Trước đó, trong Kết luận thanh tra toàn diện các dự án của Công ty CP Thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kết luận, Dự án khu nhà ở cao cấp Ngôi Nhà Mới tại huyện Quốc Oai được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) giao chủ đầu tư không qua đấu thầu dự án, vi phạm quy định nghị định 90/2006 của Chính Phủ về lựa chọn nhà đầu tư phát triển nhà ở thương mại.
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, TTCP cũng chỉ rõ, UBND Tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) phê duyệt tiền sử dụng đất đối với dự án là 210 tỷ đồng. Năm 2010, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt bổ sung tiền sử dụng đất 151 tỷ, số tiền này Công ty đã nộp vào ngân sách.
Tháng 3/2017, TP Hà Nội tiếp tục có quyết định thu bổ sung số tiền sử dụng đất 84 tỷ do điều chỉnh quy hoạch, công ty đã nộp 47 tỷ, còn lại 37 tỷ được giảm trừ để làm hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ 3,1ha.
Tuy nhiên, khi xác định tiền sử dụng đất, UBND TP Hà Nội đưa 227 tỷ chi phí dự phòng, 9,6 tỷ chi phí kiểm định chất lượng vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ tiền sử dụng đất là không đúng quy định.
Do đó, cơ quan thanh tra kiến nghị với chính phủ, xem xét, chấp thuận đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đối với dự án: Cụ thể:
Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đề xuất việc xác định giá đất theo phương án thặng dư, tổng chi phí phát triển có bao gồm chi phí dự phòng; Đối với chi phí khác (trong đó có chi phí chứng nhận phù hợp chất lượng công trình) Bộ Xây dựng đề xuất: Căn cứ loại, cấp công trình, thời điểm lập tổng mức đầu tư, khu vực xây dựng cụ thể để bổ sung các chi phí cho phù hợp.
Để ghi nhận việc thực hiện kết luận thanh tra, PV đã liên hệ với ông Lê Văn Vọng, đại diện pháp luật của Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới, chủ đầu tư dự án, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một dự án bất động sản được giao đất không qua đấu thầu là trái quy định của pháp luật. Theo đó, các văn bản pháp lý liên quan về sau đều vô hiệu và không có giá trị.
"Trường hợp phát hiện quyết định giao đất trái quy định mà dự án đã đầu tư thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu các cơ quan ra văn bản trái thẩm quyền bồi thường giá trị các hạng mục đã đầu tư. Nhưng bản chất, đất được giao trái quy định phải được trả nguyên trạng về Nhà nước. Và nếu ai muốn được sở hữu lô đất đó thì phải thông qua thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật, lúc đó mới được pháp luật công nhận", luật sư Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, sau khi đã phát hiện dự án được giao đất không thông qua đấu giá thì việc "hợp thức hoá" là không phù hợp. "Cơ quan chức năng không thể làm ra các quyết định hành chính để hợp thức hoá việc giao đất không đúng được. Dự án phải được đưa ra đấu giá, đấu thầu công khai, để nhà đầu tư quan tâm có quyền tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm lợi cho một doanh nghiệp nào đó và tạo sự công bằng trong lĩnh vực đầu tư", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận