Vì sao trời lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt không khí lạnh từ ngày 17/12 dự báo có cường độ mạnh, kéo dài nhiều ngày. Đây là đợt rét hại diện rộng đầu tiên trên toàn Bắc Bộ trong năm nay, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 11 độ.
Thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Nhiều người trời lạnh thường ít vận động, dẫn tới tăng cân cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Về việc trời lạnh làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, BSCK1 Bùi Thị Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần của não, nuôi các cơ quan đặc biệt là não đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn ra ngoài đè ép vào các tế bào não.
Khi các thành phần mỡ máu như cholesterol, LDL bị rối loạn sẽ lắng đọng trên thành mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch hẹp dần và tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ, gây ra biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.
Nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi. Bên cạnh đó, đường trong gan sẽ được huy động tăng cường để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
"Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch, mạch máu kém đàn hồi, xơ cứng, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, lòng mạch bị thu hẹp, các cục máu đông hình thành khiến lưu lượng máu qua não giảm đến 20%. Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao", BS Hà lưu ý.
Ai có nguy cơ đột quỵ?
Theo BS Hà, những người có nguy cơ bị đột quỵ khi trời lạnh thường có những cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân; Hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim; Luôn cảm thấy mệt mỏi khó thở nhiều, thở khò khè, đau mỏi cơ bắp, bị chuột rút; Béo phì, thừa cân, ít vận động; Hút thuốc lá thường xuyên hoặc uống rượu bia nhiều Có người thân trong gia đình bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu; Bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu; Nữ trên 45 tuổi, nam trên 40 tuổi. Hoặc những người từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trời lạnh sẽ làm tăng nguy cơ nặng, tái phát các bệnh nói trên.
Cần chủ động phòng ngừa cơn đột quỵ, nhất là khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Do vậy theo khuyến cáo từ các bác sĩ, những người có nguy cơ đột quỵ cao cần lưu ý vào mùa đông nên ngủ trong phòng kín gió, đủ ấm. Buổi sáng thức dậy không nên ra khỏi chăn và xuống giường quá đột ngột, cần có vài động tác thể dục để cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài.
Không nên uống rượu nhiều khi trời lạnh. Bởi chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, dẫn tới tăng huyết áp. Khi đó, chỉ cần xuất huyết nhẹ là đủ dẫn tới tai biến.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa cơn đột quỵ người bệnh có thể sử dụng các hoạt chất sinh học từ thiên nhiên để cải thiện chức năng của hệ thống mạch máu, làm tăng khả năng thích ứng của hệ thống mạch máu khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ:
- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể.
- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường.
- Mất thăng bằng; Đau đầu dữ dội
Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên, cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra. Thời gian "vàng" cho bệnh đột quỵ rất quan trọng, mỗi phút qua đi, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nặng nề hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận