Sáng nay (8/5), tại cầu đường sắt Ông Ngọ (Km 812+168, xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, Quảng Nam), Bộ GTVT tổ chức lễ ra quân thi công dự án cải tạo - nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ Trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, đường sắt là lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với ngành GTVT, là 1 trong 5 hình thức vận tải khối lượng lớn nhưng chi phí rẻ. Tác động quan trọng đối với đường sắt là hạ tầng vận tải, nếu hạ tầng tốt thì vận tải đường sắt sẽ tốt lên. Đẩy mạnh vận tải đường sắt chi phí vận tải giảm xuống, tác động tích cực đến việc cạnh tranh kinh tế.
“Việc vừa thi công vừa đảm bảo an toàn chạy tàu là thực tế hết sức khó khăn, đường sắt của chúng ta là đường đơn, khác hẳn với đường bộ có thể làm đường tránh tạm. Chúng tôi phải chọn những đơn vị có kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thi công, đơn vị quản lý trong việc chạy tàu, để làm sao vừa rút ngắn được thời gian thi công, ít ảnh hưởng đến vận tải đường sắt trong thời gian thi công này”, Thứ trưởng nói.
>>>Phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại lễ khởi công "Dự án cầu yếu":
Tiền đề phát triển vận tải đường sắt
Đây là gói thầu đầu tiên (gói thầu XL-CY-01) trong 11 gói thầu của tổng dự án, gồm 6 công trình cầu đường sắt thuộc địa phận TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Giá trị hợp đồng khoảng 82,7 tỷ đồng. Thời gian thi công khoảng 8 tháng và 24 tháng bảo hành.
Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (Dự án cầu yếu) nằm trong các Dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của UBTVQH (dự án 7.000 tỷ).
Quy mô dự án gồm xây dựng 129 cầu, trong đó: xây dựng mới, đồng thời kết hợp cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn đường hai đầu 111 cầu; Xây dựng trụ chống va xô 4 cầu và sửa chữa, nâng cấp 14 cầu. Tổng mức đầu tư: 1.949 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.
Ông Vũ Hồng Phương - Quyền giám đốc Ban QLDA đường sắt cho hay, việc khởi công thực hiện các dự án đường sắt quan trọng cấp bách trong giai đoạn này là một trong những khởi động tích cực của Bộ GTVT nói chung, Ban QLDA đường sắt nói riêng nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa đảm bảo phòng chống dịch thành công, vừa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.
Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu để từng bước thay thế các cầu yếu; đồng nhất tải trọng khai thác 4,2T/m trên toàn tuyến nhằm đảm bảo ATGT, nâng cao sản lượng và năng lực vận tải đường sắt; góp phần cải tạo hệ thống hạ tầng của ngành Đường sắt, nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc Nam và bảo đảm an toàn chạy tầu nói chung.
“Với việc gia cố các trụ chống va xô nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đối với các công trình cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh”, ông Phương nói.
Ông Phương cho biết thêm, việc triển khai thi công gói thầu đầu tiên này là tiền đề cho các gói thầu tiếp theo của các dự án đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng đối với việc hoàn thành toàn bộ các dự án trong năm 2021.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, cầu đường sắt Ông Ngọ, Châu Lâu sau trăm năm sử dụng đã xuống cấp, cũ kỹ, khiến việc vận tải hàng hóa, hành khách không được như kỳ vọng. Sáng nay (8/5), tại lễ khởi công dự án, máy móc hạng nặng, nhân công tập trung nhộp nhịp sẵn sàng thi công. Đại diện nhà thầu thi công dự án cho hay, đơn vị huy động nguồn nhân lực lành nghề, đặt mục tiêu hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng.
>>> Clip Khởi công "Dự án cầu yếu":
Vượt khó, cùng kinh tế đất nước vượt qua đại dịch Covid-19
Theo ông Vũ Hồng Phương, mặc dù có quy mô vốn không lớn nhưng việc triển khai dự án lại gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các dự án trải dài trên toàn tuyến đường sắt đường sắt Thống Nhất dài hơn 1.000 km, vừa phải thi công, vừa phải đảm bảo an toàn chạy tàu, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với quá trình vận hành khai thác tuyến đường sắt Thống Nhất.
“Thời gian qua, các dự án đầu tư vào ngành Đường sắt ít dẫn đến lực lượng tư vấn mỏng, năng lực các nhà thầu thi công có kinh nghiệm triển khai về đường sắt không nhiều. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến quá trình chuẩn bị, khảo sát - thiết kế cũng như huy động thiết bị, nhân lực thi công tại hiện trường của tất cả các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có dự án này”, ông Phương nói.
Quyền giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết thêm, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư phải quán triệt tinh thần chỉ đạo nói trên để thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần chung tay cùng cả nước thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép” - vừa phòng chống dịch Covid- 19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận