Ngày 25/4, PV Báo Giao thông có mặt tại Nhà máy Liên hợp Gang thép (hay còn gọi là Nhà máy Gang thép Vạn Lợi) của Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh.
Theo ghi nhận, nhà máy nằm trên một diện tích rộng lớn hàng chục héc ta, ở vị trí đắc địa trong Khu Kinh tế Vũng Áng (thuộc phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh); gần sát với QL1, QL12C và cách cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương không bao xa.
Video Nhà máy Gang thép Vạn Lợi bị bỏ không
Trái ngược với kỳ vọng về một nhà máy gang thép có công suất 500.000 tấn/năm và hứa hẹn thu hút hơn 2.000 lao động sở tại, cả một đại công trình giờ đây chỉ vỏn vẹn là một đống "sắt vụn" không hơn không kém.
Bốn bề xung quanh nhà máy vắng lặng, không một bóng người. Duy chỉ cổng chính có một người đàn ông trung tuổi tự nhận mình là bảo vệ, các cổng còn lại đều bị rào kín.
Phần lớn các hạng mục xây dựng trong nhà máy đang còn dang dở, rong rêu phủ kín các bức tường. Hệ thống nhà xưởng, máy móc bị gỉ sét, chuyển sang màu đen kịt và hư hại nhiều phần.
Phía bên trong bức tường rào bảo vệ, từng kiện hàng gồm lò gió, vỏ quạt gió, các loại cầu trục… được che đậy qua loa nằm lăn lóc giữa những đám cỏ dại mọc um tùm.
Hoạt động duy nhất của đại nhà máy ở thời điểm hiện tại là sự ăn mòn của gỉ sắt và sự phát triển của rong rêu, cỏ dại.
Như trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, Ngày 24/4/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh và các Tổ chức tín dụng liên quan.
Theo đó, tháng 5/2007, Tổng Công ty Thương mại và Khoáng sản Hà Tĩnh, Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty Cổ phần Mangan thuộc Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã thống nhất góp vốn thành lập Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh.
Ngày 16/6/2007, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh quyết định khởi công xây dựng Nhà máy Liên hợp gang thép với tổng mức đầu tư lên đến 1.764 tỷ đồng với công suất 500.000 tấn/ năm. Trong đó, tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn I là 876 tỷ đồng, công suất 250.000 tấn/ năm.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất gần 26ha tại phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh. Dự tính mỗi năm sẽ cho nguồn thu 5.000 tỷ đồng, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh sẽ nộp ngân sách cho địa phương 250 tỷ và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động địa phương.
Dự án này triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức ngân hàng chịu cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư là 15% còn lại.
Theo chứng nhận đầu tư, trong giai đoạn 1 thực hiện dự án, có 3 ngân hàng tham gia cho Công ty Gang thép Hà Tĩnh vay vốn và đã giải ngân gần 1.000 tỉ đồng.
Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hơn 600 tỉ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần 50 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 70 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ cho ra mẻ gang đầu tiên vào cuối năm 2008 . Tuy nhiên, dự án đã không thực hiện được như cam kết và chưa kịp khai sinh đã phải khai tử.
Theo cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh, tong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm như năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện.
Bên cạnh đó, do sự biến động của thị trường nên dự án hiện dang dở, gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và 164.889,85 USD.
Đến cuối tháng 7/2015, Dự án Liên hợp Gang thép bị chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 26/4/2019, Nhà máy Gang thép Vạn Lợi được bán đấu giá với giá 205 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận