Đường sắt

Cách nào huy động 25.000 tỷ đồng khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt?

04/01/2023, 06:00

Nhà đầu tư đề xuất Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng.

Đề xuất khôi phục 83,5 km đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Cục Đường sắt VN đang xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Báo cáo được Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã trình Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN hồi tháng 12/2022.

img

Nhà đầu tư đề xuất Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP với mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng. Ảnh: ga Đà Lạt hiện hữu

Theo đó, nhà đầu tư đề xuất thực hiện Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Địa điểm đầu tư thuộc địa phận TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tuyến được khôi phục với chiều dài khoảng 83,5 km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách (tuyến cũ bao gồm 12 ga, tuyến khôi phục bổ sung 2 ga và 2 trạm khách).

“Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được phê duyệt, giai đoạn đến năm 2050 “khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ du lịch”. Còn theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt: “Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương hoặc nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai sớm hơn”.
Do vậy, đối với Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai sớm hơn.”, Cục Đường sắt VN cho hay.

Cụ thể, dự án sẽ khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát, chiều dài 76,8 km. Trong đó, cải tạo đường ga Tháp Chàm hiện hữu để kết nối với tuyến, xây dựng mới nhà ga hành khách và nâng cấp, cải tạo bãi hàng, kho hàng; Xây dựng mới Depot, nhà xưởng sửa chữa đầu máy, toa xe khu vực Tháp Chàm.

Dự án cũng sẽ khôi phục, xây dựng mới nền đường trên cơ sở hướng tuyến đường cũ kết hợp điều chỉnh một số đoạn; Khôi phục, xây dựng mới 64 cầu, 270 cống, 5 hầm, 11 ga; Xây dựng toàn bộ kết cấu tầng trên đường sắt, bao gồm đoạn ray răng cưa.

Cùng đó nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt - đoạn đang khai thác với chiều dài 6,7 km, trong đó tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát. Dự án cũng bao gồm mua sắm, lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe.

Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là đường đơn, khổ 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60 km/h; sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Nhà đầu tư dự kiến tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2029. Theo đó, giai đoạn thực hiện dự án từ tháng 1/2025 đến tháng 6/2029; Chạy thử và vận hành thử từ tháng 6 đến tháng 12/2029.

Gần 25.000 tỷ đồng đầu tư, phương án vốn thế nào?

Nhà đầu tư đề xuất dự kiến tổng mức đầu tư Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là 24.924 tỷ đồng (không bao gồm lãi vay, chi phí tài chính), trong đó chi phí xây dựng 4.517 tỷ đồng, chi phí thiết bị 9.246 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 2.163 tỷ đồng. Còn nếu tính cả lãi vay và chi phí tài chính, tổng mức đầu tư lên đến 28.987 tỷ đồng.

img

Nhà đầu tư đề xuất hợp đồng thực hiện dự án theo hình thức BOT. Ảnh: minh họa

Theo thông tin của Báo Giao thông, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước từ Trung ương hoặc địa phương sẽ chi 2.163 tỷ đồng cho chi phí GPMB, tái định cư (chiếm 7,46%). Vốn nhà đầu tư là 26.824 tỷ đồng (chiếm 92,54%).

Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, tháng 7/2022, Bộ GTVT đã giao Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chủ trì lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.

Sau khi nghiên cứu đề xuất dự án của doanh nghiệp này, Cục Đường sắt VN đã hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục theo luật định. Theo đó, nhà đầu tư cần lưu ý phương án tài chính sơ bộ, dự báo nhu cầu, nguồn thu và khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, thời gian hoàn vốn và thời hạn hợp đồng dự án, khả năng chi trả của cộng đồng người sử dụng, tổ chức bao tiêu.

Đồng thời nêu rõ phương án huy động nguồn vốn, bao gồm vốn nhà nước tham gia trong dự án; Nêu các dự án khác vận hành theo kết cấu hạ tầng đường sắt của dự án được đầu tư, việc tổ chức quản lý thực hiện dự án giữa cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, địa phương…Cục Đường sắt VN cũng đề nghị nhà đầu tư nêu được loại hợp đồng dự án, phân tích, so sánh về một số loại hợp đồng về: phương án kỹ thuật, công nghệ sơ bộ, phương án tài chính sơ bộ, quản lý vận hành, quy định về quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt… để lựa chọn loại hợp đồng phù hợp.

“Đối với hồ sơ trình lần này, Cục Đường sắt VN đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư bổ sung đầy đủ thành phần, số lượng hồ sơ như Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư... theo đúng quy định pháp luật về phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan để làm cơ sở rà soát, trình Bộ GTVT thẩm định”, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp thi công từ năm 1908, đến năm 1916 những chuyến tàu đầu tiên bắt đầu hoạt động trên đoạn tuyến Tháp Chàm - Xóm Gòn. Đoạn tuyến tiếp theo đến Đà Lạt phải 6 năm sau, năm 1922 mới thi công và đến năm 1932 hoàn thành.

Đoạn tuyến này rất đặc biệt, có tổng cộng 16km đường sắt răng cưa leo núi ở 3 đoạn. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai ray chính đường khổ 1.000mm. Đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng bám vào đường ray răng cưa.Tuyến có tổng chiều dài 84km, 12 ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi.

Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác chạy tàu du lịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.