Pháp đình

Cán bộ quản lý thị trường hầu tòa vì để phân “dởm” ra thị trường

28/06/2019, 06:48

Bị cáo Châu Hoài Phương, nguyên Phó chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng và Ung Văn Thanh nguyên kiểm soát viên hầu tòa nhưng một mực kêu oan...

img
Bị cáo Châu Hoài Phương (trái) và bị cáo Ung Văn Thanh tại tòa

TAND TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng. Hai bị cáo là ông Châu Hoài Phương (40 tuổi, nguyên Phó chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (35 tuổi, nguyên kiểm soát viên). Đây là vụ án được dư luận quan tâm vì các bị cáo một mực kêu oan.

“Không gây thiệt hại”

Theo hồ sơ vụ việc, khoảng tháng 3/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành, do ông Châu Hoài Phương làm trưởng đoàn đã kiểm tra và lấy 3 mẫu phân bón có biểu hiện nghi vấn tại một cơ sở kinh doanh phân bón ở TX Ngã Năm (Sóc Trăng). Sau đó, khi gửi xét nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ) và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Sóc Trăng), các mẫu này đều cho kết quả “không đạt chất lượng”.

Không đồng ý với kết quả thử nghiệm lần đầu, cơ sở này yêu cầu gửi mẫu thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP Cần Thơ. Kết quả, cả ba mẫu đều không đạt chất lượng vì đạt thấp hơn mức chất lượng ghi trên nhãn mác bên ngoài.

Đến giữa tháng 6/2016, Chi cục QLTT Sóc Trăng lại tiếp tục gửi mẫu thử nghiệm (lần 3) tại Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ (Cục Trồng trọt). Tại lần kiểm nghiệm thứ 3 này, kết quả đạt.

Tháng 6/2017, ông Phương và Ung Văn Thanh, nguyên Kiểm soát viên Đội QLTT số 7 (thuộc Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng) bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, sau đó chuyển sang tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cáo trạng cho rằng, Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3. Tuy nhiên, ông Châu Hoài Phương “muốn củng cố uy tín cá nhân” nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm lần 3 là sai.

Còn Ung Văn Thanh giúp việc cho Phương nên bị cáo buộc với vai trò đồng phạm. Việc sử dụng kết quả thử nghiệm lần 3 để kết luận doanh nghiệp không vi phạm dẫn đến doanh nghiệp đưa 149 bao phân bón không đạt ra thị trường, gây thiệt hại đến người sử dụng phân bón và làm thất thu ngân sách Nhà nước với số tiền ít nhất là 120 triệu đồng.

3 lần kiểm nghiệm cho 2 kết quả

Tại phiên tòa lần này, với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Nguyễn Việt Trung, Phó giám đốc Sở Công thương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục QLTT Sóc Trăng khẳng định, Đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) cho kiểm nghiệm lần 3 là không gây thiệt hại. Chính ông là người đã ký Công văn số 124, gửi Sở Công thương khẳng định điều này. “Việc cho đi kiểm nghiệm lần 3 là Đoàn muốn tìm đến sự thật khách quan, minh bạch, tìm ra chân lý rõ ràng để xử lý, tránh gây thiệt hại cũng như khiếu nại của nhà sản xuất”, ông Trung trình bày và cho rằng: Quá trình xử lý vụ việc cũng khó tránh khỏi những sai sót, bởi luật hiện nay còn nhiều chồng chéo, khó hiểu trong việc quản lý phân bón của Bộ Công thương. Tuy nhiên, quá trình xử lý vụ việc, “anh em làm công tâm, việc bị khởi tố, xử lý hình sự là quá đau lòng”.

Ngoài ra, chủ tọa phiên toà đã đưa ra hồ sơ là Công văn số 124/QLT-NVTH ngày 9/3/2017 của Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, có nội dung thể hiện: “Việc chấp nhận đề nghị thử mẫu lần 3 là nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan trong xử lý vi phạm hành chính; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân; tránh khiếu nại, khiếu kiện về sau”. Công văn này khẳng định việc làm của Đoàn KTLN chưa gây ra hậu quả hay thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xã hội.

Trong phần xét hỏi, khi Hội đồng xét xử hỏi về Thông tư 26/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công nhận kết quả kiểm tra mẫu lần 2 là căn cứ để xử lý đối với sản phẩm vi phạm về chất lượng hàng hóa, bị cáo Phương cho rằng, sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu lần 2 không đạt, Đoàn KTLN có tổ chức họp để thông báo kết quả cho doanh nghiệp. Thời điểm này, Công ty Con Cò Vàng có cử đại diện đến làm việc và xác nhận là nhà sản xuất đối với các loại phân bón đang bị Đoàn KTLN xử lý. Đại diện công ty yêu cầu cho kiểm nghiệm lại lần 3 và được tất cả thành viên trong Đoàn KTLN thống nhất và bị cáo Phương là người có ý kiến kết luận cuối cùng.

“Do việc xuất hiện nhà sản xuất nhận trách nhiệm hàng hóa đang bị xử lý, nên không thể áp dụng Thông tư 26 mà phải áp dụng Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để giải quyết yêu cầu của nhà sản xuất là cho kiểm nghiệm lần 3”, bị cáo Phương nói và lý giải thêm rằng: Tại Điều 9 Thông tư 26 chỉ quy định về quyền khiếu nại của người bán hàng khi bị xử lý vi phạm, còn trường hợp Đoàn KTLN cho đi kiểm nghiệm lần 3 là giải quyết theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Cũng theo bị cáo Phương, sau khi kiểm nghiệm lần 3 cho kết quả đạt chất lượng, các thành viên trong Đoàn KTLN đều biết và thống nhất, rồi mới thông báo cho doanh nghiệp biết và gỡ niêm phong hàng hóa. “Việc Đoàn KTLN cho đi kiểm nghiệm lần 3 là đúng, vì kết quả lần 3 đạt chất lượng, việc làm này không gây thiệt hại”, bị cáo Phương khẳng định.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến hết tuần này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.