Cụ thể, nhiều bậc gây ra những khó khăn nhất định cho việc quản lý của ngành điện, cho theo dõi giám sát của khách hàng sử dụng điện.
Tỷ trọng số hộ dùng điện gắn với tỷ trọng tiêu thụ điện của từng bậc đã có sự dịch chuyển theo hướng: Hộ dùng điện ở các bậc thấp giảm đi, hộ dùng điện ở các bậc phổ biến trong xã hội và bậc cao tăng lên.
Ngoài ra, khoảng chênh lệch về lượng và giá giữa các bậc thang cũng không hợp lý. Tỷ lệ giá bán lẻ của từng bậc thang so với giá bán lẻ điện bình quân chưa phù hợp. Điều đó dẫn đến có những thời gian nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đã làm cho người tiêu dùng phải trả thêm nhiều tiền hơn do tốc độ tăng tiền điện phải thanh toán tăng nhanh và cao hơn tốc độ tăng của lượng điện tiêu thụ.
Tiêu biểu trong tháng 3 vừa qua, số lượng điện tiêu thụ nhiều hơn thường bị “nhẩy vào” bậc 3 có giá cao hơn bậc 2: 16,5% và bậc 4 có giá cao hơn bậc 3: 25,91%… Vì vậy, nhiều hộ giá bình quân phải trả hơn 2 nghìn đồng/kWh chứ không phải 1.844,44 đồng/kWh như mức giá điều chỉnh tăng bình quân 8,36%. Đây là nguyên nhân chính gây ra bức xúc trong xã hội của đợt điều chỉnh giá điện vừa qua.
Trong điều kiện về cung - cầu điện của nước ta hiện nay vẫn cần có biểu giá điện sinh hoạt bậc thang. Tuy nhiên, trước những khuyết điểm trên, biểu giá điện hiện phải được sửa đổi. Vẫn biết rằng sẽ không có biểu giá điện nào thỏa mãn cho tất cả các đối tượng tiêu dùng điện trong xã hội vì phương án nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn phương án “đa số” người tiêu dùng có thể chấp nhận.
Theo đó, nên rút gọn biểu giá điện hiện nay xuống còn khoảng 3-4 bậc, tốt nhất là 3 bậc. Bố trí giá lũy tiến, nhưng tính theo tỷ trọng tiêu dùng điện thực tế, bảo đảm không vượt giá điện sinh hoạt bình quân.
Cụ thể, bậc 1, cần chú ý đến đối tượng tiêu thụ điện ít, khả năng chi trả không cao, nhưng vẫn bảo đảm cho đơn vị kinh doanh điện bù đắp đủ chi phí sản xuất và có lợi nhuận ở mức độ nhất định. Vì vậy, bậc 1 nên là 100 kWh đầu tiên thay vì 50 kWh như hiện nay.
Bậc 2 là bậc thiết kế phục vụ đại bộ phận các hộ tiêu dùng điện có mức tiêu dùng điện ở mức trung bình, phổ biến của xã hội.
Bậc 3 là bậc phải thể hiện được chính sách điều tiết đối với các hộ tiêu dùng điện nhiều để phục vụ chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả…
Sắp xếp các bậc như trên phải bảo đảm xử lý hợp lý mối quan hệ chênh lệch giữa giá điện của các bậc so với giá bình quân và khoảng cách giá giữa các bậc với nhau.
Cuối cùng, việc quy kết cho EVN độc quyền nên giá điện chỉ tăng không giảm là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, điện là độc quyền tự nhiên, Nhà nước đã có cơ chế để kiểm soát định giá những mặt hàng này. EVN cũng chỉ là một đơn vị tham mưu chứ không phải là đơn vị có thẩm quyền quyết định về giá điện theo quy định của pháp luật.
Giá điện thời gian qua chỉ tăng không giảm lại là câu chuyện của điều hành “vĩ mô” khi giá điện phải gánh “đa mục tiêu”. Trong điều kiện chi phí đầu vào quan trọng để sản xuất điện luôn tăng mà giá điện phải kiềm chế để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát thì việc giảm giá điện là không thể có dư địa.
Giá bán lẻ điện hiện chưa phải là giá thị trường, chưa phản ánh được các tín hiệu của thị trường. Chỉ khi nào chúng ta chuẩn bị được đầy đủ các điều kiện tạo ra được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như tái cơ cấu lại ngành điện, thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư tham gia thị trường bán lẻ…, khi đó mới xuất hiện giá điện thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận