Thứ trưởng Đặng Bích Liên tham quan xưởng sản xuất tượng nghê cổ tại Ninh Bình |
Cách đây 3 năm, Bộ VH,TT&DL phải ra công văn chỉ đạo khi hiện tượng sử dụng sư tử đá, tì hưu ngoại lai tràn lan khắp đình chùa, công sở Việt Nam. Sau 3 năm, cuộc chiến đẩy lùi biểu tượng, linh vật ngoại lai vẫn diễn ra phức tạp.
Thành công bước đầu
Sáng 18/10, tại Ninh Bình đã diễn ra hội nghị tập huấn, nhìn lại thành quả bước đầu cuộc chiến chống linh vật ngoại lai. Bên thềm hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ về kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. “Hầu hết những nơi khảo sát đều không còn bóng dáng linh vật ngoại lai. Hơn thế, những linh vật đặc trưng của người Việt, văn hóa Việt cũng đã bắt đầu xuất hiện ở các nơi công cộng hay các địa điểm linh thiêng, sang trọng. Như vậy, sau 3 năm triển khai Công văn 2662, các địa phương đã thực hiện rất có hiệu quả”, bà Liên nhận định.
Cụ thể, tỉnh Ninh Bình đã dẹp bỏ 10 tượng sư tử đá ngoại lai ra khỏi các khu di tích lịch sử, đặc biệt là các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất như: Cố đô Hoa Lư, đền Thánh Nguyễn, chùa Nhất Trụ. Không chỉ dẹp bỏ, tại cổng Khu di tích đền Vua Đinh - Lê đã trưng bày tượng con nghê, linh vật truyền thống của văn hóa Việt thay cho sư tử đá. Việc sử dụng linh vật ngoại lai ở các khu di tích nhỏ, hay trang trí ở công sở, nhà ở tư nhân cũng giảm thiểu đáng kể.
Ở khu vực sản xuất, làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) trước kia là một điểm nóng sản xuất linh vật sư tử đá ngoại lai, nay đã gần như dừng hẳn việc này. Ông Lương Trịnh, nghệ nhân tiêu biểu của làng đá Ninh Vân cho hay: “Sau khi công văn ban hành, việc sản xuất linh vật ngoại lai gần như không còn nữa. Chúng tôi hướng đến sản xuất những linh vật truyền thống của Việt Nam. Về kinh tế, chúng tôi không bị ảnh hưởng hay thiệt hại. Nhu cầu thị trường vẫn vậy, ví dụ trước đây mỗi năm trung bình bán được 20 đôi sư tử đá, nay cũng bán được chừng ấy tượng nghê cổ”.
Còn nhiều việc để làm
Tuy nhiên, cuộc chiến loại bỏ linh vật ngoại lai thực tế còn khá phức tạp. Thực chất, việc nhận nhầm “hàng ngoại” bắt nguồn từ việc bản thân hệ thống linh vật “thuần Việt” đang bị xem nhẹ, thậm chí lãng quên. TS. Trần Hậu Yên Thế, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho hay: “Tôi đã cầm đến 4 quyển từ điển tiếng Việt trong tay, nhưng không một cuốn nào có từ nghê. Một linh vật có vai trò quan trọng trong văn hóa Việt Nam lại bị bỏ rơi như vậy là một sự xúc phạm”.
"Để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ VH,TT&DL đề nghị và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân: Không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng”. (Trích Công văn 2662 ngày 8/8/2014 của Bộ VH,TT&DL) |
Theo TS. Yên Thế, cần tuyên truyền quảng bá để làm rõ một thực tế: Hệ thống linh vật “thuần Việt” đủ khả năng đáp ứng đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh người Việt. “Với từng mục đích trưng bày, văn hóa nước ta đều có linh vật tương ứng mà điển hình là con nghê. Muốn cầu con cái, sinh đẻ thì ở con nghê, sinh thực khí rất rõ rệt. Muốn tài lộc, cũng có nơi đã dùng con nghê ngậm tiền đồng, câu đối tài lộc. Hoặc con voi - rất quen thuộc với văn hóa nước ta. Và như vậy, người Việt thực chất chẳng cần tới sư tử đá, Phật Di Lặc… từ văn hóa ngoại”, TS. Yên Thế cho hay.
Ở mức cao hơn, nhu cầu của một bộ khung quản lý trực tiếp vấn đề linh vật ngoại lai đang trở nên bức thiết. TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định, các biện pháp hành chính cụ thể là vô cùng cần thiết. “Chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn quản lý từng loại hình, xử lý từng hình thức xâm phạm cụ thể. Trong khi đó, Công văn 2662 thực chất cũng chưa bao trùm hết phạm vi vấn đề. Ngoài sư tử đá bất cập ra, còn có đồ cung tiến, hoành phi, câu đối…”.
Ngoài ra, công tác sản xuất linh vật thuần Việt như nghê cổ cũng đang cần lực đẩy nhất định để mở rộng đại trà. Theo nghệ nhân Lương Trịnh, dù giá bán gấp rưỡi nhưng thời gian làm một mẫu nghê cổ lâu hơn hẳn sư tử đá. Từ đó, không chỉ Ninh Bình mà nhiều địa phương sản xuất điêu khắc đá khác đang cần được hỗ trợ về công nghệ máy móc, nâng cao tự động hóa. Hiện, làng đá Ninh Vân đang dần chỉ còn các nghệ nhân cao tuổi.
Thứ trưởng Đặng Bích Liên đề xuất cần tập huấn, định hướng cho cơ sở sản xuất linh vật Việt Nam để họ quảng bá sản phẩm rộng hơn. Và trên hết, cần tuyên truyền về giá trị, vẻ đẹp, sự linh thiêng của các linh vật Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận