Ngày 11/10, PV Báo Giao thông quay trở lại thị trấn Mường Xén, xã Tà Cạ (thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) - nơi vừa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng vào sáng ngày 2/10. |
Theo quan sát, dù đã qua 10 ngày nhưng mọi thứ vẫn đang rất ngổn ngang. Nhiều khu dân cư với những nếp nhà sàn – đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An nay chỉ còn là bãi đất trống cùng rất nhiều đất đá và rác. |
Bên cạnh những ngôi nhà đã được dọn dẹp, vẫn còn những ngôi nhà vẫn đang bị bùn đất lấp đầy; đồ đạc, đất đá, cành cây… nằm lăn lóc ở dưới khe suối, bên đường đi. |
Ông Lô Văn Tiến (SN 1962, ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ) mếu máo: Trôi hết rồi, chỉ còn mỗi cái nhà tắm mới được làm kiên cố là còn trơ trọi nữa thôi. Giờ muốn xây dựng lại cũng không biết bắt đầu từ đâu cả. |
Ngay cạnh đó, gia đình anh Vi Văn Duy (SN 1986) cũng cho biết: Nhà ở trên cao không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng 4 ao cá, 3 chuồng lợn, và 2 ruộng lúa bị lũ cuốn trôi sạch tinh, không còn dấu vết gì. |
“Trang trại này mới được gia đình đầu tư hơn 500 triệu đồng, lũ đi qua, cả nhà trắng tay. Hiện tiền nợ ngân hàng đang còn hơn 300 triệu. Muốn làm lại cũng không biết vay vốn ở đâu để làm”, anh Duy nói. |
Tại bản Sơn Hà, xã Tà Cạ cũng bị lũ quét, khiến nhiều nhà dân bị cuốn trôi hoàn toàn, nhiều tài sản có giá trị chìm trong bùn đất, bị hư hỏng. |
Ngôi nhà chính của chị chị V.Y.D (SN 2003, ở bản Sơn Hà) bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, một căn lều bằng bạt mới được dựng tạm lên, bên trong dựng một bàn thờ đơn sơ của cháu M.N.C (4 tháng tuổi)… - nạn nhân duy nhất tử vong trong trận lũ lịch sử. |
Bà Thái Y Xày (bà nội cháu C.) lo lắng: "Cả nhà vẫn đang đi ở tạm nhà họ hàng. Giờ muốn xây nhà lại cũng sợ lắm, sợ lũ lại quay lại lúc nào không hay. Nếu nhà nước tìm được chỗ ở mới, gia đình sẽ chuyển đi để sinh sống cho an toàn". |
Tại thị trấn Mường Xén, tuyến đường QL7A và đoạn đường trước trụ sở Huyện uỷ - UBND huyện Kỳ Sơn đã được dọn dẹp hết đất đá nhưng dấu vết của một trận lũ quét kinh hoàng còn lưu lại khá rõ. |
Hầu hết các ngôi nhà ở khối 1 của thị trấn đã được dọn dẹp, nhưng có những căn nhà người dân vẫn chưa vào ở vì đồ đạc bên trong đã bị hư hỏng hoàn toàn. Điển hình như trường hợp gia đình anh La Khăm Ỏn. |
Trong khi đó, tuyến đường liên xã từ thị trấn Mường Xén đi xã Tây Sơn gần như đã hư hỏng hoàn toàn. Do một đoạn ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ bị đứt đường nên hiện nay các phương tiện chưa thể lưu thông qua được. |
Sau một tuần bị chia cắt vì mưa lũ, nhiều bà con ở xã Tây Sơn vẫn đang đi xuống thị trấn để gùi đồ cứu trợ vào nhà. Con đường bị hư hỏng khiến việc chuyển đồ tiếp tế thêm khó khăn. |
Chị Vi Thị Thuận (SN 1990) cho biết: "Xã Tây Sơn không bị ảnh hưởng bởi lũ quét, nhưng do mưa và đường bị chia cắt nên người dân hết lương thực thực phẩm. Hiện nay, đường vẫn đang bị đứt, phương tiện chưa đi lại được nên người dân phải đi gùi, rất vất vả vì đường xa và khó đi". |
Huyện Kỳ Sơn cũng đã thành lập trung tâm tiếp nhận hàng cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại do lũ quét. Trung tâm do 1 phó Chủ tịch UBND huyện và 1 Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện trực tiếp phụ trách. |
Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (áo đỏ) cho biết: "Mọi hỗ trợ của người dân khi qua trung tâm đều được thống kê, xác nhận đầy đủ và được phân phát cho những vùng bị thiệt hại do mưa lũ. Tính đến sáng ngày 12/10, trung tâm đã tiếp nhận sự hỗ trợ bao gồm tiền mặt, hàng hóa và qua tài khoản của Mặt trận Tổ quốc với tổng số tiền là hơn 30 tỷ đồng". |
“Có nhiều cách để các nhà hảo tâm hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại. Các nhà hảo tâm có thể nhờ trung tâm chuyển hàng cứu trợ đến người dân hoặc đăng ký qua trung tâm xác nhận rồi trực tiếp đi thẳng đến khu vực bị ảnh hưởng rồi trao trực tiếp cho người dân”, bà Quyên cho biết thêm. |
Trong khi đó, hiện nay các lực lượng quân đội, công an vẫn đang bám trụ để hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả của mưa lũ gây ra. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận