Những những lễ hội, tập tục kích động bạo lực, mô tả đâm chém, phải cân nhắc và xem xét mới quyết định loại bỏ hay không. |
Ngày 24/11, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở chủ trì hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với sự ra đời của Nghị định mới trong tình hình các lễ hội có nhiều diễn biến phức tạp như thời gian qua.
Bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở thừa nhận, việc ra dự thảo Nghị định mới gặp nhiều khó khăn, trong đó có khái niệm về lễ hội. Những văn bản luật trước thường phân loại ở góc độ nghiên cứu, nên Nghị định mới buộc phải làm sao để phù hợp với các văn bản trước đó.
Loại bỏ thay thế lễ hội kinh rợn?
Theo bà Hương, dự thảo của Nghị định mới không quy định với tất cả các lễ hội mà chỉ quản lý với những lễ hội sau nhiều năm gián đoạn, nay muốn tổ chức lại, và những lễ hội ở quy mô cấp tỉnh. Với những lễ hội được tổ chức định kỳ ở huyện, sẽ chỉ thông báo theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, vẫn có một số nội dung trong dự thảo Nghị định gây tranh luận. Đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội lần này là Khoản 1, Điều 4 đưa ra nguyên tắc tổ chức lễ hội với nội dung: “Loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Lý cho rằng, với một văn bản Nhà nước, nếu làm không cẩn thận sẽ thành cấm đoán, áp đặt. Nhất là khi những lễ hội như chém lợn, đâm trâu vẫn gây tranh cãi. “Chủ yếu là do cách làm. Đó là phong tục tập quán, nếu làm khéo léo thì không đến mức độ phải loại bỏ. Có những phong tục của chúng ta có truyền thống lâu đời, phải hiểu mới thấy được ý nghĩa chứ không phải cứ thấy như thế nào là cấm để đáp ứng cho những ý kiến bảo nó phản cảm. Chúng ta cũng cần giải thích cho khách nước ngoài hiểu điều đó”, ông nói.
Chồng chéo, lúng túng
Cũng theo PGS.TS Lê Hồng Lý, Nghị định dự thảo mới bao trùm vấn đề hơi rộng. Với những lễ hội truyền thống của làng, không nhất thiết phải quá khắt khe và quy định trong Nghị định. Bởi có nhiều vấn đề đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa, nên nếu không rõ ràng vấn đề sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo luật. Đồng thời, nhà nước nên để người dân tự quản lý nhiều hơn, bởi nếu nhà nước quản lý quá nhiều sẽ dẫn tới vấn đề xin – cho. Đặc biệt, với những lễ hội dân gian nên xem xét cẩn thận, phải phân loại lễ hội nào cần đăng ký và lễ hội nào không cần đăng ký.
Đồng quan điểm, TS. Lê Thị Minh Lý cho hay, với những lễ hội làng, lễ hội thuộc về di sản thì trả lại cho Di sản văn hóa. Cần phải phân định rõ ràng đối tượng quản lý. Còn việc loại bỏ, thay thế các tập tục như trên không cần thiết, vì điều này khiến mọi người hiểu nhà nước không dân chủ.
Đối với việc phục hồi các lễ hội, cần trả lại cho vấn đề cho cơ quan quản lý di sản văn hóa để xem xét việc có nên cho phục hồi hay không. Bộ VHTT&DL, mà cụ thể cơ quan thực hiện là Cục Văn hóa cơ sở chỉ quản lý về vấn đề đời sống lễ hội.
Đại diện của tổ soạn thảo Nghị định cho hay, hiện nay có quá nhiều văn bản quy định về lễ hội, nên khi bắt tay vào làm sẽ khó, không cẩn thận sẽ bị chồng chéo và không rõ ràng. Có lễ hội tín ngưỡng, festival, truyền thống… Đa số cơ quan quản lý vẫn lúng túng trong việc xác định đối tượng quản lý, bởi những lễ hội truyền thống là một loại hình di sản văn hóa, được quy định trong Luật di sản. Cần phải tôn trọng quyền của chủ thể văn hóa, đồng thời hạn chế tối đa việc cấm hay không cấm mà hãy cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hành.
Trong khi đó, bà Bùi Thục Anh – Ban Tuyên giáo TW đồng tình và cho rằng, các điều khoản trong Dự thảo Nghị định đã khá chi tiết và đầy đủ. Về mặt chủ trương, Nghị định mới có thể giúp các lễ hội được tổ chức phù hợp hơn với nhu cầu của nhân dân và sự đổi mới của đất nước. Bà Thục Anh có ý kiến nên đưa thêm công tác giáo dục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa và giá trị của lễ hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận