360 độ thể thao

Cán Cris: Tôi làm đại diện cho Hùng Dũng vì cậu ấy sống tử tế

21/06/2021, 15:13

Từ Đỗ Hùng Dũng cho tới những cầu thủ sau này, Cán Cris cho biết, anh luôn lựa chọn làm việc với những cầu thủ tử tế.

img

Cán Cris và Hùng Dũng trong đêm gala Quả bóng Vàng Việt Nam 2019. Ảnh: NVCC

Là một biên tập viên (BTV) thể thao có tiếng, Lê Đại Cán (Cán Cris) còn được biết đến trong những vai trò khác nhau như YouTuber, người đại diện cầu thủ hay cầu thủ bóng đá phong trào. Anh chia sẻ, mỗi công việc đến với anh đều có cơ duyên nhất định nhưng vẫn thích nhất công việc đại diện cho cầu thủ.

Ước mơ được chơi bóng chuyên nghiệp nhưng không thành

Xin chào Đại Cán, với nhiều vai trò khác nhau, tôi và độc giả có chung thắc mắc là nên xưng hô với anh ra sao?

Hãy gọi tôi là Cán Cris. Nó không chính thống, có chút gì đó phủi phủi nhưng hợp với tính cách của tôi, thích sự tự do, phóng khoáng.

Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao nhưng vì sao giờ đây anh lại gắn bó với những công việc không mấy liên quan đến ngành học?

Tôi cho rằng mọi thứ đều cơ duyên. Khi học đại học, tôi thường tham gia các trận bóng đá phong trào. Năm 2011, tôi gia nhập đội Trà Dimah và tình cờ quen anh Quốc Khánh (BTV thể thao Đài Truyền hình VN).

Thấy tôi nhanh nhẹn, hoạt bát, đam mê thể thao lại biết ngoại ngữ nên anh Khánh giới thiệu tôi vào VTV thực tập. Sau đó tôi được giữ lại thử việc rồi làm chính thức tại VTV.

Sau 9 năm, quãng thời gian đủ để tôi trưởng thành, có những trải nghiệm với nghề và tôi nhận thấy mình cần một hướng đi mới. Hiện tại tôi là biên tập viên thể thao của kênh Bóng đá TV thuộc Truyền hình Cáp Việt Nam. Cơ bản không khác biệt nhưng bên này cho tôi sự tự do nhiều hơn.

Về phần kênh YouTube, tôi bắt đầu làm từ tháng 4/2020 với mong muốn chia sẻ trải nghiệm với bóng đá phủi. Trước đó, đầu năm 2019, bất chợt tôi nghĩ mình muốn thử sức với công việc đại diện cho cầu thủ. Tôi chọn Đỗ Hùng Dũng là người đầu tiên hợp tác bởi Dũng chuyên nghiệp, có đạo đức tốt và sống biết trước biết sau.

img

Cán Cris sở hữu kênh YouTube gần 100 ngàn lượt theo dõi. Ảnh: NVCC

Theo anh, đâu là điểm chung của những công việc anh đang làm?

Thực ra những việc tôi tham gia đều nằm trong hệ sinh thái bóng đá nên tôi gần như không gặp khó khăn nào. Tôi làm BTV thể thao, được gặp nhiều cầu thủ, HLV, từ đó có thêm ý tưởng mới. Những mối quan hệ có được giúp tôi rất nhiều khi hỗ trợ cầu thủ, dễ dàng khai thác thông tin. Rồi việc tôi tham gia các trận đấu phong trào cũng là chất liệu để lên nội dung YouTube.

Thật lòng nhé, anh thích công việc, vai trò nào nhất?

Tôi thích làm người đại diện cầu thủ nhất. Từ nhỏ, tôi đã ước mơ được chơi bóng chuyên nghiệp nhưng không thành. Làm người đại diện, tôi được cầu thủ gửi gắm, cùng các bạn ấy nuôi dưỡng đam mê, sống trọn với nghề, giống như chính bản thân mình đang bước đi con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Người đại diện phải là cầu nối giữa cầu thủ và CLB

Tôi đã hạnh phúc biết bao khi chứng kiến Dũng vô địch V-League, có được chiếc Cúp Quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp, giành HCV SEA Games, nâng cao danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam. Tôi cũng tất bật cùng Dũng chuẩn bị cho hôn sự, cùng bạn ấy đón bé Titi trong bệnh viện… và tôi cũng đã khóc khi thấy Dũng bị gãy chân… Tôi nghĩ mối quan hệ này hơn cả người đại diện, nó rất đặc biệt với tôi và cả với Dũng.
Cán Cris


Ở Việt Nam, đại diện cầu thủ là định nghĩa mới mẻ. Với công việc này, anh phải làm những gì?

Người đại diện có hai dạng. Thứ nhất là người đại diện truyền thống, đơn thuần đóng vai trò môi giới cầu thủ, kết nối chuyển nhượng giữa cầu thủ và CLB.

Thứ hai là người đại diện kiểu mới, ngoài việc kết nối chuyển nhượng khi cần còn đóng vai trò như một tổng quản, tức hỗ trợ cầu thủ mọi mặt.

Về phần mình, tôi lên kế hoạch xây dựng, khai thác hình ảnh cho cầu thủ. Ngoài ra, tôi kết hợp với các chuyên gia thể lực, chuyên gia dinh dưỡng để hỗ trợ thêm cho cầu thủ khi cần.

Bên cạnh đó, tôi yêu cầu họ nâng cao trình độ học vấn, đặc biệt là tiếng Anh bằng các khóa học hoặc đọc sách bồi đắp những giá trị tinh thần.

Trong tương lai, tôi sẽ tìm hiểu và kết hợp cùng đội ngũ pháp lý để có thể bảo vệ quyền lợi của cầu thủ tốt hơn khi xảy ra tranh chấp hay khi chuyển nhượng.

Đâu là những khó khăn của người đại diện và anh thường xử lý chúng ra sao?

Nhiều lắm, nhưng nổi cộm nhất là xung đột với CLB. Các đội bóng thường không có cái nhìn thiện cảm với người đại diện bởi họ cho rằng người đại diện lôi kéo cầu thủ về phía mình, đi ngược lợi ích CLB.

Bởi vậy, trong mọi công việc, tôi nhường quyền quyết định cho CLB. Bất kỳ sự kiện nào cần cầu thủ tham gia tôi đều thông báo với CLB để họ cấp quyền. Quan trọng hơn, lợi ích giữa tôi, cầu thủ và CLB luôn rạch ròi.

Một khó khăn nữa cũng rất cơ bản là ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ Việt Nam đa phần còn chưa cao. Hùng Dũng có thể coi là ngoại lệ bởi bạn ấy luôn ý thức được phải làm những gì.

Anh học hỏi từ đâu để có thể làm tốt công việc người đại diện cầu thủ?

Tôi bắt đầu từ con số 0 và học hỏi từ chính những trải nghiệm. Ngoài ra, tôi có nghiên cứu một số tài liệu nước ngoài và xin kinh nghiệm từ giới quản lý showbiz.

Nhưng cầu thủ là 1 kiểu KOLs (người có sức ảnh hưởng xã hội) đặc biệt và người quản lý cũng đòi hỏi nhiều hiểu biết và kĩ năng đặc biệt, tôi còn phải học rất rất nhiều.

img

Cán Cris (trái) thường tham gia các trận bóng phong trào. Ảnh: NVCC

Liệu bóng đá Việt Nam có những quy tắc ngầm nào mà giới đại diện phải tuân thủ? Nguyên tắc của riêng anh là gì?

Ở nước ngoài, nghề đại diện được xã hội công nhận. Họ thường hoạt động theo mô hình công ty, nhiều bộ phận hỗ trợ và được quy định rõ ràng trong quy chế của các nền bóng đá.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghề này là tự phát nên tính liên kết không cao, đa số hoạt động trong “bóng tối” và không tuân theo bất kỳ nguyên tắc nào. Điều này dẫn tới tranh giành cầu thủ hoặc phá giá để kéo nhãn hàng về phía cầu thủ của mình.

Nguyên tắc của tôi là phải làm một cách tử tế và cầu thủ tôi hỗ trợ ngoài tài năng cũng phải tử tế.

Đã khi nào anh bất lực trong việc giải quyết một vấn đề nào đó cho cầu thủ?

Từng có cầu thủ tôi hỗ trợ muốn ra đi nhưng CLB không cho phép. Ở lại thì không được thi đấu dù bạn ấy rất tiềm năng. Khi đó tôi cảm thấy rất bất lực.

Tôi rất mong trong tương lai gần, CLB sẽ nhìn nhận lại vai trò, mối quan hệ với người đại diện để hai bên có sự tôn trọng, mục tiêu cuối cùng là phát huy tối đa năng lực cầu thủ.

Anh nghĩ gì khi nhiều ý kiến cho rằng, đại diện cầu thủ là nghề kiếm bộn tiền?

Nếu làm người đại diện truyền thống, thực hiện các thương vụ chuyển nhượng thì đúng là kiếm được nhiều tiền. Họ hưởng 5-10% giá trị hợp đồng, lót tay cầu thủ nên làm một vụ có thể đủ sống cả năm.

Người đại diện dạng mới nếu có thân chủ là các ngôi sao lớn, nhiều đầu việc cũng kiếm được không ít. Còn tôi đa phần làm với cầu thủ trẻ, Dũng là ngôi sao duy nhất nhưng bạn ấy cũng không phải gương mặt thu hút được nhiều nhãn hàng nên thu nhập từ công việc này của tôi tương đối hạn chế.

Với các cầu thủ, đâu là nguyên tắc anh đặt ra với họ?

Đỉnh cao của sự khéo léo là chân thành và tôi luôn nhắc cầu thủ của mình phải chân thành. Khi chân thành, cầu thủ sẽ trở nên tử tế.

Tôi luôn dành tình cảm đặc biệt với cầu thủ mình hỗ trợ. Tôi coi họ như những người em trong gia đình, ngược lại họ cũng coi tôi là anh, là người bạn đồng hành đáng tin cậy trên con đường sự nghiệp.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.