Đời sống

Cận cảnh nghề ngâm mình dưới nước càng ô nhiễm càng kiếm được nhiều tiền

21/03/2022, 19:40

Bất kể thời tiết dù mưa nắng hay gió rét, ngày ngày họ ngâm mình dưới dòng nước đen ngòm, hôi thối, ô nhiễm để mưu sinh…

Ngâm mình dưới dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối đến khó chịu nhưng những người bắt trùn chỉ vẫn ngày này qua ngày khác, bất kể nắng hay mưa, lạnh hay nóng để kiếm tiền mưu sinh.

Tuy nhiên bù lại, mỗi ngày họ chỉ làm một buổi và có thu nhập khoảng nửa triệu đồng/ngày.

Bắt trùn chỉ là "nghề" mới ở Sóc Trăng, đa số những người dân làm nghề này là tự phát do trước đây có ít người nuôi cá kiểng.

img

Ông Chắc đang bắt trùn chỉ.

Dừng tay hút điếu thuốc cho ấm ngay giữa làn nước đen, ông Nguyễn Đình Chắc (50 tuổi, ở xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi làm nghề này cũng được 4-5 năm nay.

Sáng sớm, tôi chạy xe chở đồ nghề là một cái vợt và 2 cái thau nhựa từ Mỹ Tú ra sông Maspero (phường 6, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) để bắt trùn chỉ về bán cho các điểm kinh doanh cá cảnh hoặc ương cá bột giống.

Thường tôi chỉ bắt vào buổi sáng, khi con nước ròng (nước xuống). Khi nước rong (nước lớn) là về. Mỗi ngày lặn lội dưới làn nước đen, bốc mùi này, tôi cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình”.

img

Nước càng ô nhiễm, lại càng có nhiều trùn.

Nói về kinh nghiệm tìm trùn dưới dòng nước, ông Chắc cho biết: “Mình quan sát màu nước và độ mịn của bùn. Nếu nước vẩn đục, bùn mịn là chắc chắn chỗ đó có nhiều trùn.

Khi đã xác định được vị trí có nhiều trùn, người bắt trùn đặt vợt xuống dưới nước, hụp mình xuống dòng nước ngập đến cổ, chỉ còn nhô cái đầu lên, dùng tay lùa bùn vào vợt.

Cho đến khi đã đầy vợt thì đưa lên, sàng qua sàng lại cho bùn trôi bớt ra ngoài, cho đến khi trong vợt chỉ còn sót lại một ít bùn có màu hơi hồng (màu của trùn chỉ) thì đổ vào thau rồi tiếp tục bắt đợt khác cho đến khi nước lớn là thu xếp lên bờ về nghỉ, ngày hôm sau lại đi tiếp”.

Nhìn ông Chắc đang lặn lội dưới dòng nước, anh Nguyễn Hữu Hùng (phường 6, TP Sóc Trăng) chia sẻ: “Nước ở các con sông trên địa bàn TP Sóc Trăng bị ô nhiễm nặng. Nước màu đen, bốc mùi hôi rất khó chịu.

Ngâm mình dưới nước này rất dễ bị bệnh ngoài da. Không chỉ thế, còn có rất nhiều nguy hiểm chực chờ như mảnh vỡ thuỷ tinh, chai lọ, đồ gốm, gạch đá, sắt vụn… do nhiều người ném xuống dễ gây thương tích cho người bắt trùn. Biết nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên họ vẫn tiếp tục công việc”.

Anh Khởi (ở TP Sóc Trăng), một người bắt trùn dừng tay cho biết: “Xuống nước mới biết được sự nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên phải đeo.

Thời gian đầu cũng khó chịu lắm nhưng riết rồi quen. Loại trùn chỉ này chỉ thích sống và sinh trưởng nhanh ở nơi ô nhiễm chất hữu cơ”.

img

Anh Khởi với công việc hàng ngày đối mặt với ô nhiễm.

Theo anh, dọc theo sông Maspero có khoảng 6-7 người hành nghề, hết chỗ này lại đi sang chỗ khác. Nơi nào càng ô nhiễm lại càng nhiều trùn chỉ.

“Mỗi ngày tôi bắt được khoảng 2-3 ký, cũng có ngày hơn, mỗi ký bán được 120.000 đồng. Thu nhập cũng khoảng trên dưới 500.000 đồng/ngày”, anh Khởi nói.

Ông Chắc tâm sự: “Làm công việc này vất vả, luôn tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm trong nhiều giờ mỗi ngày nhưng cho thu nhập ổn định nên đeo theo luôn. Chỉ mong đừng gặp sự cố, sức khỏe tốt là được.

Nói vậy nhưng tôi và nhiều người vẫn mong dòng sông không ô nhiễm thì tốt hơn, có thể mình không bắt trùn chỉ nhưng sẽ kiếm công việc khác để làm, bảo vệ sức khỏe lâu dài”.

Trùn chỉ là món ăn khoái khẩu của các loại cá cảnh nuôi tại gia đình và cá bột ương ở các trại giống. Các điểm kinh doanh cá kiểng sẽ mua vào từ những người vớt trùn, và bán lẻ lại cho người nuôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.