Nguồn cung căn hộ chạm đáy 4 năm qua
Thống kê của Hiệp hội BĐS TP HCM (HoRea) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án, tương đương 84,2% so với cùng kỳ năm 2018; đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án, giảm 82,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, vướng mắc đầu tiên của các dự án BĐS ở TP HCM hiện nay là về pháp lý, thủ tục chồng chéo, thiếu tính thực tiễn. Ngoài ra, việc tính tiền sử dụng đất đối với phần lớn dự án BĐS trên địa bàn TP HCM đều bị chậm trễ; nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TP HCM. Đặc biệt, với nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài từ hai đến ba năm khiến nhiều DN đứng ngồi không yên. “Tổng nguồn cung BĐS năm 2019 đã giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây”, ông Châu nói.
Cũng liên quan đến việc cung ứng sản phẩm ra thị trường, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho biết, phân khúc nhà nghỉ dưỡng ở các thành phố biển tiếp tục tăng, tuy nhiên sản phẩm là căn hộ thì đã chạm đáy trong vòng 4 năm qua.
Một DN địa ốc cho hay, nguồn vốn trung và dài hạn bị siết lại, việc phê duyệt hay hoàn thành các thủ tục để phát triển dự án kéo dài khiến DN gặp khó khăn vì chi phí vốn đội lên. Nếu kéo dài tình trạng này, những DN không trường vốn sẽ khó trụ lâu trên thị trường.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, nhu cầu nhà ở và đầu tư dài hạn vẫn tiếp tục tăng nhưng mãi lực thị trường nhà đất cuối năm sẽ giảm vì nguồn cung hạn hẹp, sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự thiếu hụt. Nói cách khác, không phải là thị trường không có dự án, mà việc thực hiện các thủ tục pháp lý thời gian qua không đạt như kỳ vọng; Tình trạng lệch pha cung cầu, các chủ đầu tư căn hộ không có hàng để bán, không có doanh thu để trang trải cho hoạt động của DN. Các DN môi giới cũng khó khăn không kém vì không thể nhận tiền cọc hay giữ chỗ cho khách hàng vì dự án không đủ điều kiện mở bán. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài nhiều DN có nguy cơ phá sản.
Báo động khoảng lặng pháp lý
Giá nhà bắt đầu biến động
Theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng, trong quý II/2019, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2019, giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,96% so với quý I/2019; Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,62% so với quý I/2019, giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 2,70% so với quý I/2019.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân khiến thị trường BĐS cả nước sụt giảm so với cùng kỳ các năm 2017, 2018 là bởi nhiều địa phương, trong đó có cả TP HCM còn lúng túng trong việc thực hiện thủ tục đầu tư dự án giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, dẫn đến thời gian kéo dài. “Có nhiều địa phương, đặc biệt là trên địa bàn TP HCM vướng mắc trong công tác xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, đền bù GPMB; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án… Nhiều nơi, chính quyền phải hỏi các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thì mới xem xét, giải quyết hồ sơ cho các DN”, vị đại diện nhấn mạnh.
Đi vào phân tích địa bàn TP HCM, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, nhiều dự án BĐS bị ách tắc còn do nhiều nguyên nhân khác: Thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đã được thực hiện từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất, trong khi pháp luật đã có nhiều thay đổi, do đó thành phố cho tạm dừng để rà soát lại thủ tục bổ sung theo quy định của pháp luật. Nhiều dự án liên quan đến sử dụng đất công nhưng trước đây không đấu giá, đấu thầu, do vậy thành phố cũng phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại để không làm thất thoát ngân sách nhà nước...
Cũng theo vị này, thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn thành phố bị thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm pháp luật, nhất là về sai phạm trong sử dụng đất công, vi phạm thủ tục đầu tư dự án, nhiều cán bộ đang bị xử lý nên công tác xem xét thủ tục, thẩm định, quyết định đầu tư các dự án BĐS bị chậm trễ. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư dự án gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên muốn chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác nhưng không thực hiện được do thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai...
“Nguồn cung nhà ở trong 6 tháng đầu năm 2019 có sụt giảm so với những năm trước tuy nhiên vẫn còn khá lớn so với nhu cầu, song chưa có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm BĐS trong thời gian tới, đặc biệt là nguồn cung căn hộ chung cư trung và cao cấp... Dự báo thị trường BĐS trong giai đoạn cuối năm 2019 sẽ không có biến động lớn, tuy nhiên thị trường vẫn thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ và trung bình so với nhu cầu của thị trường”, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nêu quan điểm.
Không đồng tình với nhận định trên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, cần có cảnh báo vì khoảng lặng pháp lý đang bao trùm lên thị trường BĐS. “Lượng dự án được ký ra từ cuối năm 2018 đến nay gần như bằng 0. Ở TP HCM nhìn lại gần 1 năm nay có bao nhiêu dự án mới được triển khai? Dường như không có. Thị trường đang rất cần sự chuẩn bị cho những dự án nhưng thiếu pháp lý. Các giao dịch hiện nay tốt nhưng là các dự án đã triển khai từ các năm trước. Điều đáng nói là tôi chưa thấy động tác nào khắc phục khoảng lặng pháp lý trong thị trường BĐS”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Trước tình hình này, ông Võ đặt vấn đề: “Năm nay chưa thể cạn nguồn cung, nhưng đáng ra những dự án phải bắt đầu được hoàn chỉnh pháp lý để chuẩn bị hàng cho vài năm tới nhưng không thấy. Và vài ba năm nữa sẽ là gì? Là hụt nguồn cung và cầu vẫn tăng thì giá sẽ tăng trong thời gian tới. Khi giá tăng cao trong 2-3 năm nữa thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận