
Qua ý kiến hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu. Thời gian tới sẽ có nhiều cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Hiện nay, doanh nghiệp đã được cổ phần hóa và cho thấy, doanh nghiệp trực tiếp đầu tư thì chất lượng dịch vụ tốt hơn rất nhiều.
Đối với các bến thuộc các ban quản lý, phòng quản lý nếu không chuyển đổi, chỉ trông chờ nguồn lực nhà nước thì sẽ rất khó nâng cao chất lượng, khó chuyển đổi được.
Đối với vùng sâu, xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì cần có cơ chế chính sách. Nếu doanh nghiệp không đầu tư thì nhà nước phải bỏ tiền đầu tư. Trong quá trình thực hiện, những vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp chúng tôi sẽ tháo gỡ và tin rằng sẽ tháo gỡ được.
Với tinh thần như thế, với sự chỉ đạo của Bộ trưởng và các đơn vị tôi tin thời gian tới, việc thay đổi tại các bến xe sẽ có nhiều chuyển biến, nâng cao được chất lượng, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về địa chỉ bandoc hoặc gửi vào mục bình luận ngay dưới bài viết này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận