Thời kỳ đầu, hầu hết các mạch điện của xe ô tô đều đơn giản, chỉ chứa một số mạch điện phục vụ nhu cầu thiết yếu như đèn chiếu sáng, cần gạt nước,..
Theo thời gian, các mạch điện của xe ngày càng được phát triển, độ phức tạp trong cấu tạo mạch ngày càng tăng lên.
Các mạch điện ô tô dần dần thay đổi trở nên tương tự như hệ thống tuần hoàn máu, mang điện áp từ pin, chảy qua dây đến các bộ phận cần năng lượng rồi quay trở lại pin và tiếp tục một vòng lặp như vậy.
Tuy nhiên, với sự bùng nổ của xe điện hiện đại cùng xe hybrid - những phương tiện cần có nguồn sạc mạnh mẽ và ổ cắm điện xoay chiều tiêu chuẩn, điều đó đòi hỏi phải có hệ thống biến áp cũng như hệ thống điều khiển mạnh mẽ.
Như vậy việc nghiên cứu và phát triển về loại chip kiểm soát điện áp cao là vô cùng cấp thiết, vừa để tối ưu hóa sử dụng năng lượng, vừa duy trì hoạt động của hệ thống phương tiện này.
Các giải pháp quản lý năng lượng không chỉ phân phối hiệu quả năng lượng điện đến các thành phần khác nhau trong xe, bao gồm động cơ, các hệ thống phụ trợ, mà còn giữ vai trò quan trọng trong ổn định điện áp.
Đây là yếu tố quan trọng để bảo vệ các thiết bị điện tử nhạy cảm khỏi nhiễu sóng, tăng vọt điện áp và đảm bảo an toàn với đường dẫn cũng như dữ liệu quan trọng, phòng chống cháy nổ.
Trong số các loại chip kiểm soát điện áp cao, chip analog được nhắc tới khá nhiều. Nhờ khả năng thích ứng cao, chip analog trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều mẫu xe điện khác nhau, từ những phương tiện di chuyển nhỏ gọn trong đô thị đến ô tô, xe tải và xe buýt hiệu suất cao.
Nếu xe động cơ đốt trong cần hơn 160 chip thì ở xe điện, con số này tăng lên hơn 400.
Trong trường hợp xe plug-in hybrid, những con chip này phải liên tục thích ứng với sự tương tác phức tạp giữa năng lượng điện và xăng, tinh chỉnh hiệu suất và tiết kiệm nhiên liệu của plug-in hybrid.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận