Đường Nguyễn Hữu Thọ nối từ quận 4 qua quận 7 và huyện Nhà Bè gánh hàng loạt dự án trung, cao cấp, được mệnh danh là tuyến đường có nhiều nhà cao tầng nhất khu Nam Sài Gòn - Ảnh: Lê Quân |
Các giải pháp hạn chế ùn tắc có thể gom thành nhóm dài hạn mang tính chiến lược và nhóm ngắn hạn có tính tác nghiệp. Bài viết này, tôi tập trung phân tích giải pháp quy hoạch, là giải pháp luôn được đặt vào vị trí hàng đầu trong số các giải pháp dài hạn nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Các đô thị Việt Nam đều đã có quy hoạch chung nhưng phần lớn vẫn theo tư duy của Chủ nghĩa Hiện đại, thông qua việc tiếp thu lý luận quy hoạch đô thị Xô Viết, thể hiện trong các Luật Quy hoạch đô thị (2009), Luật Xây dựng (2014), các tiêu chuẩn quy hoạch và các sách giáo khoa. Đó là tư duy phân khu chức năng, coi trọng mật độ thấp, xem nhẹ đường phố truyền thống, xây dựng tiểu khu nhà ở dưới danh nghĩa khu đô thị mới. Mặt khác, vì lợi ích tài chính nên đô thị hóa đất đai đi trước đô thị hóa dân số (điển hình là việc mở rộng địa giới Hà Nội) và do buông lỏng quản lý nên để đô thị hóa tự phát lan tỏa dọc khắp các tuyến đường ô tô trên cả nước. Đô thị tăng trưởng nhanh đã góp phần đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nhưng các “bệnh đô thị” như ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang ngày càng nặng thêm, dù chính quyền các thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó.
Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac và [email protected]... |
Ùn tắc đô thị từ lâu là căn bệnh chung của nhiều thành phố lớn trên thế giới nên các chuyên gia đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và xây dựng thành hệ thống quản lý ùn tắc. Về vĩ mô, trước hết mong các chuyên gia quy hoạch và các nhà làm chính sách đô thị nước ta sớm đoạn tuyệt với quan điểm của trường phái Chủ nghĩa Hiện đại, tiến hành đổi mới toàn diện về phương pháp luận, pháp lý, tiêu chuẩn, đồng thời rà soát lại tính đồng bộ và tương thích của quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông của các thành phố lớn đã được phê duyệt.
Để ứng phó với ùn tắc đô thị, giải pháp quy hoạch sử dụng đất hợp lý hướng tới giảm nhu cầu đi lại, tăng khả năng kết nối, còn quy hoạch giao thông giúp tăng khả năng lưu động. Hiển nhiên hai loại quy hoạch này phải gắn kết chặt chẽ với nhau mới đạt hiệu quả mong muốn. |
TP Hồ Chí Minh năm 2011 đưa vào vận hành đại lộ Đông - Tây dài gần 22km đi qua trung tâm nhằm giải tỏa ùn tắc cầu Sài Gòn và các trục chính của thành phố. Thế nhưng, tình trạng kẹt xe vẫn nghiêm trọng vì số lượng xe tăng quá nhanh và hiện tượng đường bị ngập do triều cường hay khi mưa lớn. Hiện nay, TP đang nghiên cứu dự án “Hành lang giao thông xanh” dựa vào đại lộ Đông - Tây gồm tuyến xe buýt nhanh (BRT) dài 23km với 28 trạm đỗ.
TP Hà Nội cũng hoàn thành nhiều dự án xây dựng giao thông lớn, tiêu biểu là cầu Nhật Tân và tuyến cao tốc Nhật Tân - Nội Bài. Tuy vậy, tình trạng ùn tắc đến nay vẫn ngày càng trầm trọng. Xét đến đặc điểm giao thông đô thị Hà Nội bị sông Hồng và đường sắt Bắc - Nam chia cắt. Để kéo giảm ùn tắc TP Hà Nội cần xem xét thêm một số vấn đề sau đây khi rà soát quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông:
Trước hết, cần xóa bỏ đoạn đường sắt Long Biên - Ngọc Hồi hiện đang chia cắt thành phố thành hai khu vực. Đoạn đường này ít hiệu quả vì đã có đường sắt qua cầu Thăng Long, nhưng lại cản trở lớn đến giao thông đô thị. Cầu Long Biên mới vẫn cần xây dựng nhưng là cầu đi bộ để thay thế cầu Long Biên cũ hết tuổi thọ, có thể được gia cố để làm “công viên - cầu”. Việc xóa bỏ đường sắt cho phép mở rộng QL1 đi bên cạnh và mở thêm đường ngang đi qua với khoảng cách không quá 800m. Tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên cho phép hành khách đi tàu dễ dàng tới các ga Nam và Bắc Hà Nội.
Quy hoạch phát triển vùng nội thành với hai trung tâm mới ở Mỹ Đình và Tây Hồ theo dạng “thành phố nhỏ trong thành phố lớn” như ở Hong Kong, tạo nhiều việc làm thu hút người ở các khu đô thị mới quanh đó. Nên hạn chế phát triển các khu nhà ở đơn chức năng, nhất là các “cộng đồng có cổng” tạo lối sống dựa vào xe hơi. Khuyến khích phát triến các khu đô thị dạng đường phố; Tận dụng đất đai quanh các ga dọc tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, tuyến Nhổn - ga Hà Nội và tuyến xe buýt tốc độ cao Nhật Tân - Nội Bài theo phương thức TOD.
Thành phố cần mở thêm một số đường cách nhau không quá 800m để kết nối các “khu đô thị mới” tại Hà Đông và quận Cầu Giấy với khu trung tâm gồm 4 quận nội thành cũ; Tăng thêm một số đường nhánh kết nối nội thành với các cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Lào Cai; Mở một số tuyến đường ô tô ngầm đi qua khu phố cổ, kết hợp với hạ tầng điện nước; Xây đường bộ trên cao ven đường Thanh Niên bên phía hồ Trúc Bạch để đường Thanh niên thành đường đi bộ và giải tỏa ùn tắc hai đầu đường; Mở cửa hàng hai bên các hầm đi bộ ngang đường để tăng cường an ninh và bảo đảm vệ sinh cả ngày lẫn đêm.
T.S Phạm Sỹ Liêm
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận