Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định thống kê TNGT để phản ánh đúng thực tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, số liệu thống kê TNGT sát với thực tế là căn cứ rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách về ATGT, từ đó có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn, kéo giảm TNGT.
Số liệu chênh lệch lớn
Theo quy định hiện hành, Bộ Công an được giao phụ trách công tác thống kê TNGT cả nước. Các số liệu này được thống kê từ báo cáo của lực lượng CSGT trên toàn quốc và được Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như các đơn vị sử dụng phục vụ công tác tuyên truyền cũng như tham mưu cho Chính phủ về các chính sách đảm bảo ATGT trên cả nước. Còn số liệu từ ngành Y tế được thống kê từ số người, số vụ nhập viện, số người chết vì TNGT.
Tuy vậy, có một thực tế là các báo cáo thống kê từ phía Cục CSGT, Bộ Công an luôn thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều so với số liệu thống kê từ Bộ Y tế. Thậm chí điều này đã từng được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 hồi giữa năm. Theo đó, các ĐBQH dẫn chứng số liệu thống kê của Bộ Công an là hơn 8.000 người chết vì TNGT năm 2018, song con số Bộ Y tế đưa ra là hơn 15.000.
Một cán bộ Phòng CSGT Hà Nội cho biết, hiện nay các tỉnh, thành phố thống kê số vụ TNGT theo quy định của Cục CSGT, bắt đầu từ ngày 16 của tháng này đến ngày 15 tháng kế tiếp sẽ tính tròn 1 tháng. Quá trình thống kê cũng phân ra các mức thực tế của các vụ TNGT như: Va chạm; ít nghiêm trọng; nghiêm trọng (1 người chết hoặc bị thương tật 61% trở lên); rất nghiêm trọng (2 người tử vong trở lên) và đặc biệt nghiêm trọng (3 người chết trở lên).
Riêng đối với các vụ TNGT mà nạn nhân bị thương, được chuyển đi cấp cứu thì sẽ thống kê ban đầu là tai nạn ít nghiêm trọng. Nhưng sau một thời gian nạn nhân bị tử vong, thì sẽ tiến hành bổ sung thành vụ TNGT nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tuỳ thuộc vào số lượng nạn nhân tử vong.
Theo Ths.BS. Phạm Gia Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Việt Đức, từ trước tới nay, tất cả bệnh nhân gặp tai nạn đều được tiếp nhận tại phòng khám cấp cứu. Nguyên nhân tai nạn đều được các bác sĩ khai thác kỹ để xác định là loại tai nạn gì (tai nạn lao động, sinh hoạt hay TNGT), do đó số liệu đầu vào của bệnh nhân TNGT tại bệnh viện là khá chính xác.
Theo BV Hữu nghị Việt Đức, nguyên nhân dẫn đến độ chênh lệch về số liệu TNGT giữa các ngành có 2 lý do: Một là, người bệnh TNGT cùng 1 người bệnh có thể vào nhiều cơ sở y tế khác nhau từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến trung ương nên khi thống kê số liệu tất cả các cấp bệnh viện của toàn quốc thì con số này có thể bị trùng lặp. Hai là, chỉ những trường hợp các cơ quan chức năng phải can thiệp, lập biên bản và xử lý thì mới thống kê, trong khi đó rất nhiều trường hợp bệnh nhân TNGT tự vào viện hoặc các bên gây tai nạn tự hòa giải.
Do cách thức thống kê khác nhau
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay, Ủy ban ATGT Quốc gia lấy và công bố số liệu TNGT từ Văn phòng Bộ Công an. Đây là số liệu chính thức, các số liệu của các bộ ngành khác và từ các nguồn khác chỉ dùng để tham khảo.
Về bất cập chênh lệch số liệu thống kê giữa Bộ Công an, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Minh cho rằng, nguyên nhân là do sử dụng định nghĩa về TNGT của mỗi cơ quan khác nhau (số vụ, số người chết trong mỗi vụ tai nạn). Ông Minh lấy ví dụ: Khi có 2 xe khách mỗi xe chở 40 hành khách va chạm, quy định hiện nay CSGT sẽ thống kê là 1 vụ TNGT, trong khi nếu 80 người trên hai xe này nhập viện thì ngành Y tế sẽ thống kê thành 40 x 2 = 80 vụ. Như vậy cùng một sự việc nhưng số liệu thống kê đã khác nhau tới 80 lần.
“Thứ hai, có tình trạng nhập viện do gây gổ đánh nhau nhưng khai là do TNGT để được điều trị ngay vì như vậy ít bị phiền phức. Bởi vậy chúng ta phải thông cảm với ngành Y tế, họ không có trách nhiệm đi kiểm chứng những trường hợp như vậy. Chính bởi vậy các số liệu của ngành Y tế là số liệu tham khảo, không được kiểm chứng. Ngoài ra trong số liệu của ngành Y tế, còn có khả năng số liệu bị lặp, chẳng hạn cùng một người nhưng hai lần khám thì sẽ ghi nhận thành hai vụ. Hoặc sau khi bị TNGT, về xã khám không hài lòng, lên huyện sau đó lên tỉnh, rồi thậm chí lên tuyến trung ương thì thực ra chỉ là một người nhưng hệ thống của y tế sẽ ghi nhận thành 4 vụ”, ông Minh phân tích.
Còn về số liệu báo cáo của ngành Công an thường chỉ thể hiện con số người tử vong và bị thương thống kê trực tiếp tại hiện trường. Nguồn số liệu của Bộ Công an là chính xác, vấn đề là quy định hiện nay chỉ yêu cầu như vậy nên có muốn làm khác đi thì phải sửa quy định pháp luật, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát sửa đổi.
Trong khi đó số liệu của WHO thường áp dụng tiêu chí tử vong trong vòng 30 ngày kể từ khi va chạm. Ngoài ra số liệu của WHO là số liệu dự báo từ mô hình toán, không phải là số liệu thống kê. Do đó có sự khác biệt lớn giữa số liệu của Việt Nam và WHO.
“Cuối cùng, các vấn đề như mốc thời gian báo cáo và cập nhật diễn biến vụ việc... vấn đề người dân tự dàn xếp mà không báo cơ quan chức năng, một số trường hợp nặng biết chắc là chết thậm chí xin về nhà lúc đó cả CSGT và bệnh viện đều đang chưa thống kê được. Đây đang là những thách thức trong thống kê TNGT tại Việt Nam”, ông Minh cho hay.
Theo ông Minh, các số liệu thống kê TNGT và phân tích nguyên nhân TNGT là căn cứ rất quan trọng để chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách về ATGT. Nếu những thông tin này đầy đủ, kịp thời chính xác thì hiệu quả bảo đảm TTATGT sẽ được cải thiện rất nhiều. Còn ngược lại, số liệu không chính xác, không đầy đủ và không kịp thời thì đều ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo đảm TTATGT từ cấp vĩ mô cho đến cấp vi mô tổ chức thực hiện.
Thống kê, phân tích theo thông lệ quốc tế
Theo GS. Geert Wets (Đại học Hasselt, Vương quốc Bỉ), vấn đề khác biệt về số liệu TNGT, thương vong do TNGT giữa CSGT và bệnh viện không chỉ ở Việt Nam. Đây cũng là vấn đề ở các nước châu Âu, trong đó có Bỉ bởi cách định nghĩa của hai bên khác nhau.
Còn tại nước Đức, việc thống kê được làm đồng bộ và chi tiết hơn. Cụ thể, họ có sẵn một hướng dẫn quy định các loại thương vong, các nguyên nhân gây thương vong, CSGT và bệnh viện phải sử dụng chung một biểu mẫu, hai bộ dữ liệu thống kê thuộc hai cơ quan chức năng phải tích hợp với nhau tạo ra sự tương thích và đồng nhất. Tương tự, với mỗi bệnh nhân khi nhập viện sẽ phải khai vào một biểu mẫu, trường hợp chuyển tuyến bệnh viện khác thì hồ sơ bệnh án cũng được chuyển theo chứ không có tình trạng một bệnh nhân tính thành hai vì thiếu sự liên kết về dữ liệu.
Thực tế, khi định nghĩa bị thay đổi, nó sẽ dẫn tới mục tiêu giảm số người bị chết vì TNGT phải lớn hơn, các hành động và các nguồn lực cần huy động để giảm số người tử vong vì TNGT cũng cần rất lớn, từ đó thay đổi cách tư duy, xây dựng chính sách và cách huy động nguồn lực nâng cao ATGT.
Theo ông Trần Hữu Minh, các quốc gia phát triển và kể cả trong khu vực như Thái Lan, Indonesia gần đây đã tích hợp và kiểm tra xác minh hệ dữ liệu của cả CSGT, Y tế, bảo hiểm...., khi đó TNGT tăng tới 30-40% sau đó trở nên ổn định, kết quả đó được các chuyên gia đánh giá là phản ánh khá sát thực tế.
Chính bởi vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong các số liệu báo cáo về TNGT, trong Nghị quyết 12 ban hành đầu năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng hoàn thiện quy định thống kê và phân tích TNGT theo thông lệ quốc tế. Khi đó chắc chắn các nhà hoạch định chính sách về ATGT sẽ có những thông tin vô cùng quý báu trước khi ra quyết định, đó là lúc ATGT sẽ có bước tiến vượt bậc.
Sửa quy định để phản ánh đúng thực tế
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện Cục CSGT đang làm việc với cơ quan liên quan của Bộ Y tế để cùng nghiên cứu, sửa đổi quy định về thống kê TNGT nhằm phản ánh đúng tình hình thực tế. “Việc này Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu, nên khi nào có kết quả làm việc cụ thể, chúng tôi sẽ có thông tin tới báo chí”, ông Bình nói.
Trước đó, tại hội nghị thông tin báo chí về tình hình TTATGT, lý giải số liệu người chết vì TNGT của Bộ Công an và Bộ Y tế có chênh lệch, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, có rất nhiều trường hợp nạn nhân được bệnh viện tiên liệu là sẽ tử vong và được gia đình đưa về nhà. Những trường hợp này Cục CSGT không xác nhận là đã chết. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân bị tai nạn được đưa đến bệnh viện rồi tử vong nhưng không báo công an thì công an không thể biết để cập nhật số liệu.
Văn Huế
Giao chỉ tiêu giảm TNGT có tạo ra áp lực?
Việc số liệu thống kê TNGT chưa thực chất khiến có ý kiến cho rằng, rất có thể vì lý do giao chỉ tiêu giảm TNGT cho các địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Minh, việc dùng số liệu thống kê về TNGT là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm TTATGT của từng địa phương. Nếu một địa phương vào cuộc thực hiện giáo dục tuyên truyền tốt, quan tâm tới kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm nghiêm thì không những dân cư tại địa phương đó có ý thức tốt, mà các lái xe ở các vùng khác khi tới địa phương này cũng có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn. Chẳng hạn, nếu qua Quảng Ninh, Hà Tĩnh là lái xe cả nước đều truyền tai nhau là tuyệt đối tuân thủ quy định tốc độ và nồng độ cồn.
Còn hiện nay, không nên vì những bất cập trong công tác thống kê phân tích mà lại bỏ việc dùng chỉ tiêu TNGT để đánh giá.
Ông Hoàng Hải Bình (Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hưng Yên) cũng cho rằng, rất khó để thống kê “khống”, vì công an địa phương có trách nhiệm cập nhật hàng ngày vào báo cáo với Bộ Công an, đồng thời có sự giám sát của Viện Kiểm sát khi có vụ TNGT xảy ra. Ông Bình cũng cho rằng, việc đặt ra chỉ tiêu giảm TNGT cần cụ thể hơn cho mỗi địa phương dựa theo tình hình giao thông trên mật độ khu vực dân cư sinh sống. Vì nếu cứ yêu cầu giảm đều theo tiêu chí thì rất khó.
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đối với việc giao chỉ tiêu giảm TNGT thì cần phải tính toán trên đầu phương tiện, km đường, mật độ dân số ở từng địa phương. Bởi có những địa phương ít hạ tầng giao thông nhưng TNGT cao thì khác với địa bàn có nhiều hạ tầng giao thông.
Tương tự, ông Hoàng Minh Việt, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh và ông Hoàng Đăng Cương, Phó giám đốc Sở GTVT, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, việc giao chỉ tiêu giảm TNGT có gây áp lực cho các địa phương nhưng không có chuyện vì áp lực mà các địa phương thống kê không thực chất. Nguyên nhân là bởi số lượng người đã chết thì đã có biên bản hồ sơ của công an nên đều được báo cáo hết. Trừ những trường hợp tự ngã, tự gây tai nạn tử vong có thể không được báo cáo. Trường hợp này có xảy ra nhưng rất ít.
Chủ động thống kê TNGT sát thực tế, bài học từ Bắc Giang
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra 484 vụ TNGT, làm chết 246 người, bị thương người. So với cùng kỳ năm 2017, số liệu này tăng 297 vụ (158,8%), tăng 163 người chết (196,3%), tăng 223 người bị thương (140,2%). Bắc Giang đứng cuối cùng trong 63 tỉnh, TP trên cả nước về ATGT, là địa phương tăng mạnh cả 3 tiêu chí về TNGT.
Thực tế cho thấy, đây là con số thực, đã được 3 đơn vị gồm Sở Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân và Công an tỉnh kiểm tra, thẩm định chéo và thống nhất đưa ra. “Điều này cho thấy một thực tế đã tồn tại nhiều năm trên địa bàn là có thể vì thành tích và áp lực năm sau phải giảm cả 3 tiêu chí TNGT so với năm trước, các huyện, TP, đơn vị liên quan đã “ém nhẹm”, để ngoài báo cáo số lượng lớn TNGT”, Trung tá Vũ Ngọc Hùng, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bắc Giang nói.
Theo ông Hoàng Văn Hải, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Giang, để có số liệu chân thực trên, ngày 20/3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện công tác thống kê, báo cáo số liệu TNGT. Trong đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp ngành Y tế, Viện KSND tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác thống kê, tổng hợp số liệu TNGT. Theo đó, hàng tháng, khi tổng hợp số liệu TNGT, các đơn vị phải so sánh, đối chiếu với số liệu của Viện KSND các cấp, tham khảo số liệu của ngành Y tế; rà soát, điều tra, bổ sung làm rõ đối với những trường hợp còn thiếu hoặc số liệu chưa thống nhất, phản ánh chính xác tình hình thực tế trên địa bàn.
Từ kết quả trên, năm 2019, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu giảm TNGT là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả những người đứng đầu các cấp, ngành trên địa bàn. Theo đó, hàng loạt các giải pháp được đưa ra, trong đó có việc tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị. Người đứng đầu địa phương nếu để TNGT tăng liên tục trong hai quý sẽ bị phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Bên cạnh sự quyết liệt trong chỉ đạo, Sở GTVT tỉnh Bắc Giang đã chú trọng xây dựng, sửa chữa, khắc phục tình trạng hư hỏng của các tuyến đường giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT, nhất là các lỗi vi phạm được xác định là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT...
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, cả 3 tiêu chí về TNGT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều đã giảm sâu. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 373 vụ TNGT, làm chết 183 người, bị thương 320 người. So sánh với cùng kỳ năm 2018 đã giảm 77 vụ (tương đương 17,1%), giảm 41 người chết (tương đương 18,3%), giảm 43 người bị thương (tương đương 11,8%).
Văn Thương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận