Hiện trường vụ TNGT liên hoàn trên đèo Bảo Lộc ngày 26/2
Sau những vụ TNGT nghiêm trọng gần đây trên đèo Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo lập dự toán kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trên đèo Bảo Lộc.
Tính riêng từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, trên đèo Bảo Lộc đã xảy ra ít nhất 8 vụ tai nạn, va chạm giao thông. Trong đó, có 1 vụ TNGT nghiêm trọng làm 4 người trong một gia đình thương vong và 1 vụ TNGT liên hoàn giữa 6 xe ô tô tạo cảnh hỗn hoạn khiến nhiều người cảm thấy bất an khi phải lưu thông qua đèo Bảo Lộc.
Điều đáng nói, 2 vụ TNGT này xảy ra chỉ cách nhau 2 ngày (ngày 24 và 26/2) cho thấy tình trạng mất ATGT trên đèo Bảo Lộc rất đáng báo động.
Từ hình ảnh vụ TNGT xảy ra vào chiều 24/2 trên đèo Bảo Lộc được camera ghi lại cho thấy, tài xế điều khiển xe ô tô 7 chỗ ngồi chở vợ và 2 con nhỏ đổ đèo với tốc độ cao. Sau khi vào một khúc cua gấp đã không làm chủ được tay lái nên xe tông thẳng vào lan can bê tông tại khúc cua trên đèo Bảo Lộc khiến xe biến dạng. Vụ tai nạn làm bé trai 7 tuổi tử vong và 3 người còn lại trong gia đình trên đều phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị thương rất nặng.
Hai ngày sau, chiều tối 26/2, xe container chở alumin cũng đang đổ đèo Bảo Lộc với tốc độ cao đã gây ra vụ tai nạn kinh hoàng với 5 ô tô khác và 1 xe máy. Vụ tai nạn khiến giao thông tại đèo ách tắc, nối dài nhiều km.
Theo lực lượng CSGT chốt trực trên đèo Bảo Lộc, 2 vụ TNGT nói trên và hầu hết các vụ TNGT trên đèo Bảo Lộc phần lớn đều do người điều khiển phương tiện giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường, vi phạm các quy định của Luật GTĐB và quy tắc khi đi đường đèo.
Qua khảo sát của Sở GTVT Lâm Đồng, đèo Bảo Lộc hiện có 8 vị trí có nguy cơ cao gây mất ATGT. Các vị trí này tập trung tại các đường cong có bán kính nhỏ dạng khúc cua tay áo. Cùng với đó, nhiều đoạn trên đèo, lề đường cũng chưa được gia cố, mương dọc chưa có nắp đan nên chưa tận dụng hết mặt bằng làm hạn chế bề rộng mặt đường. Ngoài ra, hệ thống cột mốc cảnh báo gắn phản quang có quá ít; hệ thống sơn kẻ đường bị mờ, rào hộ lan bị xuống cấp hư hỏng nhiều.
Trước mắt, các ngành chức năng đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, cho chủ trương khắc phục 2 vị trí đường cong hay xảy ra va chạm giao thông tại Km 101+700 (tượng đài Đức Mẹ, thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) và Km 104+300 (cầu Bảo Lộc 2, đoạn tiếp giáp của thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai và xã Đại Lào, TP Bảo Lộc); đồng thời, đầu tư mương có tấm đan chịu lực và bổ sung hệ thống đảm bảo ATGT toàn tuyến đèo với kinh phí khoảng 27 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khắc phục 2 vị trí đường cong tại Km 101+700 và Km 104+300 dự kiến khoảng 10 tỷ đồng; số kinh phí còn lại tập trung đầu tư hệ thống tấm đan chịu lực mương thoát nước và hệ thống ATGT.
Cùng với việc đề xuất thi công các hạng mục công trình, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đã khảo sát, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng bố trí kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên đèo Bảo Lộc. Qua khảo sát, đèo Bảo Lộc có hơn 10 khúc cua cần lắp đặt camera giám sát phương tiện qua lại.
Liên quan đến việc đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát trên đèo Bảo Lộc, Công an tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng các quy định và thủ tục pháp lý liên quan để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đèo Bảo Lộc có chiều dài trên 10km, là tuyến đường huyết mạch nối Lâm Đồng với TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Đường đèo có độ dốc cao với hàng chục khúc cua gấp nguy hiểm. Theo thống kê của các ngành chức năng, đèo Bảo Lộc có tới 35 đường cua cong bán kính nhỏ dưới 50m, tầm nhìn bị hạn chế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận