Cận cảnh bến xe Lương Yên trước ngày di dời |
Tiếp sau bến xe Hà Đông, Kim Mã, bến xe Lương Yên sẽ chấm dứt “sứ mệnh” của một bến xe tạm trong nhiều năm vào cuối tháng 7 tới, theo quy hoạch giao thông Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030.
Nằm trên đường Nguyễn Khoái (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nộ vốn là một nhà máy xay xát đã phải ngừng hoạt động vì gây ảnh hưởng môi trường. Năm 2004, để giải quyết tình hình trước mắt về nguồn lao động dôi dư của nhà máy, mặt bằng trống được tận dụng khai thác làm bến xe tạm trên nền diện tích 10.200 m2.
Bến xe Lương Yên |
Bến xe này đã nhiều lần được gia hạn. Trong Quyết định số 1593/QĐ- SGTVT ngày 29/7/2013, bến xe khách Lương Yên tiếp tục được gia hạn thêm 3 năm nữa nhưng sẽ phải chấm dứt hoạt động vào ngày 26/7/2016. Suốt 12 năm tồn tại, là một bến xe tạm giữa trung tâm thành phố, bến xe Lương Yên không được đầu tư, nâng cấp. Cơ sở vật chất nơi đây đang xuống cấp.
Toàn cảnh bến xe Lương Yên nhìn từ trên cao |
Đối chiếu theo khung quy chuẩn dành cho bến xe khách do Bộ GTVT ban hành quy định về các hạng mục: khu vực y tế, nơi phục vụ người khuyết tật, có diện tích khu vệ sinh lớn hơn 1% tổng diện tích khu vực xây bến, có diện tích dành cho cây xanh, thảm cỏ tối thiểu 2% dành cho tổng diện tích… bến xe Lương Yên hoàn toàn không đạt chuẩn. Hình ảnh ghi nhận tại hiện trường cho thấy, nhiều diện tích mặt bằng thậm chí đang bị sử dụng sai mục đích. Nhiều bãi đất trống tại bến xe trở thành bãi đáp của taxi dù, bãi thuê độc quyền của một số hãng xe, bãi bốc dỡ và tập kết hàng hóa của nhiều nhà xe tư nhân.
Nhiều lán trại được tự do dựng trong bến xe |
Nhiều lán, trại được dựng tự do, tạm bợ trong bãi bến để nuôi gà, thả chó, gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường và mất mỹ quan chung. Tình trạng bán hàng rong diễn ra phổ biến cả ở khu vực bãi đỗ lẫn nhà chờ dành cho hành khách.
Nhà chờ bến xe khách Lương Yên |
"Nhếch nhác, tạm bợ” là chia sẻ của nhiều hành khách khi tới bến xe Lương Yên. Ngay tại phòng bán vé, nơi được coi là “bộ mặt” của bến xe, nội thất hầu hết đã cũ. Không gian phòng vé những ngày hè rất nóng nực, khai nồng mùi xú uế từ ngoài bãi xộc vào. Không ít khách hàng phải đeo khẩu trang để tránh mùi ô nhiễm trong lúc chờ xe chạy. Diện tích phòng vé quá nhỏ hẹp so với công suất khai thác của bến xe, không đảm bảo tiêu chuẩn về quy hoạch bến xe. Những hạng mục công trình xuống cấp bị bỏ quên, không được đầu tư cải tạo, nâng cấp.
Vệ sinh ở đây rất bẩn thỉu |
Khu vực bên ngoài bãi đỗ cũng không được dọn dẹp thường xuyên, rác và nước thải vương khắp nơi.
Phía bên ngoài bến xe luôn xảy ra tình trạng tắc đường |
Theo phản ánh của rất nhiều người tham gia giao thông và cư dân sinh sống quanh khu vực, hoạt động ở bến xe Lương Yên nhiều năm nay đã biến đoạn đường ra vào bến trở thành điểm nóng cả về giao thông lẫn an ninh. Tuyến đường trước cổng ra vào bến xe thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng…
Theo quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm được nâng cấp, cải tạo; riêng bến xe Lương Yên không có trong danh sách này. Hiện Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa vào Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để mang lại bộ mặt mới khang trang hơn cho Thủ đô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận