Thời sự

Cận kề tám mươi vẫn cần mẫn làm "cần chắn sống"

24/09/2014, 13:35

Từ ngày nhà báo lên đây lần đầu đến chừ mọi thứ đã quá nhiều thay đổi. Ông Đại - em tui, giờ đã không còn "đồng hành" với tui nữa. Thân già này cũng chưa biết ngày nào khuất núi.

Ông Nguyễn Văn Ca nhiều năm tự nguyện canh gác chắn đường ngang dân sinh
Ông Nguyễn Văn Ca nhiều năm tự nguyện canh gác chắn đường ngang dân sinh

Hai ông lão tự nguyện gác chắn tàu


Vẫn con đường ngang dân sinh đó, vẫn gác chắn nhỏ nằm khiêm tốn bên vệ đường, nhưng giờ chỉ còn lại một người, người kia đã khuất bóng. Vì tuổi già sức yếu, cụ ông Nguyễn Văn Đại (người em) đã về cõi vĩnh hằng, để lại gác chắn nhỏ cho người anh Nguyễn Văn Ca ngày qua ngày cặm cụi kéo chắn đảm bảo bình yên cho dân làng chài ven biển phía Bắc thành phố Đà Nẵng. 


Sự nhọc nhằn vẫn hằn sâu trên gương mặt già nua của ông Ca, nhưng nay ông nom lại càng khắc khổ hơn nhiều ở tuổi cận kề 80. 


Khối phố nghèo Xuân Dương, quận Liên Chiểu vẫn bình yên khuất sau những rặng phi lao. Nơi ấy giờ mọi người đã không còn hàng ngày thấy hai ông lão luân phiên nhau trực như năm nào nữa, mà thay vào đó là một cụ ông và một đứa cháu trai chừng mười tám, đôi mươi.

Kể từ khi ông Đại qua đời, đứa cháu phải ra trực thay tại chòi gác nhỏ trên đường ngang dân sinh chạy song song giữa QL1 và đường sắt, nối các tổ 43, 45, 46, 49 phường Hòa Hiệp Nam. Nơi đây vốn nổi tiếng là "điểm nóng” TNGT và từng có không ít vụ tai nạn, va chạm giữa tàu hỏa và với phương tiện và người băng ngang qua đường sắt dẫn đến những cái chết thảm thương. 
 

"Hiện trên TP Đà Nẵng có đến 13 tổ chắn với 46 người gác chắn, trong đó 3 điểm gác trực 24/24h. Đa phần người trực gác chắn đã từng làm gác chắn trong biên chế của ngành Đường sắt đã về hưu nên được mời làm hợp đồng tiếp. Chỉ có hai anh em nhà ông Nguyễn Văn Ca là người địa phương tiên phong tự nguyện làm “ông barie” nhằm đảm bảo ATGT tại “điểm nóng” đường ngang này”.

 

Ông Nguyễn Hữu Cường

 Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng

Chánh văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Cường chia sẻ, đường ngang ở đây nằm ở vị trí rất nguy hiểm, do có độ dốc lớn, lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc.

Nhiều năm về trước, khi chưa có hai ông lão tự nguyện canh gác chắn, tai nạn nơi này diễn ra như cơm bữa, nhất là vào ban đêm và tờ mờ sáng. Lý do vì lúc đó, người dân thường chủ quan, cộng với tiếng còi tàu từ xa hú vọng không nghe rõ. 

TP Đà Nẵng đã không ít lần làm việc với ngành Đường sắt để đầu tư nâng cấp gác chắn này thành đường ngang dân sinh có thông tin tín hiệu, có gác chắn, nhưng đợi mãi vẫn chưa có kết quả gì. 


“Năm 2008, chứng kiến những cái chết thương tâm xảy ra liên tiếp, ông Đại và ông Ca không đành lòng nên đề nghị chính quyền lập gác chắn và tự nguyện ra cảnh giới. Từ đó, chính quyền địa phương đã thành lập tổ cảnh giới đảm bảo ATGT, mở trạm gác barie này”, ông Cường kể. 


Tôi đã không ít lần trực tiếp đến thăm trạm barie của ông Đại và ông Ca. Nhưng thú thực, nói là trạm gác cho đúng từ chuyên ngành vậy thôi chứ đó chỉ là cái chòi nhỏ với cái cần chắn kéo tay thô sơ. Mỗi lần tàu về là ông Ca, hoặc ông Đại lại lọm khọm ra đứng giữa đường ngang, khua khua tay thông báo cho người đi đường biết là không được đi qua đường tàu, rồi kéo dây cột chắn, đứng giữ cho đến khi tàu chạy qua mới từ từ kéo chắn lên để thông đường. 


Ấy thế mà hiệu quả thấy rõ. Từ ngày hai ông thay phiên nhau ra chốt, tai nạn và những vụ va chạm nơi đường ngang này thuyên giảm nhiều phần. Người dân và các phương tiện mỗi khi qua đây cũng an tâm hơn nhiều.

Cháu thay ông nối nghiệp gác chắn


Gặp lại tôi sau nhiều năm, ông Ca lúc đầu chỉ nhớ mang máng, sau những câu chuyện qua lại ông mới nhận ra người quen cũ. Rồi vẫn chất giọng khàn đục rải đều từng câu chữ, ông chậm rãi kể: “Từ ngày nhà báo lên đây lần đầu đến chừ mọi thứ đã quá nhiều thay đổi. Ông Đại - em tui giờ đã không còn “đồng hành” với tui nữa. Thân già này cũng chưa biết ngày nào khuất núi, nên tui nói đứa cháu ông Đại ra trực thay với tui để sau ni khi tui về với đất, đứa cháu cũng quen việc mà làm”. 


Giờ đây, thay vào hình ảnh hai ông già lầm lũi như ngày trước tôi đến là một già một trẻ cần mẫn luân phiên nhau trực, sau ca trực lại đi mót cá sống qua ngày. Ông Ca phân trần: “Ngày trước tui và ông Đại tự nguyện trực chắn, không đòi hỏi chi, chỉ vì sự an toàn cho bà con xóm làng. Nhưng sau đó, ghi nhận trước tấm lòng của anh em tui, Ban ATGT quận Liên Chiểu đã phát lương cho mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Giờ tăng lên 2 triệu đồng/tháng rồi. Năm ngoái ông Đại mất, tui nói thằng cháu ông Đại đi làm thay ông để có được 2 triệu/tháng mà ăn học. Nhà hắn thuộc diện hộ nghèo đặc biệt. Chừ hắn trực một buổi còn một buổi đi học ở trường cao đẳng nghề”.


Sau 6 năm đi vào hoạt động, chòi gác chắn nơi đầu sóng ngọn gió đã được “cải thiện” lên nhiều. Từ chỗ gác chắn bằng cây tre được hai ông già tự phát đến nay ngành Đường sắt đã thay bằng cần chắn tạm, lắp điện thoại báo giờ tàu đến, sổ ghi chép, còi, cờ, nhà chòi chứ không còn là nhà lá đơn sơ như năm nào mà thay vào đó là được lợp tôn chắn gió. Trong gác chắn cũng đã có bàn ghế để ngồi. Nhưng chòi gác chắn đơn sơ, gió thốc đằng trước gió luồn đằng sau như chính cuộc đời nghèo túng của người trực chắn. 


Ông Ca vui mừng khoe: “Bữa ni có sổ khám chữa bệnh của bảo hiểm rồi nên hễ trái gió trở trời, thấy nhức mỏi trong người là tui thay phiên cho đứa cháu để đi bệnh viện khám lấy thuốc uống. Sự quan tâm của địa phương rứa là động viên lắm rồi”.


Bà Hoa ở tổ 43- người bán rau trong chợ Nam Ô, ngày nào cũng gánh hàng rau đi qua gác chắn của ông Ca cho biết: “Người dân chúng tôi luôn ghi nhớ việc làm của ông Ca và ông Đại. Từ ngày hai ông ấy tình nguyện làm gác chắn ở đây, dân làng đã không còn chứng kiến những cảnh khóc lóc thảm thiết nữa. Từ ngày ông Đại mất, thấy ông Ca cứ một mình cặm cụi trông thương lắm. Ông ấy vẫn miệt mài, chăm chỉ kéo chắn mỗi ngày. Nhà ông ấy nghèo lắm nên bà con mỗi lần đi ngang qua chắn, người thì nắm cho ông gói xôi, người đưa ông ổ bánh mỳ để ông lót dạ thêm”.


Ông Nguyễn Hữu Cường cho hay, năm ngoái hay tin ông Đại mất, ghi nhận sự nhiệt thành với gác chắn của ông, Ban ATGT TP Đà Nẵng đã đến phúng viếng và hỗ trợ 3 triệu đồng để gia đình lo mai táng. Lương trực của hai ông cháu nhà ông Ca là 2 triệu đồng/tháng/người, trong đó 1 triệu đồng là do quận trả, còn 1 triệu đồng là Ban ATGT TP trả để gắn trách nhiệm địa phương vào công việc.

Trước đây, ông Ca làm công việc kéo chắn tự phát, nhưng hai năm trở lại đây, ông Ca cũng đã được tập huấn về nghiệp vụ cảnh giới bài bản do Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức cho tất cả các gác chắn trên địa bàn để làm theo đúng quy trình quy phạm.


Khi tôi đến các gác chắn còn lại trên địa bàn, hầu như tất cả những công nhân gác chắn hợp đồng thời vụ đều nể phục ông Ca. Vì sự bình yên cho thành phố, ông đã tự nguyện làm “cần chắn sống” bằng tất cả sự nhiệt huyết của mình mà không nề hà khó khăn, cơ cực. 


Chia tay gác chắn nơi con sóng bạc đầu, tôi thực sự trăn trở với tâm sự của ông Ca rằng, mong ngành Đường sắt cho báo giờ tàu đến cứ 15 phút/mỗi lần tàu qua vì hiện nay mỗi ngày chỉ báo trước duy nhất một lần mà hàng ngày có rất nhiều lượt tàu đến nên sẽ rất nguy hiểm, người gác chắn sẽ rất thụ động vì không nhớ hết được lịch tàu đến và đi”. 

Nga Dương
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.