Giao thông

Cân nhắc vị trí xây dựng cảng tàu khách Phú Quốc

13/05/2014, 10:15

Chiều qua, 12/5/2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang xung quanh việc xây dựng cảng tàu khách Phú Quốc.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang

2020, khách quốc tế đến Phú Quốc có thể lên tới 1,2 triệu lượt

Theo dự báo mới nhất, tới năm 2020, số lượng hành khách tới Phú Quốc sẽ đạt khoảng 2 - 3 triệu khách/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 35 - 40%. Đến năm 2030, con số này sẽ lên tới 5 - 7 triệu khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 45 - 50%. Như vậy, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc năm 2020 vào khoảng 0,7 - 1,2 triệu hành khách và năm 2030 là khoảng 2,2 - 3,5 triệu hành khách.

“Dự báo lượng hành khách quốc tế tới Phú Quốc bằng đường biển cũng đạt khoảng 105 – 190 nghìn hành khách vào năm 2020 và 350 – 550 nghìn hành khách vào năm 2030” - ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP tư vấn, thiết kế cảng - kỹ thuật biển, đơn vị được giao tư vấn lập dự án Quy hoạch chi tiết cảng hành khách quốc tế Phú Quốc cho biết.

Trước đó, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ GTVT Nguyễn Công Bằng cũng khẳng định hầu hết các hãng tàu nước ngoài, muốn Việt Nam xây dựng có những cảng cho tàu khách lớn có thể tiếp nhận những tàu chở từ 6.000 – 7.000 khách để từ đó xây dựng những tour du lịch đến cảng.

Hiện Việt Nam chưa có cảng khách chuyên dụng để tiếp nhận hành khách. Các tàu khách được tiếp nhận chủ yếu tại các bến cảng tổng hợp, container. Chỉ có một số rất ít cảng dành khu bến để tiếp nhận khách như Bến Nhà Rồng (cảng Sài Gòn) và bến khách Hòn Gai (cảng Hòn Gai).

 

Cân nhắc vị trí xây cảng

Theo đề xuất của Portcoast, lựa chọn vị trí xây cảng hành khách Phú Quốc tại An Thới là phù hợp nhất. Được biết, tư vấn cũng đã nghiên cứu 3 vị trí khác gồm Vịnh Đầm, Mũi Đất Đỏ và Dương Tơ. 

“Ngoài An Thới, cũng có ý kiến đề xuất vị trí Dương Tơ. Dù cả 2 vị trí đều dễ thực hiện công tác nạo vét nhưng sóng tại khu vực Dương Tơ lớn hơn. Hơn nữa, do gặp tầng chịu lực sớm nên nếu xây cảng tại An Thới, nền móng sẽ tốt hơn” – ông Phúc phân tích. Ông Phúc cũng đề xuất phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1, tổng mức đầu tư khoảng 171 tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng là hơn 126 tỷ đồng. Giai đoạn 2, tổng mức tư  khoảng 182 tỷ trong đó chi phí xây dựng khoảng 117 tỷ đồng.

Liên quan đến vị trí xây cảng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cho rằng nếu đầu tư tại An Thới, chưa nói đến điều kiện tự nhiên có thuận lợi để xây cảng hay không, nhưng trước mắt có thể thấy ngay là rất khó khăn về kết nối giao thông. Khoảng cách từ An Thới đi Dương Đông – khu trung tâm du lịch của Phú Quốc -  khá xa, đi ô tô cũng mất khoảng 30 phút. “Nếu đầu tư ở Dương Đông thì thuận lợi cho khách du lịch. Từ đây, hành khách có thể đi đến phía bắc hay phía nam của đảo cũng đều thuận tiện” – ông Thi nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng nếu làm được ở Dương Đông là thuận lợi nhất. Kế đó có thể cân nhắc các vị trí ở Dương Tơ hoặc Mũi Đất Đỏ. 

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh Phú Quốc là huyện đảo có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch. Bộ trưởng yêu cầu tư vấn cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể từng vị trí, trong đó có tính tới khả năng kết nối. “Tính toán đầu tư cảng sao cho phát huy được tổng thể kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng cả đảo Phú Quốc, sao cho khai thác cảng hiệu quả nhất. 

Cũng trong buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang chiều qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giải quyết các vấn đề liên quan đến tiến độ triển khai Dự án Hành lang ven biển phía Nam. 

Báo cáo kết quả 3 dự án thành phần thuộc Dự án Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long Dương Tuấn Minh cho biết, tuyến Thứ Bảy – Kênh 14 hiện tại mới hoàn thành 68% kế hoạch, dự kiến thông xe cơ bản vào 31/12/2014. Tại tuyến Minh Lương – Thứ Bảy dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 11/2014. Hiện tại, đã hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ tuyến tránh Tắc Cậu và các cầu trên tuyến. Trên tuyến tránh Rạch Giá, ông Minh cho biết hiện đã cơ bản hoàn thành toàn bộ 22 cầu. Dự kiến, đoạn tuyến chính sẽ hoàn thành ngay trong tháng 6 tới và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2014. 

Được biết, trong giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục hoàn thành gần 90km tuyến chính và hơn 10km đường nối với tổng số 37 cầu trên tuyến. Quy mô, giai đoạn trước mắt theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng gồm 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cũng sẽ được xây dựng trên tổng diện tích hơn 16ha. Tổng mức đầu tư toàn dự án lên tới hơn 7.400 tỷ đồng. 

Chỉ đạo dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh tiến độ Dự án hành lang ven biển phía Nam đang rất chậm, cần nhanh chóng có giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bộ trưởng cũng đề nghị phía tỉnh Kiên Giang cần quan tâm hơn nữa đến công tác GPMB. “Rút kinh nghiệm từ việc GPMB tại dự án mở rộng nâng cấp QL1, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh phải trực tiếp vào cuộc, đối thoại với dân, giao ban hàng tuần thì mới mong làm tốt công tác khó khăn này” – Bộ trưởng nhấn mạnh. 

 

Ngân Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.