Khám phá

Cận cảnh khối đá niên đại gần 3 tỷ năm và hàng trăm mẫu vật hóa thạch

27/06/2022, 15:33

Khối đá cổ nhất Việt Nam có niên đại 2,936 tỷ năm cùng hàng trăm mẫu vật hóa thạch đem đến sự ngạc nhiên đầy thú vị với khách tham quan tại Huế.

Đây là bộ sưu tập hơn 2000 mẫu hóa thạch đang được trưng bày tại triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong khuôn khổ Festival Huế 2022.

Triển lãm do Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tại di tích Bộ học triều Nguyễn (76 Hàn Thuyên, TP Huế), thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

img

Khối đá có niên đại 2.936 tỷ năm, thuộc đại Mesoarkei - khối đá cổ nhất tại Việt Nam, tại triển lãm

GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam cho biết, mỗi mẫu vật hoá thạch được sưu tầm đều góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của nhân loại về thế giới sinh vật từng có mặt trong lịch sử Trái đất.

Triển lãm hoá thạch lần này của Bảo tàng Hoá thạch Hà Nội là cơ hội đem đến cho cộng đồng một cái nhìn đúng đắn và những nguồn kiến thức bổ ích của lĩnh vực cổ sinh vật học.

Những mẫu vật nguyên bản tại triển lãm được sưu tầm từ nhiều quốc gia và tại nhiều địa phương ở Việt Nam, triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái đất” đem đến sự ngạc nhiên đầy thú vị cho khách tham quan về lịch sử tự nhiên của trái đất trải dài hàng trăm triệu năm qua các hiện vật hóa thạch; về sự ra đời, tiến hoá và diệt vong của nhiều loài sinh vật đã từng tồn tại cách đây hàng trăm triệu năm.

Một trong những “điểm nhấn” tại triển lãm là tảng đá có niên đại 2,936 tỷ năm, được PGS.TS Trần Ngọc Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lý - Địa chất của Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế tìm thấy tại thác nước Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (thuộc dãy núi Con Voi).

img

Du khách tỉ mỉ chụp lại khối đá có niên đại 2.936 tỷ năm được tìm thấy tại Việt Nam

Để có thể xác định chính xác niên đại của “viên đá cổ nhất Việt Nam” này, PGS. TS Trần Ngọc Nam đã lấy những tinh thể zircon lấy trong tảng đá mang sang phòng thí nghiệm hiện đại ở Nhật Bản để xác định tuổi tuyệt đối bằng phương pháp phân tích đồng vị U/Pb.

Từ kết quả thí nghiệm cho thấy, tảng đá này có niên đại 2.936 tỷ năm, thuộc đại Mesoarkei - trở thành khối đá cổ xưa nhất tại Việt Nam.

“Khối đá này được mang về từ thác nước Hưng Khánh kể trên, đã trải qua nhiều chu kỳ kiến tạo, nhiều pha tạo núi lớn nhỏ, từng là “chứng nhân” của lịch sử phát triển sinh giới, từ những sinh vật đơn bào kích thước hiển vi ban đầu, đến những con thú khổng lồ từng làm mưa làm gió trên hành tinh trong suốt lịch sử dài lâu gần 3 tỷ năm của đất nước hình chữ S hôm nay”- thông tin về viên đá cổ nhất Việt Nam nói trên tại triển lãm.

Triển lãm sẽ diễn ra tại Huế đến 31/10/2022.

>>>> Một số hình ảnh tại triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất”:

img

Cận cảnh khối đá có niên đại 2.936 tỷ năm tại Việt Nam

img

Khối đá cổ nhất Việt Nam nằm ở khu vực trung tâm của triển lãm, cạnh đó là cúc đá...

img

GS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam chia sẻ về "Thằn lằn cá"

img

Mẫu vật về Voi ma mút lông

img

Hóa thạch Bọ ba thùy...

img

Bọ ba thùy Chợ Mới

img

Hóa thạch San hô, Huệ biển

img

Hóa thạch răng người

img

Hóa thạch răng Khủng long Spinosaur tìm thấy tại Ma Rốc

img

"Khủng long" tìm thấy tại Lào

img

Hóa thạch thằn lằn Mosasaur

img

Hóa thạch răng cá mập Megalodon

img

Hóa thạch hàm, hóa thạch xương chi cá sấu Na Dương

img

Cúc đá - Ammonite

img

Khách tham quan chăm chú tìm hiểu về các mẫu vật hóa thạch

img

Triển lãm đem đến sự ngạc nhiên đầy thú vị cho khách tham quan về lịch sử tự nhiên của trái đất trải dài hàng trăm triệu năm qua các hiện vật hóa thạch; về sự ra đời, tiến hoá và diệt vong của nhiều loài sinh vật đã từng tồn tại cách đây hàng trăm triệu năm

img

Triển lãm thu hút nhiều du khách và các em nhỏ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.