Ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau hơn 10 năm, đường Lê Thánh Tông đoạn từ QL9 đến đường Hùng Vương đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số đoạn trong cảnh “bất động” ngổn ngang, nhất là đoạn từ đường Mai Hắc Đế đến đường Hàm Nghi và đoạn từ QL9 đến cổng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị... trong cảnh nhếch nhác, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.
Đường 2 đầu cầu Sông Hiếu, đường Lê Thánh Tông cũng là một trong những công trình, dự án đã thi công nhiều năm chưa hoàn thành này cử tri đã nhiều lần phản ánh và tiếp tục được các đại biểu “điểm danh” tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII (từ ngày 7-9/12), đề nghị UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo sớm thi công hoàn thành.
Một trong những đoạn dở dang tại công trình đường Lê Thánh Tông, TP Đông Hà
Cầu Sông Hiếu và đường hai đầu cầu được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định 896 ngày 26/5/2010 và phê duyệt điều chỉnh bổ sung tại Quyết định 426 ngày 8/3/2017, chiều dài 5,94km, tổng mức đầu tư 588,796 tỷ đồng, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, riêng công tác GPMB do UBND TP Đông Hà thực hiện.
Công trình này triển khai thi công từ năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đưa vào sử dụng 4,68/5,94km, còn lại 1,26km trong cảnh dở dang suốt cả thời gian dài, gồm đoạn từ QL9 đến cổng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và 2 đoạn từ đường Mai Hắc Đế đến đường Hàm Nghi.
Đáng chú ý, ngoài 3 điểm vướng mặt bằng, trên đoạn tuyến còn lại này có đoạn không vướng mặt bằng như đoạn trước Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị... Thế nhưng, sau khi thi công xong cống hộp “khủng” ngang qua đoạn đường đến nay, công trường cũng vắng bóng máy móc thiết bị thi công.
Theo đơn vị đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị), đối với đoạn còn lại dài 1,26km trên, đoạn từ đường Hàm Nghi đến đường Mai Hắc Đế dài 820m đã thi công hoàn thành cống hộp “khủng” trên và cống dọc bổ sung; hoàn thành mặt đường bê tông nhựa dài 366m từ Km 0+256 - Km 0+622. Trên đoạn này còn vướng 1 hộ gia đình chưa thống nhất phương án đền bù hỗ trợ, GPMB.
Còn đoạn từ cổng Trường Cao đẳng Sư phạm đến QL9 dài 440m, hoàn thành đắp đất K95, K98 nền đường 415/440m đã có mặt bằng; đoạn còn lại dài 25m kết nối QL9 vướng mặt bằng 2 hộ dân, vừa qua mới cơ bản giải tỏa căn nhà 2 tầng của một trong 2 hộ dân trên.
Đại diện đơn vị chủ đầu tư cũng cho biết, từ năm 2010 đến năm 2019 công trình được bố trí vốn 375,142 tỷ đồng để thi công hoàn thành được 4,68km trên tổng số 5,94km (bao gồm cả cầu Sông Hiếu và cầu Khe Mây thuộc gói thầu số 1, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 15/11/2018).
Một đoạn còn dở dang khác trên tuyến
Còn lại các đoạn từ Hàm Nghi đến giao với đường Mai Hắc Đế và đoạn từ cổng Trường Cao đẳng Sư phạm đến giao QL9 (dài 1,26km) đến cuối năm 2020 mới bố trí 25,9 tỷ đồng để triển khai thi công và kéo dài sang thực hiện năm 2021.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vướng mắc về mặt bằng thi công, khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp cùng với thời tiết không thuận lợi nên năm 2021 chỉ giải ngân 3,417 tỷ đồng trên tổng số 25,9 tỷ đồng (đạt 13,19% kế hoạch bố trí), giá trị còn lại chưa được giải ngân 22,483 tỷ đồng.
Số vốn 22,483/25,9 tỷ đồng này không được kéo dài sang năm 2022 theo quy định, khiến những đoạn dở dang còn lại tại công trình “bất động”. Trước khó khăn này, chủ đầu tư có văn bản đề nghị Sở Tài chính có ý kiến về xử lý số vốn không được kéo dài nói trên và đề xuất nguồn vốn để bảo đảm hoàn thành, sớm đưa dự án hơn 588 tỷ đồng này vào khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, thời gian qua dự án vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, do công trình được khảo sát, thiết kế hơn 11 năm (từ năm 2010 đến nay) nên hiện trạng có nhiều thay đổi và do khó khăn về nguồn vốn nên đã cắt giảm chưa đầu tư một số hạng mục công trình như: hệ thống thoát nước dọc, hè đường, cây xanh... Vì vậy thời gian qua phải xin điều chỉnh, bổ sung một số nội dung công việc tại một số vị trí các gói thầu xây lắp 2, 3, 4 cho phù hợp với thực tế, để đảm bảo công năng vận hành khai thác công trình.
Trên đoạn tuyến còn lại còn vướng mặt bằng và cần khoảng 16 nghìn m3 đất đắp, nhưng nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm... cũng khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiện nay, cùng với việc UBND TP Đông Hà đang tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB, chủ đầu tư dự án cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính bố trí nguồn vốn cho dự án để thu công hoàn thành các hạng mục còn lại và tiếp tục gia hạn tiến độ hoàn thành dự án này vào năm 2023.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại công trình dở dang:
Cảnh dở dang, nhếch nhác đoạn tại đoạn từ cổng Trường Cao đẳng Sư phạm đến giao QL9
Điểm nghẽn lớn nhất đoạn này là ngôi nhà 2 tầng phía trước
Ngôi nhà 2 tầng đã được tháo dỡ cách đây vài tháng
Tuy nhiên, công trình dở dang vẫn "bất động"
Vị trí dở dang khác tại đoạn trước đường vào Trường Cao đẳng Sư phạm
Cầu Khe Mây với đoạn tuyến đường Lê Thánh Tông đến trước cổng Trường Cao đẳng Sư phạm đã hoàn thành từ lâu
Cỏ mọc um tùm trên đoạn tuyến dở dang qua trước Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị
Cống hộp tại đoạn này đã hoàn thành lâu nhưng công tác thi công hoàn thành vẫn... bất động
Trong khi đó, hệ thống thoát nước tại đây đã xuống cấp hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, đặc biệt vào ban đêm
Đoạn tuyến gần đó cũng đang "nằm chờ" để thảm nhựa
Máy móc thiết bị thi công hệ thống thoát nước tại vị trí còn dở dang trên đoạn từ đường Mai Hắc Đế - Hàm Nghi
Nhưng sau đó, máy móc thiết bị cũng đã rút đi
Đoạn tuyến đường Lê Thánh Tông còn ngổn ngang tại vị trí giao với đường Hàm Nghi
Sau hơn 10 năm , dự án có tổng mức đầu tư hơn 588 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành và hiện nay đang tiếp tục... chờ được bố trí vốn để hoàn thành vào cuối năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận