Xã hội

Cần cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông

Chiều nay (27/10), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

ĐBQH đề nghị cần nhiều cơ chế đặc thù để gỡ khó về khai thác khoáng sản làm giao thông - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận).

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho rằng, để giải quyết những vướng mắc liên quan đến đầu tư các dự án giao thông sẽ phải sửa đổi, bổ sung đồng thời nhiều văn bản luật như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Giao thông đường bộ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Việc sửa đổi các chính sách tại các luật có liên quan cần có nhiều thời gian. Trong khi đó, các khó khăn hiện nay tập trung ở một số dự án có tính chất, điều kiện đặc thù như dự án đi qua địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, không thu hút được vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, dự án đoạn tuyến cao tốc thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải đi qua địa bàn nhiều tỉnh...

"Do đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về một số chính sách thí điểm đặc thù, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm một số dự án giao thông đường bộ đang triển khai là cần thiết, phù hợp về thẩm quyền theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", bà Nguyên nói.

Khai thác mỏ không chỉ cần mỗi giấy phép!

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho biết, khoản 1 trong dự thảo Nghị định quy định: Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

ĐBQH đề nghị cần nhiều cơ chế đặc thù để gỡ khó về khai thác khoáng sản làm giao thông - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái).

"Chúng tôi hiểu rằng, quy định như vậy để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên để làm mỏ khai thác khoáng sản đi vào hoạt động thì không đơn giản chỉ có mỗi giấy phép", ông Luận nói.

Đại biểu Luận nhấn mạnh, trong lĩnh vực khai thác khoáng sản thì rất nhiều dự án thực hiện ở các địa bàn vùng núi cho nên cần phải có nhiều thủ tục như chuyển đổi mục đích rừng, thủ tục về đất đai… Nếu chỉ cởi bỏ mỗi giấy phép khai thác mỏ khoáng sản thì vẫn vướng như bình thường.

"Nếu đã cho cơ chế đặc thù ở khai thác mỏ khoáng sản thì cần thực hiện hết từ giấy phép đến chuyển mục đích rừng, thủ tục đất đai... Bởi một số dự án kéo đường điện chỉ vướng vài cột điện nằm ở rừng tự nhiên thôi mà "tắc" cả năm trời không làm được", ông Luận dẫn chứng.

Cần miễn cả thủ tục đầu tư dự án

Cùng phát biểu về nội dung này, đại biểu Đỗ Đức Duy (đoàn Yên Bái) cho biết, các dự án khai thác khoáng sản nói chung, trong đó có khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng có hai tài liệu quan trọng gồm: Giấy phép khai thác khoáng sản và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

ĐBQH đề nghị cần nhiều cơ chế đặc thù để gỡ khó về khai thác khoáng sản làm giao thông - Ảnh 3.

Đại biểu Đỗ Đức Duy (đoàn Yên Bái).

"Hiện nay, mới quy định miễn giấy phép, còn chưa quy định có phải lập dự án đầu tư hay không, bởi các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, hay là cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… đều phải thực hiện dựa trên dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt", ông Duy nói và cho rằng, cần miễn cả thủ tục đầu tư dự án.

"Nếu miễn thủ tục đầu tư thì các thủ tục về môi trường, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cũng chỉ làm trên cơ sở báo cáo khảo sát vật liệu xây dựng, rất đơn giản, còn nếu không việc miễn giấy phép chưa tháo gỡ được những khó khăn thực tế hiện nay", ông Duy nói.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng, giấy phép khai thác khoáng sản chỉ là bước đầu, muốn được khai thác thì còn phải nhiều giấy tờ liên quan khác.

"Trong đó, đánh giá tác động môi trường cũng rất công phu. Trong thời gian qua có thực trạng, khi có được giấy phép khai thác rồi nhưng vẫn chưa thể khai thác vì còn phải làm các thủ tục khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án giao thông", ông Sỹ nói và cho rằng, đặc thù thì cần phải có hướng dẫn rõ để đẩy nhanh tiến độ khai thác mỏ vật liệu phục vụ các dự án giao thông.

Điều 7, dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ quy định về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường:

Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

Việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; Chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; Nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án có nhu cầu thí điểm, nếu đáp ứng nguyên tắc, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án trong thời gian giữa hai kỳ họp.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.