Biển báo tốc độ trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ cầu Đỗ Xuân Hợp đến Mai Chí Thọ, quận 2) - Ảnh: Đỗ Loan |
Tai nạn tăng chưa hẳn do tốc độ
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên đường Mai Chí Thọ (đoạn từ hầm sông Sài Gòn đến nút giao Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống), bảng tốc độ được chia rõ theo 3 làn xe. Làn xe ô tô, xe hỗn hợp, xe hai bánh với tốc độ từ nhỏ đến lớn lần lượt là 50, 60, 80km/h. Trên thực tế biển báo như vậy nhưng đối với làn xe hỗn hợp, xe máy, nếu đường vắng hiếm khi thấy người dân chạy đúng tốc độ quy định, đặc biệt là về đêm.
Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến đường số 38) biển báo tốc độ với làn đường xe máy là 60km/h. Làn đường dành cho ô tô là 80km/h. Thế nhưng, chỉ khi đường vắng hoặc ban đêm người dân mới chạy đạt tốc độ cho phép theo quy định. “Những lúc cao điểm sáng, chiều, xe đông có cho chạy nhanh cũng không ai chạy. Nói thật lúc đó mà cứ đều đều tầm 40km/h là hạnh phúc lắm rồi”, anh Chiến - một tài xế taxi nói.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, từ đầu năm đến nay đã lập biên bản 7.368 trường hợp vi phạm tốc độ. Trong đó, 180 trường hợp ô tô khách, 49 lượt taxi, 2.320 ô tô con, 1.109 ô tô tải, 3.702 trường hợp mô tô vi phạm… So với thời gian liền kề tăng 1.467 trường hợp. Từ ngày 23/1 - 31/3, trên địa bàn TP HCM xảy ra 555 vụ TNGT, làm chết 106 người, 402 người bị thương. Với thống kê trên, CSGT cho rằng, tăng tốc độ một số tuyến đường đã khiến cho TNGT tăng và đề xuất giảm tốc độ. |
Tương tự trên tuyến xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh từ 7 - 9h sáng, chiều từ 16h30 - 18h, những biển báo tốc độ cao so với quy định trước kia đều không có giá trị. Vào giờ cao điểm, người dân khổ sở nhích từng chút một tại vị trí giao cắt hoặc đèn xanh, đèn đỏ hay có sự cố bất ngờ trên đường.
Ông Võ Văn Tám, Giám đốc DNTN Cô Hai TP.HCM cho rằng, TNGT phần lớn do ý thức của con người, nhiều tình huống tai nạn không phải do tốc độ. Đối với những đường lớn, rộng rãi vẫn nên để tốc độ hiện tại là hợp lý. Nếu giảm xuống, tài xế chỉ tuân thủ ở khu vực này nhưng không tuân thủ khu vực khác và chạy nhanh hơn để kịp về bến, việc tăng hay giảm cũng không tác dụng.
“Thực tế tăng hay giảm tốc độ từ 50 - 60km/h hay từ 70 - 80km/h cũng không đáng bao nhiêu, vậy nên để tốc độ như hiện tại là hợp lý. Lúc đường thoáng mà tốc độ chỉ cho phép 60km/h lái xe chạy rất ức chế, có khi lại là nguyên nhân gây tai nạn vì một số người cố tình vượt tốc độ này”, ông Tám nói.
Tài xế Nguyễn Văn Hải, thường xuyên lái taxi trên nhiều tuyến quốc lộ nhận định, mật độ giao thông hiện nay của TP quá đông, tai nạn xảy ra vì nhiều lý do, cộng với ý thức người tham gia giao thông kém, không phải do tốc độ. “Kiến nghị giảm tốc độ chỉ tạo điều kiện cho CSGT làm việc chứ không có lợi gì cho người lái xe hay đảm bảo ATGT. Muốn khẳng định việc tăng TNGT do tăng tốc độ ở những tuyến đường này, phải có số liệu dẫn chứng cụ thể, từ lúc tăng tốc độ lên 80km/h thì tai nạn tăng thế nào? Bao nhiêu người chết vì xe chạy quá tốc độ? Giảm tốc độ xuống liệu có giảm tai nạn?”, ông Hải phân tích.
Cân nhắc kỹ trước khi điều chỉnh
Liên quan đến đề xuất giảm tốc của CSGT, một cán bộ phòng khai thác của Sở GTVT TP.HCM cho biết, trước đó, đầu tháng 3/2017 thành phố đã có quyết định điều chỉnh tốc độ trên 12 tuyến đường như QL1 (đoạn từ cầu vượt Tân Vạn đến nút giao An Lạc); QL22 (đoạn từ QL1 - đường Nguyễn Văn Hoài); Xa lộ Hà Nội (QL1 - cầu Sài Gòn); đường Mai Chí Thọ (hầm sông Sài Gòn đến Xa lộ Hà Nội); đường Đồng Văn Cống (từ đường Mai Chí Thọ đến Nguyễn Thị Định); đường Võ Văn Kiệt (hầm sông Sài Gòn đến cầu Lò Gốm); Phạm Văn Đồng (nút giao Nguyễn Thái Sơn đến đường số 38)…
Tại những tuyến đường trên, đối với phần đường hỗn hợp (phần đường dành cho xe 2-3 bánh lưu thông), tốc độ tối đa cho phép lưu thông 50km/h. Còn đối phần đường dành cho xe ô tô, xe sơ-mi rơ-moóc và ô tô tải, tốc độ cho phép lưu thông 60km/h. Đối với xe ô tô con, ô tô khách, tốc độ lưu thông không thay đổi so với trước đây là 80km/h.
Theo cán bộ phòng khai thác của Sở GTVT TP.HCM, nếu việc tăng tốc độ là nguyên nhân gây TNGT, Sở GTVT sẽ cùng với các đơn vị liên quan đánh giá, rà soát lại một số tuyến đường để có sự điều chỉnh cho phù hợp. “Việc giảm hay tăng tốc độ tùy thuộc vào từng tuyến đường cụ thể. Tại TP.HCM, các tuyến đường với tốc độ hiện nay cơ bản là phù hợp. Đối với những vị trí có thể nói là điểm đen về TNGT phải tìm hiểu nhiều nguyên nhân để điều chỉnh, không phải chỉ do yếu tốc tăng tốc độ thì tăng tai nạn”, vị này nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho rằng, hiện nay tuy chưa có thống kê cụ thể về số vụ TNGT tăng hay giảm sau khi điều chỉnh tăng tốc độ trên từng tuyến đường nhưng theo thống kê của CSGT, có nhiều vụ tai nạn do vượt quá tốc độ ở những quận nội thành chủ yếu về ban đêm. Do vậy, cần thiết phải điều chỉnh lại tốc độ tăng hoặc giảm theo thực tế. Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh cần phải xem xét nhiều yếu tố cả nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Sau khi có ý kiến của các bên liên quan mới trình UBND TP xem xét.
Chưa đủ căn cứ tăng tốc độ làm tăng TNGT Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Thông tư 91/2016 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, trật tự, ATGT đường bộ đã có chuyển biến tích cực. Dù còn một số ít địa phương, tuyến đường có gia tăng TNGT, nhưng trên phạm vi cả nước, TNGT giảm cả ba tiêu chí, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện rõ rệt. Cũng theo ông Lăng, qua phân tích cơ sở dữ liệu TNGT, chưa đủ căn cứ để nhận định, quy định của Thông tư số 91 làm gia tăng TNGT. Về cơ bản, Thông tư số 91 đang phù hợp với thực tiễn, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân. Quy định của Thông tư đi vào cuộc sống, đang được thực hiện ổn định. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, không cần điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế thông tư này. Trần Duy |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận