Đường sắt

Cần 400 tỷ giảm thiểu nguy hiểm đường ngang

17/08/2024, 06:00

Thời gian qua đã có hơn 300 đường ngang có gác được bổ sung tín hiệu để gia tăng an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu khoảng 400 tỷ đồng nữa để bổ sung tín hiệu 184 đường ngang, hoàn thành trong năm 2025.

Tăng cảnh báo, hạn chế rủi ro

Sáng 7/8, có mặt tại khu vực đường ngang qua đường sắt dẫn vào trường THPT Việt Nam - Ba Lan (đường Ngọc Hồi, TP Hà Nội), ghi nhận của PV Báo Giao thông, mật độ phương tiện tại khu vực này khá lớn. 

Cần 400 tỷ giảm thiểu nguy hiểm đường ngang- Ảnh 1.

Thiết bị tín hiệu tại đường ngang có gác.

"Ở đây gần trường học nên giờ tan trường rất đông đúc", ông Đoàn Văn Sinh, Tổ trưởng tổ chắn đường ngang cho hay. 

Câu chuyện bị cắt ngang khi tiếng chuông reo inh ỏi trong nhà gác. Vừa nhanh chân chạy đi đóng chắn, ông Sinh vừa giải thích: "Sắp có tàu".

"Trạm gác đã được lắp đặt hệ thống cảnh báo tàu tới gần nên dù chưa nhìn thấy tàu, có chuông báo là chúng tôi sẽ biết được 2 phút nữa tàu sẽ tới và thao tác đóng chắn dần là vừa", ông Sinh nói thêm. 

Ông Trần Khắc Trung, Cung trưởng Cung tín hiệu đường ngang Giáp Bát cho biết, từ cuối năm 2023, đơn vị đã thi công lắp đặt thiết bị tín hiệu báo hiệu tàu tới gần tại trạm gác này. 

Trước đây, đường ngang chỉ có tín hiệu chuông, đèn báo hiệu sắp có tàu phía đường bộ để người tham gia giao thông biết. 

Nhân viên gác chắn sau khi nhận được điện thoại báo giờ tàu mới thao tác mở tín hiệu, đóng chắn. Nếu vì lý do nào đó, nhân viên gác chắn không thao tác hoặc chậm mở tín hiệu cảnh báo, nguy cơ tai nạn là hiện hữu.

Theo ông Trung, với công nghệ báo tàu tới gần, thiết bị cảm biến sẽ được lắp đặt từ xa. Khi tàu qua, thiết bị này sẽ gửi tín hiệu về tủ điều khiển đặt trong nhà gác đường ngang. 

Chuông sẽ tự động reo để nhân viên biết. Đồng thời, tủ điều khiển tự động phát cảnh báo chuông, đèn phía đường bộ để người tham gia giao thông biết sắp có tàu qua.

Đã bổ sung tín hiệu tại đường ngang

Ông Trương Tử Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội cho biết, đến nay đã có 58 đường ngang có người gác được công ty lắp đặt bổ sung tín hiệu. 

"Một số đường ngang còn được lắp đặt bổ sung tín hiệu ngăn đường. Trường hợp có ô tô chết máy mà nhân viên gác chắn không thể xử lý nhanh khi tàu sắp đến, nhân viên sẽ nhấn nút để phát tín hiệu đến cột tín hiệu ngăn đường. Lái tàu từ xa nhìn tín hiệu sẽ biết có chướng ngại, cho tàu dừng trước đường ngang", ông Bình nêu ví dụ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây là các hạng mục thuộc dự án sửa chữa, bổ sung tín hiệu với 566 đường ngang có người gác. Các đường ngang này được xây dựng, khai thác từ nhiều năm trước nên chưa đảm bảo yêu cầu so với quy chuẩn mới ban hành. 

Năm 2021, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện. Hai năm 2022 và 2023, tổng công ty đã hoàn thành việc bổ sung tín hiệu tại /566 đường ngang, với kinh phí 600 tỷ đồng từ nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt. 

Cần thêm 400 tỷ đồng

Với 184 đường ngang còn lại, ông Tuấn cho hay: Theo kế hoạch ban đầu, việc lắp đặt bổ sung tín hiệu lẽ ra phải hoàn thành trong năm 2023 song vốn chưa bố trí đủ. 

Cần 400 tỷ giảm thiểu nguy hiểm đường ngang- Ảnh 2.

Đường ngang bổ sung tín hiệu báo tàu tới gần.

"Bộ GTVT đã kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành bố trí vốn triển khai thực hiện đối với 184 đường ngang còn lại để hoàn thành trong năm 2025", ông Tuấn nói và cho biết, các đường ngang này hầu hết là giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị ở khu vực dân cư đông đúc, có mật độ phương tiện giao thông lớn. Trường hợp xảy ra tai nạn, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sau đó đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn kinh phí trong năm 2024 để hoàn thành sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang, chậm nhất trong năm 2025. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN đã rà soát danh mục các đường ngang còn lại trong 566 đường ngang. 

Kết quả cho thấy còn 147 đường ngang cần thực hiện bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu. Ngoài ra, có 37 đường ngang tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn được đề xuất bổ sung thêm vào danh mục này. 

"Dự kiến, cần khoảng 400 tỷ đồng để hoàn thiện việc đầu tư, lắp đặt", ông Tuấn nói và mong muốn cơ quan chức năng sớm duyệt chi để tổng công ty có thể triển khai nhanh. 

Ông Trần Xuân Thanh, Đội trưởng Đội chắn đường ngang Giáp Bát cho biết, đơn vị quản lý 18 đường ngang có gác trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Trong đó nhiều đường ngang được bổ sung tín hiệu và 5 đường ngang được lắp đặt tín hiệu báo tàu tới gần.

Việc bổ sung tín hiệu đã mang lại hiệu quả cao trong ngăn ngừa các rủi ro do yếu tố chủ quan từ con người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.